Thủ tục rườm rà khiến nhiều trường phổ thông e ngại khi triển khai xã hội hóa

Lãnh đạo trường trung học phổ thông kiến nghị cần đơn giản hóa thủ tục hành chính với công tác xã hội hóa trong giáo dục nhằm giúp các đơn vị dễ dàng triển khai.

Xã hội hóa trong giáo dục không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là yêu cầu cần thiết, góp phần làm tăng tổng nguồn lực đầu tư cho quá trình đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, để công tác này thực sự hiệu quả, các cơ sở giáo dục cần một hành lang pháp lý cụ thể, rõ ràng và thuận lợi hơn.

Đây cũng là mong muốn của nhiều trường trung học phổ thông, bởi trong quá trình thực hiện xã hội hóa giáo dục, các trường vẫn gặp một số khó khăn nhất định.

Vẫn còn vướng mắc trong công tác triển khai xã hội hóa giáo dục

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Ngô Thanh Xuân - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Lào Cai (tỉnh Lào Cai) cho biết, hiện nay, nhà trường đang trong quá trình nghiên cứu các quy định liên quan đến công tác xã hội hóa trong giáo dục, đặc biệt là Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT ngày 3/8/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Dù thông tư đã nêu rõ nguyên tắc, nội dung, hình thức và quy trình thực hiện việc tiếp nhận tài trợ, và tỉnh Lào Cai cũng đã có những văn bản hướng dẫn khá cụ thể, nhưng nhà trường vẫn chưa thực hiện được. Do chưa từng triển khai xã hội hóa trong giáo dục trước đó, nhà trường còn e ngại về tính pháp lý, tính đúng đắn trong quy trình thực hiện và nguy cơ xảy ra sai sót, dẫn đến sự dè dặt khi bắt tay vào triển khai.

 Thầy Ngô Thanh Xuân - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Lào Cai. Ảnh tư liệu NVCC.

Thầy Ngô Thanh Xuân - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Lào Cai. Ảnh tư liệu NVCC.

Thực tế, tại nhà trường, các nguồn đầu tư tự nguyện từ doanh nghiệp hay cá nhân chủ yếu diễn ra dưới hình thức trao tặng trực tiếp. Ví dụ, vào dịp cuối năm học, nếu có doanh nghiệp muốn tặng quà cho học sinh, nhà trường sẽ lập danh sách và tạo điều kiện để đại diện đơn vị tài trợ đến trao quà trực tiếp. Trường không đứng ra tiếp nhận hay phân phối lại các phần quà này.

Điển hình, một mạnh thường quân mong muốn tài trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong trường mỗi em từ 300.000 đến 500.000 đồng mỗi tháng. Vì vậy, nhà trường lập danh sách 5 học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhất để nhận hỗ trợ. Việc trao tặng được thực hiện trực tiếp, có sự chứng kiến của ban giám hiệu, hội chữ thập đỏ địa phương và giáo viên chủ nhiệm. Hình thức hỗ trợ trực tiếp cho học sinh này thuận tiện hơn so với quy trình tài trợ cho nhà trường bởi giảm bớt thủ tục hành chính phức tạp.

Bên cạnh đó, phụ huynh học sinh không phải đóng góp bất kỳ khoản nào ngoài các quy định đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, ngoại trừ một số khoản dịch vụ phục vụ trực tiếp cho học sinh.

Phần lớn các hạng mục cần đầu tư về cơ sở vật chất nhà trường vẫn xin hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Còn các hoạt động xã hội hóa từ nguồn lực bên ngoài, như doanh nghiệp hay cựu học sinh vẫn là một nguồn rất khó triển khai do vướng mắc về cơ chế, thủ tục và nguồn lực hỗ trợ.

Hiện, nhà trường đang trong quá trình nghiên cứu các văn bản liên quan đến nội dung này và dự kiến sẽ trình sở giáo dục và đào tạo để xin ý kiến hướng dẫn cụ thể.

Cùng bàn về vấn đề này, thầy Phan Văn Chương - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (tỉnh Quảng Nam) cho hay, hoạt động xã hội hóa giáo dục đã góp phần vào mục tiêu xây dựng trường, lớp ngày càng khang trang, sạch, đẹp, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh đến trường học tập, rèn luyện.

