Thủ tục về thuế và hải quan đã cải thiện nhưng vẫn còn doanh nghiệp kêu khó

Ngày 10/12, Bộ Tài chính phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2024. Hơn 530 doanh nghiệp khu vực phía Bắc tham gia đối thoại, vẫn còn doanh nghiệp kêu gặp khó trong thực hiện chính sách về thuế và hải quan.

97% hồ sơ hoàn thuế nộp trực tuyến

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, năm 2024, kinh tế trong nước đối mặt nhiều khó khăn từ tác động bất lợi của kinh tế toàn cầu, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và tác động trực tiếp đến đời sống của người dân.

Với chủ trương đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, trong 3 năm (từ 2021-2023) và tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Tài chính đã chủ động triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Bộ cũng đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp bao gồm miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất. Đáng chú ý, khoảng 96.000 tỷ đồng được giảm trực tiếp, mang lại hiệu quả tích cực cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị.

Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI - nhận xét: “Ngành thuế và hải quan đã có những bước tiến đáng kể trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa quy trình, giúp doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ nhanh hơn, chuyên nghiệp hơn.”

Cụ thể, tính đến giữa tháng 11/2024 có 99,9% số doanh nghiệp trên cả nước đã sử dụng hệ thống khai thuế điện tử, và 98,5% doanh nghiệp nộp thuế trực tuyến. Trong lĩnh vực hải quan, hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS) đã thực hiện hơn 99% thủ tục bằng phương thức điện tử, giúp giảm đáng kể thời gian và chi phí cho các hoạt động xuất nhập khẩu. Đến nay, 97% hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) được nộp trực tuyến, giảm đáng kể thời gian xử lý và nâng cao tính minh bạch.

Bộ cũng đẩy mạnh triển khai Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi (VASSCM), hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu tình trạng ùn tắc, nâng cao hiệu quả quản lý và giảm tiếp xúc trực tiếp với cơ quan hải quan.

Doanh nghiệp vẫn gặp vướng mắc

Dù đã có những tiến bộ trong cải cách thủ tục hành chính và áp dụng công nghệ thông tin, các doanh nghiệp vẫn đối mặt nhiều vướng mắc trong thực hiện các quy định về thuế và hải quan.

Theo thống kê từ Diễn đàn Doanh nghiệp VBF 2024, gần 100 ý kiến đã được ghi nhận liên quan đến các vấn đề như hoàn thuế, mức tính thuế, tính thống nhất trong áp dụng cơ chế ưu đãi và khó khăn phát sinh từ thay đổi chính sách của các quốc gia đối tác xuất nhập khẩu.

Rất đông doanh nghiệp tham dự hội nghị và tham gia đối thoại.

Rất đông doanh nghiệp tham dự hội nghị và tham gia đối thoại.

Một trong những vấn đề nổi bật được nêu là vướng mắc trong nhập khẩu bông để sản xuất sợi OE của Công ty TNHH Bông Thái Bình. Theo đại diện doanh nghiệp, bông chải thô bị xem là phế liệu, khiến doanh nghiệp không thể nhập khẩu nguyên liệu. Vì thế, doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Trả lời vấn đề này, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, đối với loại bông này, doanh nghiệp được phép nhập khẩu vì không bị xem là phế liệu.

Tuy nhiên, bông chải thô có hàm lượng tạp chất lên đến 40%, nên cần sự phối hợp giữa Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường để đưa ra phương án xử lý phù hợp. Tháng 11/2024, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về giải pháp và Tổng cục Hải quan cam kết sẽ hướng dẫn doanh nghiệp ngay khi có chỉ đạo chính thức.

Đại diện nhiều doanh nghiệp đặt câu hỏi, kiến nghị tại hội nghị.

Đại diện nhiều doanh nghiệp đặt câu hỏi, kiến nghị tại hội nghị.

Một vướng mắc khác liên quan đến thời gian nợ tờ khai thông quan khi xuất khẩu bột đá vôi siêu mịn của Công ty CP Khoáng sản Toàn Cầu. Đại diện doanh nghiệp này cho biết, do sự chênh lệch về thời gian tham vấn giá (30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai) và thời gian nợ tờ khai thông quan (15 ngày từ khi được cấp chứng nhận xuất xứ) đã gây ra nhiều vướng mắc, gián đoạn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Đại diện Tổng cục Hải quan thừa nhận sự chênh lệch giữa hai mốc thời gian và đưa ra hai giải pháp. Một là kéo dài thời gian nợ tờ khai thông quan lên 30 ngày để đồng bộ với thời hạn tham vấn giá. Hai là rút ngắn thời gian tham vấn giá để phù hợp với quy định hiện hành. Tuy nhiên, việc điều chỉnh thời hạn tham vấn giá có thể khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong chuẩn bị hồ sơ. Các cơ quan liên quan cam kết tiếp tục nghiên cứu để đưa ra giải pháp hợp lý, hỗ trợ doanh nghiệp và đảm bảo hiệu quả quản lý.

Đáng chú ý, một doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc cho biết đang bị “kẹt” khoản hoàn thuế GTGT lên tới hàng nghìn tỷ đồng suốt hơn một năm. Nguyên nhân là họ phải kê khai thuế tại hai địa phương khác nhau, nên gặp khó khăn trong xác định nguồn ngân sách hoàn trả.

Về vấn đề này, đại diện Tổng cục Thuế giải đáp rằng, số thu của cấp ngân sách nào sẽ do chính cấp đó hoàn trả, đồng thời doanh nghiệp đã được hướng dẫn qua công văn để thực hiện thủ tục hoàn thuế hợp lý.

Lâm Thùy Dương

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thu-tuc-ve-thue-va-hai-quan-da-cai-thien-nhung-van-con-doanh-nghiep-keu-kho-post1699364.tpo