Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị bàn giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Sáng 26/9, tại trụ sở Chính phủ, Thường trực Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp (DN) và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ DN trong bối cảnh dịch Covid-19. Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Ủy viên T.Ư Đảng; đại diện các DN, hiệp hội DN, một số đại diện tổ chức quốc tế; điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh có các đồng chí: Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, Hiệp hội DN và các DN của tỉnh.
Theo Tổng cục Thống kê, 8 tháng năm 2021, cả nước có 81.600 DN đăng ký thành lập mới, nhưng có tới 85.500 DN rời khỏi thị trường. Như vậy, trung bình mỗi tháng có gần 10.700 DN rời khỏi thị trường. Các chỉ tiêu về số DN thành lập mới, số vốn đăng ký, số lao động trong tháng 8 đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, nhiều DN đứng trước nguy cơ phá sản, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy, người lao động mất việc làm, nông ngư dân không tiêu thụ được sản phẩm. Nhiều lao động ở các tỉnh không có việc làm, không có lương thực và tiền dự trữ.
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, lây lan ảnh hưởng đến DN, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ DN. Trong đó có Nghị quyết số 86/NQ-CP và Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Ngoài ra còn có nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ DN theo các Nghị quyết khác của Chính phủ...
Tại hội nghị, đại diện các DN, hiệp hội DN đã bày tỏ cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ DN trong thời gian qua. Đồng thời phản ánh tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều đề xuất, kiến nghị như: Cần xác định DN cũng là "pháo đài” để DN được chủ động phòng, chống dịch (PCD) và phát triển sản xuất, kinh doanh; tiếp tục đẩy mạnh ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động trong DN và cho phép người lao động an toàn dịch bệnh được đi về giữa nơi làm việc và nơi ở; cho mở cửa đối với các DN, nhất là đối với các DN có người lao động đã tiêm đủ 2 liều vaccine; cho phép đón khách du lịch trong nước và quốc tế, có điều kiện an toàn dịch bệnh theo phương châm "5 xanh”...
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, bày tỏ cảm ơn cộng đồng DN đã sát cánh, chia sẻ, đóng góp, cùng Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong PCD Covid-19 và nỗ lực duy trì, phát triển KT-XH nói riêng, cũng như trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước nói chung.
Thủ tướng cho biết, với phương châm DN, doanh nhân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể nên Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tối đa để chính quyền gần dân, gần DN hơn, để doanh nghiệp đến với chính quyền nhanh hơn. Thủ tướng Chính phủ đề nghị các DN, doanh nhân tiếp tục đóng góp ý kiến cùng Chính phủ thực hiện đột phá về thể chế; tham gia nhiều hơn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện, tăng năng suất lao động; đẩy mạnh chuyển đổi số; tái cấu trúc lại DN; tham gia vào quá trình chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực y tế, nhất là phát triển công nghiệp dược để Việt Nam đủ năng lực ứng phó với các vấn đề nảy sinh.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của DN, Thủ tướng cho biết Chính phủ đang cùng Quốc hội cố gắng đồng hành với DN, trên tinh thần "3 không và 5 thật". "3 không" là "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm"; "5 thật" là "nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, Nhân dân và DN được thụ hưởng thành quả thật". Trên cơ sở đó, các bộ ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chủ động xử lý, trên tinh thần áp dụng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với tình hình cụ thể.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương, bộ, ngành khẩn trương xây dựng kịch bản "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19” có sự tham gia ý kiến của DN. Đặc biệt, tập trung cải cách hành chính, chống gây phiền hà, sách nhiễu cho DN; tiếp thu những phản ánh, kiến nghị của các DN để tiếp tục xử lý theo thẩm quyền trên quan điểm "lợi ích thì hài hòa; rủi ro thì chia sẻ”.
Thủ tướng kêu gọi sự chung tay, đoàn kết, thống nhất, chia sẻ giữa DN, Nhà nước và Nhân dân để chúng ta cùng nhau vượt qua khó khăn, như lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa” để PCD hiệu quả và khôi phục, phát triển KT-XH.