Thủ tướng Chính phủ: Nếu có tư duy đúng, cách tiếp cận mới, Bắc Kạn sẽ có bước phát triển đột phá

Tiếp tục chương trình thăm và làm việc tại tỉnh Bắc Kạn, sáng 16/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn.

Đồng chí Đinh Quang Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thông qua chương trình làm việc.

Đồng chí Đinh Quang Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thông qua chương trình làm việc.

Tham dự Đoàn công tác của Thủ tướng có các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và một số bộ, ngành Trung ương…

Lãnh đạo các bộ, ngành dự buổi làm việc.

Lãnh đạo các bộ, ngành dự buổi làm việc.

Về phía tỉnh Bắc Kạn, tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có các đồng chí: Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo đại diện các sở, ban, ngành, huyện, thành phố trong tỉnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu gợi mở tại cuộc làm việc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu gợi mở tại cuộc làm việc.

Phát biểu quán triệt nội dung buổi làm việc, Thủ Tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Với diện tích và quy mô dân số ít, tỉnh Bắc Kạn sẽ phải phát triển như thế nào với tiềm năng lợi thế riêng, khác biệt; đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh như thế nào; vấn đề đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Bắc Kạn… là những vấn đề các bộ, ngành và tỉnh Bắc Kạn cần thảo luận, đề xuất giải pháp…

Bắc Kạn đã nỗ lực, quyết tâm cao

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo tóm tắt tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng đảng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ của tỉnh thời gian qua.

Đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ của tỉnh thời gian qua.

Báo cáo cho thấy, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, thống nhất và nỗ lực quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện, nên sau 2 năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, tỉnh Bắc Kạn đã đạt nhiều kết quả tích cực, như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 2 năm 2021-2022 đạt 5,02%; 6 tháng đầu năm 2023 ước tăng 5,7%. GRDP bình quân đầu người đến năm 2022 đạt 46,3 triệu đồng/người, tăng 5,37 triệu đồng so với năm 2020.

Cơ cấu kinh tế chuyển dần từ sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp, xây dựng, dịch vụ - du lịch. Nông, lâm nghiệp phát triển ổn định theo hướng sản xuất hàng hóa. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được quan tâm, tỷ lệ che phủ rừng đạt 73,35% (cao nhất cả nước). Sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục phục hồi. Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển. Kết quả thu ngân sách nhà nước hằng năm đều vượt dự toán giao; đến năm 2022 đạt 855 tỷ đồng. Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư. Tập trung giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện các Chương trình MTQG.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 tăng 11 bậc, đứng thứ 48/63 tỉnh, thành phố; đến năm 2022 tăng 13 bậc, đứng thứ 35/63 tỉnh, thành phố. Công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số được chú trọng. Công tác giáo dục và đào tạo, y tế được triển khai hiệu quả. Các chương trình an sinh xã hội được triển khai đồng bộ. Đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo còn 24,71% (giảm bình quân 2,07%/năm); hộ cận nghèo còn 9,0%. Công tác quốc phòng được triển khai đúng kế hoạch. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm thực hiện...

Tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Bắc Kạn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về kết cấu hạ tầng, mạng lưới đường giao thông chưa hoàn thiện nên việc kết nối, giao thương với các trung tâm kinh tế lớn bị hạn chế. Số thôn, bản và người dân chưa có điện còn nhiều. Một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch; nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã gặp khó khăn phải dừng hoạt động, giải thể; mức độ sử dụng, tiếp cận dịch vụ công trực tuyến một phần, toàn trình đối với người dân chưa cao. Việc giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Số hộ nghèo còn cao (đến hết năm 2022 vẫn còn 24,71% hộ gia đình là hộ nghèo, 9,0% là hộ cận nghèo)...

Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn dự hội nghị.

Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn dự hội nghị.

Từ những khó khăn nêu trên, tỉnh Bắc Kạn kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương một số nội dung về phát triển hạ tầng giao thông; công tác GPMB; việc chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng; về khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án tuyến đường thành phố Bắc Kạn – hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang, Tuyên Quang; kiến nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm triển khai dự án đường cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn và hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng (CT07) trong giai đoạn 2024 - 2025.

