Thủ tục rườm rà ngáng chân doanh nghiệp

Tại Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2020 do Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố, trong 190 nền kinh tế được đánh giá, Việt Nam đạt 69,8 điểm trên thang điểm 100, cao hơn năm ngoái 1,44 điểm, nhưng lại tụt một bậc xuống thứ 70. Điều này cho thấy mức độ cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam dù tăng nhưng vẫn chậm hơn so với nhiều nền kinh tế khác, nhiều thủ tục hành chính còn rườm rà làm khó DN.

Hải quan cửa khẩu sân bay Quốc tế Nội Bài kiểm tra hàng hóa trước khi xuất khẩu. Ảnh: Hải Linh

Hải quan cửa khẩu sân bay Quốc tế Nội Bài kiểm tra hàng hóa trước khi xuất khẩu. Ảnh: Hải Linh

Thấp thỏm lo thanh, kiểm tra

Xét trong khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ đứng mức giữa (thứ 5) và bị bỏ khá xa so với những cái tên đứng đầu như Singapore (thứ 2), Malaysia (thứ 12), Thái Lan (thứ 21), Brunei Darussalam (thứ 66).

Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư - CIEM) Nguyễn Minh Thảo cho biết, theo khảo sát của CIEM, cộng đồng DN phản ánh môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều rào cản, trong đó điều kiện kinh doanh vẫn là trở ngại chính. Việc quản lý, kiểm tra chuyên ngành chậm cải cách, thậm chí có những văn bản mới đi ngược lại với chỉ đạo của Chính phủ hoặc thể hiện cải cách hình thức, thiếu thực chất.

Khảo sát của VCCI, có tới 57% DN đánh giá thủ tục xuất nhập khẩu không cải thiện, trong khi cắt giảm điều kiện kinh doanh tại một số lĩnh vực chưa thực chất khiến DN vẫn chưa được thụ hưởng thành quả từ cải cách. Theo WB, hiện thời gian làm thủ tục giao dịch thương mại qua biên giới ở Việt Nam gấp 2 lần của Thái Lan, 3 lần của Malaysia. Chi phí nhập khẩu mà các DN phải thực hiện ở các cửa khẩu của Việt Nam cũng cao hơn 2 lần so với Thái Lan, Malaysia và Singapore...

Qua nghiên cứu và rà soát văn bản của CIEM thì có 6.000 điều kiện kinh doanh. Ví dụ có những quy định vô lý như nhà xưởng bao nhiêu mét vuông, kê hàng cách bao nhiêu… “Thời gian qua các bộ, ngành dù có cắt giảm những điều kiện kinh doanh không cần thiết nhưng thực chất không phải cắt giảm mà chuyển qua kiểm tra sau thông quan” - bà Thảo nói.

Dẫn ví dụ Bộ Công Thương ban hành Quyết định 765 - QĐ/BCT về việc công bố danh mục các mặt hàng đã được cắt giảm kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm quản lý của bộ này. Trong đó hàng trăm mặt hàng sắt thép và sản phẩm dệt may được liệt kê trong danh mục. Tuy vậy nội dung trong quyết định này chỉ là không kiểm tra trong giai đoạn thông quan mà chuyển sang kiểm tra sau thông quan. Bà Thảo đặt nghi vấn có hay không bệnh thành tích?
"Đáng lưu ý, thanh tra, kiểm tra vẫn là nỗi lo lớn đối với DN. Dù theo chỉ thị của Thủ tướng mỗi năm cơ quan chỉ thanh, kiểm tra một lần nhưng thực tế cơ quan quản lý trong các lĩnh vực thường không kết hợp với nhau để thanh, kiểm tra. Và khi cơ quan quản lý tới thanh, kiểm tra nội dung thường tương tự nhau nhưng không DN nào dám phản ánh bị "thăm" nhiều" - bà Thảo nói.

Bên cạnh đó, chi phí không chính thức cũng còn phổ biến ở hầu hết lĩnh vực. Cùng một quy định chính sách nhưng cách thức thực thi khác nhau và có tình trạng tùy tiện trong áp dụng pháp luật và phần thua luôn thuộc về DN. “Tâm lý không dám kiện vì các DN sợ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh" – đại diện CIEM dẫn ý kiến của DN.

Cần cơ chế giám sát để cán bộ làm đúng luật

Các DN kiến nghị cần khắc phục một số tình trạng như "cán bộ chưa hiểu rõ quy định; thiếu sự chia sẻ thông tin và phối hợp hoạt động giữa các ban, ngành liên quan" hay "việc giải thích, hướng dẫn chưa rõ ràng"... vốn là những bất cập còn tồn tại cố hữu mà nhiều năm qua vẫn chưa khắc phục triệt để.

Luật sư Nguyễn Quốc Phong - Công ty Luật Aliat Legal, nêu các bất cập liên quan đến Luật Đầu tư và Luật DN. Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài tham gia vốn góp vào DN khi muốn tăng vốn đầu tư cũng phải làm lại thủ tục. Như vậy, DN lại phải làm thêm một bước nữa. Hay như việc DN nước ngoài tham gia vào lĩnh vực logistics, luật đã quy định rõ nhà đầu tư nước ngoài, được phép đầu tư với một tỷ lệ vốn nhất định. Tuy nhiên, khi xin cấp phép các sở ở địa phương không nắm được luật rồi lại gửi văn bản lên các bộ để xin ý kiến, sau đó các bộ trả lời như luật quy định. Việc này làm mất thời gian của DN. Ông Phong kiến nghị, “cần phải phân cấp rõ ràng cho các sở ở địa phương. Đồng thời, phải có một cơ chế giám sát để các cơ quan nhà nước phải làm đúng theo luật”.

Bà Rita Ramalho – một trong các tác giả của Báo cáo WB nhận định, gỡ bỏ rào cản kinh doanh là biện pháp tích cực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Báo cáo cũng cho rằng điều kiện kinh doanh dễ dàng hơn có thể đẩy cao mức độ khởi nghiệp, từ đó làm tăng cơ hội nghề nghiệp, nguồn thu thuế của Chính phủ và thu nhập của người dân. Việc này sẽ hỗ trợ đáng kể cho nền kinh tế toàn cầu, vốn được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng 3% năm nay – thấp nhất hơn 10 năm.

Trâm Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thu-tuc-ruom-ra-ngang-chan-doanh-nghiep-356041.html