Thủ tướng Ai Cập: Thu hút đầu tư nước ngoài là ưu tiên hàng đầu
Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly khẳng định thu hút đầu tư nước ngoài là ưu tiên hàng đầu của chính phủ nước này.
Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly ngày 5/1 khẳng định thu hút đầu tư nước ngoài là ưu tiên hàng đầu của chính phủ nước này, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tạo ra một môi trường đầu tư thuận lợi và thân thiện với nhà đầu tư nước ngoài.
Người phát ngôn Nội các Ai Cập Nader Saad cho biết, Thủ tướng Madbouly đã chủ trì cuộc họp với sự tham dự của nhiều bộ trưởng trong Nội các để xem xét các biện pháp thúc đẩy các cơ hội đầu tư trong một loạt ngành kinh tế cũng như thảo luận về công tác chuẩn bị cho hội nghị xúc tiến đầu tư sắp tới tại đất nước "Kim tự tháp".
Các tổ chức quốc tế lớn, các ngân hàng đầu tư cũng như đại diện các công ty và các lãnh đạo doanh nghiệp quốc tế dự kiến sẽ được mời tham dự sự kiện này. Theo ông Saad, cuộc họp trên tập trung vào các cơ chế thực hiện chính sách vừa được Tổng thống Abdel Fattah El-Sisi thông qua. Chính sách này nhấn mạnh việc tăng cường vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong sự phát triển kinh tế của đất nước.
Cuộc họp cũng thảo luận về những diễn biến toàn cầu và khu vực vốn đang ảnh hưởng đến các nền kinh tế thế giới. Các bộ trưởng cũng nêu bật các vấn đề mà Ai Cập đang phải đối mặt do những căng thẳng địa chính trị như xung đột Nga-Ukraine, sự biến động của giá dầu cũng như sự sụt giảm giá trị đồng bảng Ai Cập so với đồng USD.
Nền kinh tế Ai Cập đã bị ảnh hưởng nặng nề khi xung đột Nga-Ukraine gây bất an cho các nhà đầu tư toàn cầu và khiến họ rút hơn 20 tỷ USD ra khỏi thị trường Ai Cập. Cuộc xung đột Nga-Ukraine cũng đã khiến giá lúa mì leo thang, tác động tiêu cực đến Ai Cập, một trong những nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, cũng như gây áp lực lên nguồn dự trữ ngoại hối của quốc gia Bắc Phi này.
Do giá cả leo thang và giá năng lượng toàn cầu tăng vọt, lạm phát của Ai Cập đã ở mức 18% trong tháng 11/2022, trong khi lượng hàng hóa trị giá hàng tỷ USD vẫn bị mắc kẹt tại các cảng của Ai Cập do thiếu nguồn USD để giải phóng chúng. Khi cuộc khủng hoảng ngoại tệ vẫn tiếp diễn, đồng bảng của Ai Cập đã giảm mạnh, mất hơn 70% giá trị trong vòng 10 tháng qua.
Trong dự thảo ngân sách tài khóa 2023-2024, Ai Cập đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 5,5% trong tài khóa tới, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu tiếp tục gây áp lực lớn lên các nền kinh tế trên thế giới, bao gồm cả Ai Cập.
Bộ trưởng Tài chính Ai Cập Mohamed Maait cho biết dự thảo ngân sách tài khóa 2023-2024 ưu tiên ba mục tiêu, bao gồm hấp thụ các cú sốc lạm phát và áp lực từ các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu do xung đột ở Ukraine gây ra; mở rộng các chương trình bảo trợ xã hội để trợ giúp người có thu nhập thấp; và đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn.
Ông Maait cho hay bất chấp các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng như các áp lực lạm phát, Ai Cập đặt mục tiêu đạt tăng trưởng kinh tế 5,5% trong tài khóa 2023-2024, đạt thặng dư ngân sách cơ bản 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 5% GDP trong trung hạn và đưa nợ chính phủ xuống dưới 80% GDP vào cuối năm 2027./.