Thủ tướng Bangladesh rời khỏi đất nước giữa làn sóng bạo động
Hôm 6/8, BBC đưa tin Thủ tướng Bangladesh – bà Sheikh Hasina đã từ chức và được cho là đã rời khỏi đất nước một ngày trước, sau khi những người biểu tình xông vào dinh thự của bà để biểu tình chống chính phủ.
Trên đường phố những người biểu tình ăn mừng việc bà Sheikh Hasina kết thúc 15 năm cầm quyền bằng cách trèo lên xe tăng và bức tượng của cha bà - nhà lãnh đạo độc lập Sheikh Mujibur Rahman ở Dhaka.
Trong bài phát biểu toàn quốc, Tổng tư lệnh quân đội Bangladesh - Tướng Waker-uz-Zaman xác nhận Hasina đã từ chức và cho biết quân đội sẽ thành lập một chính phủ lâm thời.
Phát biểu trước những người biểu tình, chủ yếu là những người Bangladesh trẻ tuổi và sinh viên, ông nhấn mạnh: "Bất kỳ yêu cầu nào của các bạn, chúng tôi sẽ đáp ứng và mang lại hòa bình cho đất nước, hãy giúp chúng tôi trong việc này, hãy tránh xa bạo lực. Quân đội sẽ không bắn vào bất kỳ ai, cảnh sát sẽ không bắn vào bất kỳ ai, tôi đã ra lệnh".
Hình ảnh lan truyền từ các video trên mạng xã hội cho thấy ngọn lửa bốc lên từ những chiếc xe gần nhà Hasina với những người biểu tình bên trong tòa nhà, đập vỡ tường và cướp bóc đồ đạc bên trong.
Theo một nhà báo làm việc cho CNN tại Dhaka, trước đó , quân đội và cảnh sát đã tấn công những người biểu tình tụ tập trong khu vực.
Ít nhất 91 người đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương vào ngày 4/8 trong các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và những người biểu tình đòi bãi bỏ hạn ngạch việc làm của chính phủ và yêu cầu thủ tướng từ chức. Những người phản đối cho rằng hạn ngạch việc làm của công chức là tình trạng phân biệt đối xử.
Số người chết vào ngày 4/8 bao gồm 13 cảnh sát, là số người chết cao nhất trong một ngày so với các cuộc biểu tình trong lịch sử gần đây của đất nước.
Con số này đã vượt qua 67 người chết được báo cáo vào ngày 19/7, khi sinh viên xuống đường phản đối hạn ngạch việc làm, Reuters đưa tin. Trong khi đó, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc (UNICEF) cho hay, ít nhất 32 trẻ em đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình vào tháng trước.
Tình trạng bất ổn lan rộng từ thủ đô sang các thành phố Rajshahi, Barisal và Chittagong cùng nhiều thành phố khác đã khiến chính phủ phải áp đặt lệnh giới nghiêm vô thời hạn trên toàn quốc vào cuối tuần. Trong khi đó, các nhóm nhân quyền cáo buộc chính quyền sử dụng vũ lực quá mức đối với người biểu tình, dù chính quyền đã phủ nhận.
Để xoa dịu dư luận, vào hôm 6/8, Tổng thống Bangladesh - Mohammed Shahabuddin đã tuyên bố trả tự do cho nhà lãnh đạo phe đối lập và cựu Thủ tướng Khaleda Zia, cùng với những sinh viên biểu tình và những người bị bắt vì "các vụ án giả mạo", theo hãng thông tấn nhà nước Bangladesh Sangbad Sangstha (BSS).
Shahabuddin cho biết, quốc hội hiện tại sẽ bị giải tán ngay lập tức và một chính phủ lâm thời nên được thành lập sau khi tham vấn với tất cả các đảng phái và bên liên quan để tổ chức bầu cử càng sớm càng tốt.
Nafiz Basher, một thành viên tổ chức của Sinh viên Chống phân biệt đối xử, người lãnh đạo phong trào biểu tình nói với CNN rằng những người đại diện của phong trào này sẽ gặp tổng tư lệnh quân đội vào ngày 6/8. Lãnh đạo sinh viên Muhammad Nahid Islam thông tin, họ chưa đạt được tất cả các mục tiêu của mình.
Ông cũng cho biết nhóm muốn thấy người đoạt giải Nobel người Bangladesh Muhammad Yunus lãnh đạo một chính phủ lâm thời. "Chúng tôi đã đổ máu, tầm nhìn của chúng tôi về việc thành lập một Bangladesh mới giờ đây sẽ phải được hiện thực hóa" - ông Nafiz Basher chia sẻ.
Yunus nói với CNN vào ngày 5/8 rằng ông muốn thấy quân đội trao quyền kiểm soát đất nước cho một chính quyền dân sự.