Kiến nghị hỗ trợ vốn cho tỉnh để đầu tư các tuyến đường lâm nghiệp. Tạo điều kiện hỗ trợ để tỉnh đầu tư cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện. Về cơ chế, chính sách liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng rừng đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công; việc chi trả dịch vụ môi trường rừng. Kiến nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách mạnh hơn, sự hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi hơn để tỉnh thu hút đầu tư, phát triển khu công nghiệp. Tháo gỡ những khó khăn về thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư ngoài ngân sách; việc sử dụng đất đa mục đích. Quan tâm, chỉ đạo các đơn vị liên quan có kế hoạch, lộ trình cụ thể để giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc đối với Nhà máy luyện kim phi cốc của Công ty Cổ phần vật tư và thiết bị toàn bộ - Matexim.

Các bộ, ngành tích cực hiến kế cho tỉnh

Báo cáo với Thủ tướng và trao đổi với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành đã nêu nhiều ý kiến.

Đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Trong đó, đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, thu nhập bình quân của người dân thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí không đồng đều; tỉnh Bắc Kạn cần tập trung phát triển kinh tế rừng, nhất là trồng rừng theo tín chỉ các-bon; tập trung phát triển kinh tế du lịch; đặt trọng tâm vào giáo dục đào tạo, đào tạo nghề nâng cao; tập trung CCHC và chuyển đổi số…

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng chí Hoàng Đạo Cương.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng chí Hoàng Đạo Cương.

Đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Bắc Kạn cần đầu tư phát triển hoạt động du lịch bằng cách phát huy di tích vùng ATK, chú trọng bảo tồn, khai thác giá trị các di sản văn hóa phi vật thể…

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn.

Đại diện Bộ Y tế đánh giá chất lượng cán bộ y tế, chất lượng khám chữa bệnh của Bắc Kạn chưa cao; tỉnh cần thực hiện tốt các chương trình MTQG về y tế; Bắc Kạn có nhiều cây dược liệu quý, là tiềm năng quý nhưng việc phát huy thế mạnh cây dược liệu còn chậm; phát triển dược liệu cùng với du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe; bố trí đủ kinh phí chi cho nhiệm vụ về dân số, chi thường xuyên, các đơn vị công lập chưa tự chủ được kinh phí. Tỉnh cần phát triển nguồn nhân lực y tế cả về số lượng và chất lượng; có chính sách thu hút cán bộ y tế chất lượng cao về tỉnh; quan tâm đến đối tượng cô đỡ thôn bản; đề nghị các bộ liên quan tạo điều kiện để tỉnh có chính sách thuận lợi đào tạo cán bộ y tế; tăng phụ cấp trực cho cán bộ y tế.

Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng.

Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng.

Theo lãnh đạo Bộ Công thương, Bắc Kạn có tiềm năng về rừng, khoáng sản, có nhiều sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu, 182 sản phẩm OCOP… là lợi thế để phát triển kinh tế. Tỉnh cần quan tâm phát triển các cụm công nghiệp, các trung tâm thương mại, cơ sở hạ tầng phục vụ kinh tế du lịch. Chăm chút từng sản phẩm của địa phương, nâng cao khả năng đáp ứng về số lượng sản phẩm OCOP.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi.

Đại diện Bộ Tài chính cho rằng rừng là thế mạnh lớn của tỉnh Bắc Kạn. Trung ương hỗ trợ gần 85% chi ngân sách của tỉnh; thu ngân sách đứng trong tốp cuối; cơ cấu thu chi phản ánh những khó khăn của tỉnh về kinh tế.