Việc tiếp nhận tài trợ tại nhà trường được thực hiện nghiêm túc theo Thông tư 16. Theo đó, nhà trường đã thành lập ban tiếp nhận, lập hồ sơ và xử lý theo đúng quy trình quy định.

Việc huy động các nguồn lực xã hội hóa giáo dục tại nhà trường hiện được triển khai thường xuyên, trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện. Các lực lượng tham gia bao gồm doanh nghiệp, nhà tài trợ, mạnh thường quân, cựu học sinh và phụ huynh. Những đóng góp tự nguyện này đã góp phần đáng kể vào việc cải thiện cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác dạy và học.

Cụ thể, trong dịp kỷ niệm 20 năm thành lập, cựu học sinh đã chủ động đóng góp ý tưởng và hiện vật để cùng nhà trường xây dựng phòng truyền thống. Một số hạng mục khác như tượng danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm hay các khu vực trong khuôn viên trường cũng nhận được sự tài trợ tự nguyện của cựu học sinh, doanh nghiệp sau khi tham quan, tìm hiểu và mong muốn đồng hành với nhà trường.

Tuy nhiên, quá trình tiếp nhận các nguồn tài trợ vẫn gặp không ít khó khăn do thủ tục pháp lý còn rườm rà và một số quy định chưa thực sự rõ ràng, gây vướng mắc trong quá trình triển khai thực tế.

Chẳng hạn, khi tiếp nhận tài trợ hiện vật như tượng danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm hay thiết bị cho phòng truyền thống, nhà trường phải tiến hành hàng loạt thủ tục hành chính như lập hồ sơ, xin thẩm định, phê duyệt và bàn giao theo đúng quy trình. Quy trình kéo dài và đòi hỏi nhiều giấy tờ khiến công tác triển khai kéo dài. Điều này khiến nhà trường đôi khi phải phụ thuộc vào tiến độ xử lý của các cơ quan liên quan, làm giảm tính chủ động trong việc tiếp nhận và sử dụng nguồn lực xã hội hóa.

Thầy Phan Văn Chương cho rằng, hiện nay, tinh thần đóng góp cho giáo dục đang được xã hội quan tâm và hưởng ứng mạnh mẽ. Vì vậy, việc bổ sung thêm hành lang pháp lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính là điều cần thiết. Nếu được tháo gỡ kịp thời, các nguồn lực xã hội sẽ được huy động hiệu quả hơn, góp phần xây dựng môi trường giáo dục hiện đại, thân thiện và phát triển bền vững.

Trong khi đó, thầy Lê Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (Long Biên, Hà Nội) cho biết, hiện nay, nhà trường chỉ thực hiện xã hội hóa trong giáo dục dưới hình thức tiếp nhận tài trợ bằng hiện vật, theo đúng quy định tại Khoản 2, Điều 4 của Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT. Việc huy động nguồn lực xã hội chủ yếu được thực hiện từ các doanh nghiệp, cá nhân, doanh nhân nhằm hỗ trợ công tác giảng dạy, tổ chức các hoạt động giáo dục cho học sinh và khen thưởng các em có thành tích học tập tốt.

Các khoản tài trợ từ doanh nghiệp, cá nhân và các mạnh thường quân đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy học, hiệu quả hoạt động giáo dục, đồng thời tạo động lực cho học sinh giỏi tích cực tham gia các kỳ thi và đạt thành tích cao.

Đơn cử, một doanh nghiệp cùng một số mạnh thường quân đã hỗ trợ lắp đặt và bàn giao bảng màn hình LED tại sân khấu nhà trường. Thiết bị này được sử dụng hiệu quả trong các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và tuyên truyền pháp luật cho học sinh, góp phần tạo nên không khí sinh động, hấp dẫn qua các hình ảnh minh họa và nội dung trình bày từ diễn giả.

Theo thầy Lê Trung Kiên, nếu được áp dụng một cách linh hoạt và triệt để, các quy định hiện nay có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các bên tham gia tài trợ, đồng thời giúp nhà trường chủ động hơn trong việc huy động nguồn lực, nâng cao chất lượng dạy và học.

