Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Đảm bảo an ninh lương thực là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong bất kỳ tình huống nào

Hôm nay 18.3.2020, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Đề án 'An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020'. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Trị.

 Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị-Ảnh: K.K.S

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị-Ảnh: K.K.S

Việt Nam đã có loại gạo ngon nhất thế giới

10 năm qua, Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020” được triển khai tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Giai đoạn 2009 – 2019, GDP toàn ngành nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá, đạt 2,61%. 12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó đáng chú ý là diện tích đất lúa cả nước năm 2018 đạt trên 4,159 triệu ha; sản lượng lúa năm 2019 đạt 43,4 triệu tấn; xuất khẩu gạo năm 2019 đạt 6,34 triệu tấn…Việt Nam có khả năng đảm bảo tự cung lương thực với sản lượng lương thực tính bình quân đầu người ở mức tương đối cao (đứng thứ 6 trên thế giới). Giai đoạn 2009 – 2019, thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn đã tăng 4,3 lần, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn thu hẹp từ 2,1 lần xuống còn 1,8 lần. Khoa học công nghệ có bước phát triển mới làm tăng sản lượng và đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp. Đã phát triển sản xuất lương thực, thực phẩm hàng hóa theo hướng tập trung, quy mô lớn nên tình trạng thiếu dinh dưỡng được cải tiến giảm từ 18,2% trong giai đoạn 2004 – 2006 xuống còn 10,8% hiện nay. Giá trị và sản lượng nhiều nông sản đều tăng mạnh. Xuất khẩu hàng nông sản được tiếp tục đẩy mạnh, có 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD/năm, bình quân mỗi năm xuất khẩu khoảng 5-7 triệu tấn gạo. Giai đoạn 2009 – 2019 cả nước đào tạo 9,6 triệu lao động nông thôn, trên 90% lao động sau khi học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng thu nhập cao hơn.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong bất kỳ tình huống nào. 10 năm qua nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích lớn và toàn diện. Từ một nước thiếu ăn, đến nay, bình quân lương thực đầu người của Việt Nam đã đạt 525 kg và là một trong những nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới. Việt Nam có loại gạo được bình chọn là ngon nhất thế giới.

Vừa tập trung phòng chống dịch bệnh, vừa giữ nhịp độ sản xuất

Mặc dù Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020” đạt được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế được Thủ tướng chỉ ra, như thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chưa cao, chưa bền vững nên quy hoạch sử dụng đất cho sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương không ổn định, còn tình trạng “được mùa - mất giá”, giải cứu nông sản…

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ kép, vừa tập trung phòng chống COVID - 19 vừa giữ nhịp độ sản xuất, đảm bảo các chỉ tiêu phát triển KT - XH, đặc biệt đảm bảo an ninh lương thực của đất nước trong bất cứ trường hợp nào. Thời gian tới, cần đẩy mạnh phát triển, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm cả về số lượng, chất lượng cho người tiêu dùng và xuất khẩu. Cơ cấu lại cây trồng theo hướng xây dựng vùng sản xuất tập trung, áp dụng công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến, an toàn gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tiếp tục nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phục vụ sản xuất lương thực, thực phẩm và đời sống nhân dân. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực của ngành nông nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp hiện đại. Đổi mới, phát triển tổ chức sản xuất lương thực, thực phẩm. Đổi mới cơ chế chính sách đối với nông dân, địa phương và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gạo.

Phát triển hệ thống lưu thông, tăng khả năng tiếp cận lương thực cho người dân mọi lúc, mọi nơi. Phát triển hệ thống an ninh lương thực, dinh dưỡng. Nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh lương thực.

K.K.S

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=146886