Cơ chế đền bù cho công trình liên vùng còn vướng mắc do quy định của Luật Ngân sách không cho dùng ngân sách địa phương này đền bù cho địa phương kia (dự án đường thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang, Tuyên Quang). Thủ tướng cho chủ trương, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết riêng cho vấn đề này. Về các mức chi chế độ trực cho cán bộ y tế, nếu đã lạc hậu Bộ sẽ nghiên cứu sửa đổi.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá Bắc Kạn đang đi đúng hướng trong phát triển nông, lâm nghiệp. Các lợi thế phân tán, tỉnh nên tiếp cận theo hướng quy hoạch cụm công nghiệp, điểm công nghiệp. Suất đầu tư cho điện nông thôn rất lớn, cần sắp xếp ổn định dân cư hợp lý. Về đền bù dự án đường thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang, tỉnh Tuyên Quang Bộ đề xuất để Tuyên Quang làm thủ tục đền bù GPMB trên đất tỉnh Tuyên Quang, sau đó chuyển Bắc Kạn giải ngân. Tỉnh Bắc Kạn cần chủ động chuẩn bị sớm hơn đối với các dự án đầu tư công để khi có nguồn lực có thể triển khai ngay.

Đồng chí Nguyễn Cao Lục, Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chính phủ.

Đồng chí Nguyễn Cao Lục, Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chính phủ.

Theo đại diện Văn phòng Chính phủ: Sau 26 năm tái lập tỉnh, Bắc Kạn bắt đầu có nhiều điểm sáng trong phát triển kinh tế. Bắc Kạn đang dẫn đầu 14 tỉnh trung du, miền núi phía Bắc về tăng trưởng GDP do ít bị ảnh hưởng bởi kim ngạch xuất khẩu và suy thoái kinh tế thế giới. Tuyến thành phố Bắc Kạn – hồ Ba Bể mở ra không gian phát triển mới cho Bắc Kạn nói riêng, các tỉnh trong vùng miền núi phía Bắc nói chung. Tỉnh cần đôn đốc triển khai nhanh các dự án giao thông trọng điểm, đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh,

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh,

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nhận định: Bắc Kạn có nhiều bất lợi về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng có nhiều tiềm năng về rừng và hồ Ba Bể. Giữ được khối đại đoàn kết các dân tộc. Thời gian tới, tỉnh cần quan tâm tạo sinh kế cho người dân từ tiềm năng lợi thế. Phát triển kinh tế rừng, công nghiệp chế biến gỗ. Quan tâm hơn đến biến đổi khí hậu, cảnh báo sớm sạt lở, thiên tai. Tập trung phát triển công nghiệp theo lộ trình, chú trọng những ngành ít phát thải tác động đến môi trường...

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng lưu ý: Công nghiệp đòi hỏi nhiều điều kiện về vị trí địa lý, giao thông, do vậy tỉnh cần phát triển công nghiệp từng bước, không nóng vội. Đường Chợ Mới – Bắc Kạn sẽ khởi công quý I/2024 và phấn đấu hoàn thành trong năm 2025. Những vấn đề liên quan đến GPMB, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng được tỉnh thực hiện tốt, Bộ sẽ quyết tâm hỗ trợ để sớm khởi công xây dựng tuyến đường này ngay khi bố trí xong nguồn vốn.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng: Bắc Kạn “thuận dạy người nhưng khó dạy nghề”. Tỉnh cần tiếp tục coi giáo dục đào tạo nguồn nhân lực là nhiệm vụ chiến lược. Quy hoạch lại hạ tầng giáo dục đi đôi với việc sắp xếp lại hệ thống trường nội trú, bán trú, trường phổ thông. Vấn đề thiếu giáo viên, phải luân chuyển, đảo và sắp xếp lại nhiều cũng gây ảnh hưởng đến tâm tư của đội ngũ nhà giáo. Cần liên kết đào tạo giáo viên người dân tộc thiểu số tại chỗ, sau đó mới tính đến việc thu hút từ nơi khác. Càng nghèo, càng khó khăn thì giáo dục càng phải được ưu tiên đi trước một bước.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan: Cách tiếp cận từ quả bí nhỏ đến việc mở ra tư duy lớn về kinh tế nông nghiệp. Bộ trưởng đánh giá cao sáng kiến của Bắc Kạn trong việc mở ra không gian phát triển mới cho tỉnh và vùng thông qua tuyến đường thành phố Bắc Kạn – hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang, Tuyên Quang. Tiềm năng dược liệu dưới tán rừng cần được tỉnh phát triển theo tư duy phát triển thành ngành công nghiệp, mới tạo ra giá trị lớn và lâu dài thay vì chỉ coi là cách để xóa đói giảm nghèo.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo.