 Một tiết học tại Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều. Ảnh: website nhà trường.

Một tiết học tại Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều. Ảnh: website nhà trường.

Cần đơn giản hóa thủ tục, quy trình tiếp nhận đóng góp cho giáo dục

Để công tác xã hội hóa giáo dục diễn ra thuận lợi, rõ ràng hơn cho các đơn vị, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Lào Cai nhấn mạnh, cần có cơ chế, chính sách thông thoáng hơn trong việc huy động và tiếp nhận các nguồn lực xã hội hóa giáo dục. Theo đó, nếu các quy định được bổ sung, hoàn thiện theo hướng đơn giản hóa, minh bạch và linh hoạt hơn, trường học sẽ có điều kiện để tiếp cận hiệu quả hơn với các nguồn tài trợ từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có tâm huyết với giáo dục.

Hiện nay, nhu cầu đầu tư cho giáo dục ngày càng cao, vì vậy, công tác xã hội hóa, huy động sự chung tay từ cộng đồng là hướng đi cần thiết và mang tính lâu dài. Hiện nay, trường kỳ vọng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các doanh nghiệp, mạnh thường quân để trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hoặc khen thưởng, khuyến khích các em đạt thành tích cao trong học tập, đặc biệt là học sinh giỏi, học sinh đạt giải quốc gia.

Nhà trường vẫn gặp khó khăn trong việc tổ chức khen thưởng cho học sinh đoạt giải cấp tỉnh do chưa có nguồn kinh phí riêng cho hoạt động này. Nếu có cơ chế tài trợ thuận lợi hơn, đây sẽ là động lực rất lớn để học sinh nỗ lực, phấn đấu trong học tập.

 Học sinh đạt giải cao của Trường Trung học phổ thông Chuyên Lào Cai nhận thưởng trong lễ tổng kết năm học. Ảnh: website nhà trường.

Học sinh đạt giải cao của Trường Trung học phổ thông Chuyên Lào Cai nhận thưởng trong lễ tổng kết năm học. Ảnh: website nhà trường.

Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết, xã hội hóa trong giáo dục không đơn thuần là huy động để xây dựng cơ sở vật chất, mà còn bao gồm cả nguồn lực để nâng cao chất lượng dạy học, tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng, trải nghiệm sáng tạo và chăm lo cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nguồn lực xã hội là một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển toàn diện của giáo dục.

Để nâng cao cơ sở vật chất nhà trường khang trang, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới, mỗi trường học đều rất cần sự chung tay của xã hội. Tuy nhiên, quá trình huy động nguồn lực xã hội hóa hiện nay vẫn còn không ít rào cản, chủ yếu đến từ các quy định pháp lý và thủ tục hành chính còn phức tạp.

Nhà trường kiến nghị cần có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn về công tác xã hội hóa trong giáo dục nhằm giúp các đơn vị dễ dàng triển khai, đồng thời tạo được sự đồng thuận cao từ các bên liên quan. Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách phù hợp, linh hoạt hơn để tạo điều kiện cho nhà trường được chủ động trong việc tiếp nhận các nguồn lực, góp phần nâng cao hiệu quả giảng dạy và chất lượng giáo dục.

Nếu cơ chế xã hội hóa được bổ sung theo hướng rõ ràng, cụ thể hơn, đồng thời tinh gọn về thủ tục không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường trong tiếp nhận hỗ trợ, mà còn khiến các mạnh thường quân, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân mong muốn đóng góp cho hoạt động giáo dục sẽ cảm thấy việc tài trợ trở nên nhẹ nhàng, minh bạch và đáng tin cậy hơn.

Đây cũng là cách để xây dựng niềm tin, tạo sự kết nối bền chặt giữa nhà trường và cộng đồng xã hội trong hành trình nâng cao chất lượng giáo dục. Mục tiêu cuối cùng vẫn là xây dựng một môi trường học tập hiện đại, nhân văn và thực chất, phù hợp với yêu cầu giáo dục trong giai đoạn mới.

Hồng Mai

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thu-tuc-ruom-ra-khien-nhieu-truong-pho-thong-e-ngai-khi-trien-khai-xa-hoi-hoa-post251281.gd