Thủ tướng Ấn Độ sắp thăm chính thức Mỹ

Bắt đầu từ 21/6, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ có chuyến thăm chính thức kéo dài 3 ngày tới Mỹ - một động thái được coi như bước ngoặt trong quan hệ song phương - nhằm nâng cao hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và chia sẻ công nghệ cao.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng ngày 24/9/2021. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng ngày 24/9/2021. Ảnh: Reuters

Dù đã thực hiện một số chuyến thăm Mỹ trước đây, Reuters cho biết chuyến thăm lần này sẽ là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Modi và cũng là chuyến thăm thứ 3 của một nhà lãnh đạo Ấn Độ tới Mỹ.

Trong khuôn khổ chuyến thăm này, lịch trình dự kiến của ông Modi bao gồm chủ trì lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Yoga tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York ngày 21/6. Tới ngày 22/6, India Times cho biết Thủ tướng Modi sẽ được chào đón trọng thể tại Nhà Trắng. Sau nghi thức chào mừng, Thủ tướng Ấn Độ sẽ có cuộc đối thoại cấp cao với Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Sau hội đàm song phương, Thủ tướng Modi sẽ phát biểu tại phiên họp chung của Quốc hội Mỹ chiều 22/6 theo lời mời của các lãnh đạo gồm Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy và Lãnh đạo Phe Đa số Thượng viện Mỹ Chuck Schumer. Dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, ông Modi cũng từng phát biểu một lần trước Quốc hội Mỹ năm 2016.

Tới buổi tối cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Đệ nhất phu nhân Jill sẽ tổ chức quốc yến để vinh danh Thủ tướng Modi. Hàng trăm khách mời, bao gồm các thành viên của Quốc hội, các nhà ngoại giao và người nổi tiếng dự kiến sẽ có mặt tại bữa tối này.

Tới ngày 23/6, ông Modi sẽ cùng tham gia một bữa trưa với Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris và Ngoại trưởng Antony Blinken – người vừa trở về từ chuyến thăm Trung Quốc. Ngoài ra, ông cũng sẽ có buổi gặp mặt với các CEO, chuyên gia và các bên liên quan khác cũng như phát biểu trước cộng đồng người Ấn Độ tại một sự kiện lớn ở Trung tâm Ronald Reagan tối cùng ngày.

Nhận định với các phóng viên ngày 19/6 về tầm quan trọng của sự kiện này, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Ấn Độ Vinay Kwatra cho biết: "Đây là một cột mốc quan trọng trong mối quan hệ của chúng tôi. Đây là một chuyến thăm rất quan trọng, rất trọng yếu".

Theo ông Kwatra, một trong những thành tựu quan trọng dự kiến sẽ đạt được thông qua chuyến thăm lần này nằm ở lĩnh vực hợp tác quốc phòng, đặc biệt là giữa các ngành công nghiệp quân sự của hai nước trong bối cảnh Ấn Độ tìm cách sản xuất thêm vũ khí và thiết bị trong nước cũng như để xuất khẩu.

Do đó, các thông báo chính thức được mong đợi trong chuyến thăm của ông Modi bao gồm việc Mỹ chấp thuận cho General Electric sản xuất động cơ ở Ấn Độ cho các máy bay chiến đấu sản xuất trong nước. Ngoài ra, có khả năng cao cũng sẽ có thông báo chính thức về việc Ấn Độ mua 31 máy bay không người lái MQ-9B SeaGuardian có vũ trang do General Atomics sản xuất trị giá 3 tỷ USD cũng như việc Mỹ loại bỏ các chướng ngại vật cản trở việc vận hành thương mại quốc phòng và công nghệ cao của hai bên.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Nusa Dua, Bali, Indonesia ngày 15/11/2022. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Nusa Dua, Bali, Indonesia ngày 15/11/2022. Ảnh: Reuters

Theo ông Ely Ratner, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại một sự kiện ngày 8/6, “mọi người sẽ nhìn lại chuyến thăm này của Thủ tướng Modi như một bàn đạp thực sự cho mối quan hệ Mỹ - Ấn, vì nó liên quan đến các vấn đề quốc phòng nói riêng”.

Ông cũng bổ sung thêm một Ấn Độ mạnh mẽ hơn có thể bảo vệ lợi ích của chính mình và có thể đóng góp cho an ninh khu vực là một tín hiệu tích cực cho Mỹ. Ngoài ra, việc Ấn Độ trở thành một nhà xuất khẩu an ninh trong khu vực cũng nhận được kỳ vọng cao.

Ngoài lĩnh vực quốc phòng, hợp tác trong lĩnh vực linh kiện bán dẫn, không gian mạng, hàng không vũ trụ, cơ sở hạ tầng chiến lược và truyền thông, các dự án không gian thương mại, điện toán lượng tử và sử dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực công nghiệp và quốc phòng cũng sẽ được thảo luận, theo Reuters trích dẫn một quan chức cấp cao Ấn Độ.

Trong hơn 2 thập kỷ vừa qua, mối quan hệ giữa Washington và New Delhi đang xích lại gần nhau hơn, đặc biệt khi các Tổng thống Mỹ nhiều lần thể hiện sự ủng hộ mối quan hệ mạnh mẽ hơn với cường quốc khu vực này.

Tổng thống Joe Biden cũng xây dựng quan hệ với Ấn Độ dựa trên các di sản này và mở rộng hợp tác hơn nữa khi nước này mong muốn đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc và tăng cường an ninh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ngoài ra, Washington cũng muốn tách Ấn Độ khỏi đối tác quốc phòng truyền thống là Nga trong bối cảnh nước này tiếp tục duy trì quan hệ với Moscow sau chiến dịch quân sự đặc biệt.

Tuy nhiên, lập trường của Ấn Độ luôn được duy trì kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt bắt đầu từ 24/2/2022. Trong một bài phỏng vấn với tờ Wall Street Journal công bố ngày 20/6, ông Modi đưa ra bình luận về việc Ấn Độ nhận phải các chỉ trích tại Mỹ do không có lập trường mạnh mẽ hơn chống lại Nga. Cụ thể, ông cho biết: "Tôi không nghĩ rằng những nhận thức này phổ biến ở Mỹ”. Thay vào đó, ông phát biểu: “Lập trường của Ấn Độ đã được cả thế giới biết đến và hiểu rõ. Thế giới hoàn toàn tin tưởng rằng ưu tiên hàng đầu của Ấn Độ là hòa bình”.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/thu-tuong-an-do-sap-tham-chinh-thuc-my-post23170.html