Thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế 2019
Mới đây nhất, Chính phủ đã ra Nghị định, quy định lại thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế 2019.
Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ – CP quy định thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế như sau:
1. Trường hợp khám, chữa bệnh thông thường:
- Phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế có ảnh còn giá trị sử dụng; trường hợp thẻ bảo hiểm y tế chưa có ảnh thì xuất trình thẻ bảo hiểm y tế cùng giấy tờ chứng minh nhân thân của người đó.
- Đối với trẻ em dưới 6 tuổi:
+ Xuất trình thẻ bảo hiểm y tế còn giá trị sử dụng (nếu đã có);
+ Trường hợp trẻ chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế thì phải xuất trình bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh;
+ Trường hợp trẻ phải điều trị ngay sau khi sinh mà chưa có giấy chứng sinh thì trưởng cơ sở khám, chữa bệnh và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán chi phí bảo hiểm y tế.
- Đối với người đang trong thời gian chờ cấp lại thẻ, đổi thẻ: xuất trình giấy hẹn cấp lại thẻ, đổi thẻ và một loại giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó.
2. Trường hợp khám, chữa bệnh sau khi hiến bộ phận cơ thể:
- Cũng như người dân đến khám, chữa bệnh thông thường, người đã hiến bộ phận cơ thể đến khám bệnh, chữa bệnh cũng phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế và giấy tờ chứng minh nhân thân của mình.
- Trường hợp phải điều trị ngay sau khi hiến thì trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi lấy bộ phận cơ thể và người bệnh hoặc thân nhân của người bệnh ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán chi phí bảo hiểm y tế.
3. Trường hợp chuyển tuyến điều trị:
Người dân phải xuất trình hồ sơ chuyển tuyến của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và giấy chuyển tuyến theo mẫu số 6. Trường hợp giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12 nhưng đợt điều trị chưa kết thúc thì được sử dụng giấy chuyển tuyến đó đến hết đợt điều trị.
4. Trường hợp khám lại theo yêu cầu điều trị:
Người dân phải có giấy hẹn khám lại của cơ sở khám, chữa bệnh theo Mẫu số 5. Giấy hẹn khám lại chỉ sử dụng cho 01 lần thực hiện khám, chữa bệnh.
5. Trường hợp cấp cứu:
- Người dân được khám, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám, chữa bệnh nào và phải xuất trình các giấy tờ như trường hợp khám, chữa bệnh thông thường trước khi ra viện.
- Khi hết giai đoạn cấp cứu, người bệnh được chuyển đến khoa, phòng điều trị khác tại cơ sở đó để tiếp tục theo dõi, điều trị hoặc chuyển tuyến đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.
- Trường hợp cấp cứu tại cơ sở khám, chữa bệnh không có hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế thì người bệnh được nhận các giấy tờ, chứng từ hợp lệ liên quan đến chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi ra viện để thanh toán trực tiếp với cơ quan bảo hiểm xã hội.
6. Trường hợp đi công tác, làm việc lưu động, học tập trung:
- Các đối tượng này được khám, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám, chữa bệnh cùng tuyến hoặc tương đương với cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ bảo hiểm y tế;
- Khi đi khám phải xuất trình các giấy tờ hư trường hợp khám, chữa bệnh thông thường và một trong các giấy tờ sau (bản chính hoặc bản chụp):
+ Giấy công tác;
+ Quyết định cử đi học;
+ Thẻ học sinh, sinh viên;
+ Giấy tờ chứng minh đăng ký tạm trú;
+ Giấy chuyển trường.
Chi phí khám, chữa bệnh đối với mỗi loại bệnh hiện nay không hề nhỏ, chính vì vậy, mỗi người dân nên chấp hành nghiêm túc thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế để được hỗ trợ tối đa nhất có thể.