Thủ tướng đánh giá cao lãnh đạo các bộ, ngành đã sâu sát cơ sở, trăn trở, dành nhiều cảm xúc tâm huyết, giải pháp cho Bắc Kạn. Đồng thời biểu dương tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm 2023. Với địa hình phức tạp, dân cư ít và phân tán, gần 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, hệ thống điện, đường giao thông còn nhiều hạn chế... Bắc Kạn khó khăn nhiều nhưng thuận lợi cũng không ít, vấn đề là tư duy phát triển như thế nào. Nếu có tư duy đúng, cách tiếp cận mới, Thủ tướng tin rằng Bắc Kạn sẽ sớm đạt được nhiều kết quả tốt hơn nữa. Do vậy, tỉnh phải chủ động, tự lực tự cường và tự tin vươn lên.

Bên cạnh đổi mới tư duy, phương pháp luận, tỉnh phải phối hợp với các bộ, ngành đổi mới cơ chế để giải quyết các vấn đề đặt ra; huy động và phát huy tốt nguồn lực sẵn có. Tập trung vào phát triển kinh tế rừng và phát triển du lịch, đặc biệt là lợi thế có hồ Ba Bể- một trong 20 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới. Phát triển kinh tế rừng có 3 mũi nhọn gồm bán chứng chỉ các-bon, bán điện sinh khối và phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm từ rừng (gỗ, dược liệu, sinh phẩm từ rừng…). Phát triển sản phẩm OCOP cần chú trọng xây dựng thương hiệu đặc trưng, chỉ dẫn địa lý; quy hoạch vùng trồng; ứng dụng khoa học công nghệ; quan tâm mẫu mã bao bì; chuẩn bị về vốn và chiến lược mở rộng thị trường. Chú trọng giải ngân vốn đầu tư công, vừa phục vụ tăng trưởng, vừa tạo công ăn việc làm.

Khi hạ tầng và các điều kiện chưa đủ để phát triển khu công nghiệp, tỉnh nên quy hoạch điểm, cụm công nghiệp. Tiếp tục cải cách hành chính, tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp. Chú trọng các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, tài nguyên môi trường. Chính phủ sẽ xem xét sửa đổi một số nghị định về lĩnh vực y tế. Quan trọng nhất, tỉnh cần tiếp tục đoàn kết giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Đối với các kiến nghị của tỉnh, cơ bản Thủ tướng Chính phủ đồng tình, giao các bộ, ngành tháo gỡ vướng mắc của dự án đường thành phố Bắc Kạn – hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang, Tuyên Quang. Chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải khởi công tuyến cao tốc Chợ Mới – Bắc Kạn trong quý IV/2023. Tuyến cao tốc Bắc Kạn – Cao Bằng, Thủ tướng nhất trí về nguyên tắc. Việc bố trí vốn và các thủ tục theo quy định, giao tỉnh Bắc Kạn phối hợp các bộ, ngành triển khai.

Thủ tướng lưu ý: Bắc Kạn cần phát triển dựa vào tiềm năng thế mạnh nổi trội, hóa giải được những khó khăn vướng mắc, đi lên bằng ý chí tự cường, bàn tay khối óc, miền đất vùng trời của mình; gắn phát triển văn hóa với kinh tế. Thủ tướng chúc Bắc Kạn thành công hơn nữa trong thời gian tới.

Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu cảm ơn và tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành.

Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu cảm ơn và tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành.

Phát biểu bế mạc, đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn ghi nhận và nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo, gợi mở của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ ngành. Hứa sẽ cùng tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra với tinh thần quyết tâm cao nhất.

Tỉnh Bắc Kạn rất mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện và chỉ đạo sát sao của Thủ tướng, các bộ, ngành Trung ương trong thời gian tới./.

Đăng Bách - Trần Tuyến

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/thu-tuong-chinh-phu-neu-co-tu-duy-dung-cach-tiep-can-moi-bac-kan-se-co-buoc-phat-trien-dot-pha-post54013.html