Bỏ quy định chia hạng chức danh giáo viên: Cục Nhà giáo nói gì?
Cục Nhà giáo thông tin về dự kiến bỏ quy định chia hạng chức danh giáo viên trong dự thảo Luật Nhà giáo mới. Dù vậy, vẫn có bậc lương tương ứng thâm niên và trình độ.
Thông tin về việc dự kiến bỏ quy định chia hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non và phổ thông đã thu hút sự quan tâm của dư luận, nhất là trong bối cảnh hệ thống hiện hành đang phân chia thành các hạng I, II, III với các hệ số lương khác nhau. Trước đó, các phiên bản dự thảo Luật Nhà giáo trước đây vẫn duy trì quy định này.
Theo nội dung tại Điều 12 của bản dự thảo Luật Nhà giáo mới nhất, chức danh nhà giáo sẽ được xác định dựa trên yêu cầu của hoạt động nghề nghiệp trong từng cấp học, trình độ đào tạo, thay vì phân chia theo các hạng như hiện nay. Cụ thể, dự thảo quy định:
1. Chức danh nhà giáo là tên gọi thể hiện trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo trong từng cấp học, trình độ đào tạo.
2. Chức danh nhà giáo được xác định theo yêu cầu của hoạt động nghề nghiệp trong từng cấp học, trình độ đào tạo.
3. Việc bổ nhiệm, thay đổi chức danh nhà giáo được thực hiện phù hợp với loại hình cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
4. Các chức danh nhà giáo trong từng cấp học, trình độ đào tạo được xác định tương đương khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Sự thay đổi này đồng nghĩa với việc quy trình xét thăng hạng giáo viên từ hạng thấp lên hạng cao sẽ không còn được thực hiện như hiện tại.

Ảnh minh họa.
Lý giải về sự thay đổi này, TS. Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý Giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, việc điều chỉnh này nhằm mục tiêu phù hợp và thống nhất với định hướng sửa đổi Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức. Theo đó, chức danh nhà giáo sẽ được xác định theo vị trí việc làm và yêu cầu của hoạt động nghề nghiệp ở từng cấp học, trình độ đào tạo.
Ông Đức cũng nhấn mạnh rằng, dù không còn phân hạng, vẫn sẽ có các bậc lương để ghi nhận quá trình cống hiến và sự phát triển trình độ của giáo viên. "Để phù hợp với các dự kiến mới, Dự thảo Luật Nhà giáo (đang trình Quốc hội thông qua) chỉ quy định về chức danh. Việc phân bậc sẽ được thực hiện sau khi Luật Viên chức sửa đổi được ban hành, căn cứ theo quy định của luật này", ông Đức thông tin thêm.
Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý Giáo dục cũng lưu ý rằng, quy định mới về chức danh giáo viên trong dự thảo Luật Nhà giáo hiện tại vẫn phù hợp với Luật Viên chức hiện hành. Do đó, việc xếp hạng giáo viên vẫn có thể được thực hiện bình thường trong thời gian chờ Luật Viên chức sửa đổi.
Trước đó, việc phân hạng giáo viên đã gây ra nhiều tranh luận và ý kiến trái chiều, với nhiều nhà giáo cho rằng quy định này còn tồn tại những bất cập và thiếu công bằng. Một số ý kiến cho rằng, không ít giáo viên có năng lực chuyên môn tốt nhưng vẫn bị xếp ở hạng thấp, trong khi những người làm việc kém hiệu quả hơn lại có thể đạt được hạng cao hơn dựa trên thâm niên công tác.
Nhiều nhà giáo bày tỏ kỳ vọng rằng, việc thay đổi cách xác định chức danh và có cơ chế trả lương phù hợp với vị trí việc làm và năng lực thực tế sẽ tạo động lực làm việc hiệu quả hơn, đồng thời mang lại sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp của mỗi nhà giáo đối với sự nghiệp giáo dục.