Thủ tướng Ấn Độ đến Ba Lan và Ukraine: Chuyến thăm đa thông điệp
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm chính thức Ba Lan và Ukraine từ ngày 21-23/8. Chuyến thăm là sự kiện ngoại giao quan trọng, là cơ hội để New Delhi gửi đi những thông điệp lớn hơn.
Sự kiện Thủ tướng Modi thăm hai quốc gia Đông Âu mang ý nghĩa lịch sử, đánh dấu lần đầu tiên một Thủ tướng Ấn Độ tới Ba Lan sau 45 năm và tới Ukraine sau hơn 30 năm.
Mũi tên nhắm nhiều đích
Đối với Ba Lan, trong Thế chiến II, Ấn Độ ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh của Ba Lan chống lại sự xâm lược của phát xít Đức. Ba Lan và Ấn Độ là một phần của liên minh Đồng minh trong các trận chiến lớn ở Tobruk (1941) và Monte Cassino (1944).
Chuyến thăm của Thủ tướng Modi đến Ba Lan vào dịp kỷ niệm 70 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (1954-2024). Thời gian qua, thương mại song phương tăng trưởng đều, đạt 5,72 tỷ USD năm 2023. Về quốc phòng, Ba Lan chuyển giao 80 xe bọc thép cứu hộ (ARV) WZT-3 cho quân đội Ấn Độ. Nhà sản xuất máy bay không người lái WB Group của Ba Lan đang hợp tác chặt chẽ với lực lượng vũ trang Ấn Độ…
Cộng đồng người Ấn Độ tại Ba Lan khoảng 25.000 người. Trong chiến dịch di tản công dân bị mắc kẹt ở các nước láng giềng của Ukraine do xung đột Nga - Ukraine, Ba Lan đã hỗ trợ New Delhi di tản 4.000 sinh viên từ Ukraine.
Theo Times of India, nhiều người Ấn Độ, đặc biệt là sinh viên Ấn Độ tại Ba Lan rất trông chờ và vui mừng trước chuyến thăm của Thủ tướng Modi. Như vậy, chuyến thăm vừa giúp Ấn Độ làm “ấm lại” mối quan hệ với Ba Lan, vừa giúp ông Modi củng cố hình ảnh của nhà lãnh đạo có nhiều đóng góp, nhất là trong bối cảnh vừa nhậm chức Thủ tướng Ấn Độ lần thứ ba liên tiếp.
Đối với Ukraine, chuyến thăm còn thu hút sự chú ý đặc biệt bởi diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng Modi vừa thăm chính thức Nga vào tháng trước.
Thêm nữa, Kiev mới bất ngờ đưa quân vào tỉnh Kursk của Nga, khiến xung đột trở nên phức tạp hơn. Trưởng Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ tại Viện nghiên cứu phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Tatyana Shaumyan nhận định, không loại trừ khả năng Nga đang “trông cậy” vào vai trò trung gian của Ấn Độ.
Trước áp lực từ một nước Nga có quan hệ gần gũi và nhu cầu duy trì mối quan hệ chiến lược với Mỹ, Ấn Độ vẫn đang cho thấy sự chủ động trong các bước đi. Từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, New Delhi luôn giữ thái độ cân bằng. Thủ tướng Modi đã tái khẳng định tại Hội nghị G7 ở Italy rằng “Ấn Độ sẽ tiếp tục làm mọi thứ trong khả năng của mình để ủng hộ giải pháp hòa bình”.
Tăng cường ảnh hưởng
Chuyến thăm hai nước Đông Âu của Thủ tướng Modi cho thấy cách tiếp cận, ứng xử với các mối quan hệ có tính chiến lược của Ấn Độ.
Thứ nhất, Ấn Độ thể hiện sự coi trọng quan hệ ngoại giao song phương với Ba Lan và Ukraine. Ba Lan là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Liên minh châu Âu và là một thành viên của NATO, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì an ninh châu Âu, nhất là sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Việc New Delhi tăng cường quan hệ với Warsaw có thể được coi là một phần trong chiến lược đa dạng hóa quan hệ ngoại giao, tập trung hơn vào các quốc gia tầm trung có vai trò chiến lược trong khu vực, nhằm tăng cường sự hiện diện của Ấn Độ tại châu Âu và vai trò của nước này trong các vấn đề toàn cầu. Đối với Ukraine, Ấn Độ cũng thể hiện vai trò của mình như một bên trung lập, có thể như một cầu nối giữa Ukraine và các quốc gia khác, đặc biệt là các nước đang phát triển, để tìm kiếm sự hỗ trợ về kinh tế và nhân đạo.
Thứ hai, Ấn Độ gửi thông điệp tới cộng đồng quốc tế về việc nước này ủng hộ hòa bình, giải quyết xung đột thông qua con đường ngoại giao, đối thoại, đàm phán theo Hiến chương Liên hợp quốc. Ấn Độ sẽ tiếp tục duy trì quan điểm cân bằng và thúc đẩy một giải pháp công bằng, hòa bình cho cuộc xung đột hiện tại.
Thứ ba, Ấn Độ đang cho thấy những bước đi có tính toán chiến lược, bài bản, thể hiện trách nhiệm trong giải quyết các vấn đề quốc tế. Ấn Độ có thể sẽ không theo đuổi vai trò trung gian hòa giải, nhưng sẵn sàng truyền tải thông điệp giữa hai bên. Ấn Độ đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho chuyến thăm Ukraine khi từ tháng 3/2024, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine đã đến Ấn Độ và có cuộc tiếp xúc với người đồng cấp.
Tháng 6/2024, Ấn Độ đã cử một phái đoàn đến Hội nghị hòa bình ở Thụy Sỹ theo đề nghị của Ukraine, dù không ký thông cáo chung do không có sự tham gia của Nga. Tháng 7/2024, Thủ tướng Modi đến thăm Nga để hiểu quan điểm của Moscow và giờ đây, ông Modi đến thăm Ba Lan cũng như quốc gia láng giềng Ukraine.
Sự chuẩn bị kỹ càng và thực hiện chuyến công du đặc biệt tới Ba Lan và Ukraine của Thủ tướng Modi càng cho thấy rõ hơn cam kết của Ấn Độ trong nỗ lực đóng góp vào khôi phục hòa bình ở châu Âu, phục vụ cho mục tiêu toàn cầu lớn hơn của New Delhi.