Thủ tướng chỉ đạo cần quan tâm hơn đến giáo dục và y tế
Chiều 3/9, làm việc với tỉnh Phú Thọ, Thủ tướng yêu cầu quan tâm hơn nữa đến giáo dục, y tế vì đây là vấn đề an sinh, thể hiện tính ưu việt của Nhà nước.
Cùng đi với đoàn có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước; Bộ TN&MT…
Tiếp và làm việc với Đoàn công tác, về phía tỉnh Phú Thọ có ông Bùi Minh Châu, Bí thư Tỉnh ủy; ông Trần Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Giáo dục, y tế thể hiện tính ưu việt của Nhà nước
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao kết quả mà Đảng bộ và Chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ đã đạt được trong thời gian vừa qua. Thủ tướng cũng chỉ rõ khó khăn thách thức và những tồn tại. Tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm. Tăng trưởng các ngành chưa đồng đều. Chưa tự cân đối được chi thường xuyên.
Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết còn hạn chế, quy mô nhỏ. Chưa thu hút được nhiều dự án lớn và nhà đầu tư có năng lực. Phát triển du lịch, dịch vụ chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chất lượng chưa cao. Kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu.
Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Phú Thọ cần quan tâm hơn nữa đến các cơ sở giáo dục, y tế vì đây là vấn đề an sinh xã hội, thể hiện tính ưu việt của Nhà nước ta. Chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học.
Bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Chú trọng sơ kết, tổng kết, đánh giá bài học kinh nghiệm, phát huy mô hình hay, cách làm hiệu quả để tiếp tục nhân rộng, tạo sức lan tỏa cao.
Thủ tướng nhấn mạnh, Phú Thọ cần phát huy những tiềm năng, thế mạnh, tinh thần tự lực, tự cường. Vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh. Không trông chờ, ỷ lại, góp phần xây dựng nền kinh tế đất nước độc lập, tự chủ. Tập trung xây dựng Phú Thọ thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc.
Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả. Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì Nhân dân phục vụ.
Bên cạnh đó Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục triển khai hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phục hồi và phát triển KTXH. Tập trung thực hiện tiêm vaccine an toàn, khoa học, hiệu quả.
Chú trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm các sai phạm…
Đề xuất Chính phủ hỗ trợ 800-1.000 tỷ đồng cho Đền Hùng
Báo cáo với Đoàn công tác của Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang đã trình bày tóm tắt tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đưa ra những kiến nghị, đề xuất.
Phú Thọ kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện cho địa phương chủ động quản lý, điều hành kế hoạch sử dụng đất đã được phân bổ. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ phân cấp, giao HĐND tỉnh quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa (đối với dự án có sử dụng từ 10ha đất trồng lúa trở lên), đất rừng (đối với dự án có sử dụng 50ha đất rừng sản xuất, 20ha đất rừng đặc dụng và rừng phòng hộ trở lên) theo Luật Đất đai 2013 và Luật Lâm nghiệp 2017. Xem xét, ủy quyền cho UBND tỉnh thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ qui hoạch và đồ án qui hoạch chung TP. Việt Trì.
Đề xuất Chính phủ hỗ trợ 800-1.000 tỷ đồng cho Khu di tích lịch sử đặc biệt Quốc gia Đền Hùng từ nguồn vốn hỗ trợ các công trình văn hóa trọng điểm Quốc gia giai đoạn 2021-2025. Bổ sung quy hoạch, triển khai dự án trung tâm logistics cấp vùng tại thị xã Phú Thọ. Bổ sung các dự án cầu, đường. Hỗ trợ lãi suất cho các cơ sở y tế…
Về các kiến nghị trên của tỉnh Phú Thọ, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành để phối hợp, giải quyết theo thẩm quyền.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong Phú Thọ quan tâm hơn đến đời sống giáo viên
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao tinh thần sẵn sàng cho năm học mới của các cấp chính quyền và các cơ sở giáo dục tại Phú Thọ. Tỉnh đã chỉ đạo chuẩn bị tốt về sách giáo khoa, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất trước thềm năm học mới.
Bộ trưởng khẳng định, chất lượng giáo dục mũi nhọn và đại trà của tỉnh Phú Thọ tiếp tục ở vị trí tốp đầu các tỉnh thành phố trong cả nước.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Phú Thọ là một trong 10 tỉnh có điểm trung bình cao nhất toàn quốc, xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố; tăng hai bậc so với năm học 2020-2021. Phú Thọ có số điểm 10 đứng thứ ba toàn quốc. Điều này chứng tỏ, tỉnh Phú Thọ đã quan tâm toàn diện đến phát triển giáo dục.
Tỷ lệ kiên cố hóa trường học tại Phú Thọ vào tốp cao của cả nước. Trường đạt chuẩn quốc gia vào nhóm cao nhất cả nước. Đây là sự cố gắng rất lớn của tỉnh Phú Thọ khi điều kiện của tỉnh chưa bằng với một số địa phương khác trong cả nước.
Bộ trưởng nhấn mạnh, Chương trình GDPT mới phân cấp rất mạnh cho địa phương và tính chủ động của các cơ sở giáo dục. Nó có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự quan tâm của địa phương. Do đó, rất mong tỉnh Phú Thọ tiếp tục quan tâm hơn nhất là trong việc xây dựng thư viện trường học, phòng học bộ môn; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục.
Đồng thời, tỉnh sớm có kế hoạch tuyển dụng giáo viên và quan tâm đến đời sống giáo viên nhất là ở các trường vùng cao, vùng xa, giáo viên hợp đồng. Lắng nghe ý kiến chuyên môn từ cơ sở trong việc lựa chọn SGK, nhất là việc lựa chọn mang tính kế thừa. Quan tâm đến công tác chuẩn bị tài liệu giáo dục địa phương...
Trước thềm năm học mới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chúc ngành giáo dục Phú Thọ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong năm học tới.