Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo Thanh Hóa phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu
Chiều 11/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng.
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Thanh Hóa, chiều 11/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đến nay.
Cùng tham gia buổi làm việc có Bộ trưởng các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường; Thứ Thưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải; lãnh đạo Bộ Quốc phòng; lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa.
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn cho biết: Trong thời gian từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 9,69%, đứng thứ 5 cả nước và đứng thứ 3 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước. Quy mô GRDP năm 2023 ước đạt 279.074 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 3.144 USD, gấp 1,42 lần năm 2020.
Phát huy kết quả đạt được trong nửa nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, nhằm tiếp tục triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị trong thời gian tới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Từ đó, tạo động lực để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh phấn đấu đến năm 2025 đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước.
Tỉnh Thanh Hóa đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan Trung ương quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ, giới thiệu các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi số, điện tử, công nghiệp bán dẫn, năng lượng tái tạo, năng lượng mới; dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa máy bay, y tế, giáo dục - đào tạo...
Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, các thành viên Đoàn công tác Trung ương đã có những ý kiến đóng góp để Thanh Hóa phát triển nhanh, bền vững. Trọng tâm là tận dụng, khai thác tối đa những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh Thanh Hóa để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tập trung khắc phục, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; thu hút có chọn lọc các dự án công nghiệp quy mô lớn, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh; phát triển nhanh, đa dạng các loại hình dịch vụ.
Trong đó ưu tiên phát triển du lịch, vận tải, logistics, thương mại, với các sản phẩm chất lượng cao. Đi liền với thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, huy động đa dạng, tối đa các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương cũng cho rằng, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh việc huy động hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương những nỗ lực và kết quả nổi bật, toàn diện, trên tất cả các lĩnh vực được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thanh Hóa đã đạt được.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế mà tỉnh Thanh Hóa cần khắc phục: Phải giữ vững đoàn kết, thống nhất; tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; triển khai thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Trong đó, tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 3 trụ cột tăng trưởng, 8 chương trình trọng tâm, 3 khâu đột phá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yều cầu, tỉnh Thanh Hóa phải chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội và các dự án trọng điểm trên địa bàn; xây dựng, quản lý các khu công nghiệp, cụm công nghiệp xanh; tiếp tục phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, từng bước tạo ra nhiều sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường và tham gia trong chuỗi giá trị; thu hút có chọn lọc các dự án công nghiệp quy mô lớn, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh; tiếp tục thu hút mạnh các dự án FDI chất lượng cao, công nghệ cao, sản xuất thông minh; đồng thời tạo mọi thuận lợi để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tỉnh Thanh Hóa phải tiếp tục thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu; phát triển nhanh, đa dạng các loại hình dịch vụ, trọng tâm là phát triển du lịch, vận tải, logistics, thương mại, với các sản phẩm chất lượng cao; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tập trung khắc phục, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế...
Trước buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm Bệnh viên Đa khoa quốc tế Hợp Lực. Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Quan điểm của Đảng, Nhà nước lấy con người là mục tiêu, trung tâm, chủ thể, là nguồn lực, động lực phát triển; không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; đặt tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết.
Thủ tướng ghi nhận đóng góp của Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hợp Lực với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là đã chung tay cùng cả nước trong công cuộc phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.