Thủ tướng chủ trì hội nghị về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phân tích, đánh giá bối cảnh tình hình thời gian tới, xác định rõ những khó khăn, thách thức, điểm nghẽn trong thúc đẩy tăng trưởng, giải ngân vốn đầu tư công.
Sáng nay (21/2), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương triển khai Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5/2/2025 của Chính phủ và đôn đốc đẩy mạnh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.
Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, lãnh đạo các bộ, ngành, Chủ tịch UBND các địa phương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị
Phát biểu mở đầu hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước; là năm tăng tốc, về đích thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021-2025; là năm chuẩn bị bước vào vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc; hướng tới 2 mục tiêu chiến lược 100 năm: phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Theo Thủ tướng, để thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược đó, không còn cách nào khác là phải duy trì mức tăng trưởng cao, bền vững, liên tục trong 2 thập kỷ tới. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước phát triển, thu nhập cao, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Các đại biểu dự hội nghị
Thủ tướng chia sẻ về kinh nghiệm quốc tế, đồng thời cho biết, theo Báo cáo năm 2024 của WB từ năm 1990 đến nay, chỉ có 34 nền kinh tế đã thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình để trở thành nước có thu nhập cao, trong khi có tới 108 quốc gia chưa vượt qua. GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2024 là 4.700 USD; nếu tăng trưởng bình quân 7%/năm thì đến năm 2040, Việt Nam mới trở thành nước có thu nhập cao.
Trong đó các nền kinh tế trở thành nước thu nhập cao đều duy trì tăng trưởng cao trên dưới 10% năm trong khoảng 30 năm, đó là: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore.
Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 6,4%/năm trong gần 40 năm đổi mới, vì vậy giai đoạn 2 thập kỷ tới cần tăng tốc, bứt phá mạnh hơn nữa mới có thể đạt được mục tiêu chiến lược đề ra đến năm 2045.
Trong năm 2025, các cấp, các ngành, các địa phương đang thực hiện đồng thời 3 nhiệm vụ quan trọng: Sắp xếp, tinh gọn bộ máy; tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội to toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; quyết tâm đạt mức tăng trưởng 8% trở lên để vừa góp phần thực hiện thành công kế hoạch 5 năm 2021-2025, vừa tạo đà, tạo lực, tạo khí thế, niềm tin cho tăng trưởng bình quân hai con số giai đoạn 2026-2030.

Các đại biểu dự hội nghị
Thủ tướng cho biết, mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên đã được thể hiện trong Nghị quyết 01 ngày 08/1/2025 của Chính phủ; được Trung ương đồng ý tại Kết luận số 123 ngày 24/01/2025; tại Nghị quyết số 25 ngày 5/2/2025 của Chính phủ, trong đó xác định mục tiêu tăng trưởng từng ngành, lĩnh vực, địa phương và đã được Quốc hội biểu quyết thông qua tại Kỳ họp bất thường, ngày 19/2/2025 vừa qua.
Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu đặt ra đã được xác định rất rõ: Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi.

Toàn cảnh hội nghị
Thủ tướng chỉ rõ, việc Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc nhằm triển khai các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Nghị quyết số 25 của Chính phủ với tinh thần quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025.
Mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao, kiên trì, bền bỉ và hành động quyết liệt, chúng ta hoàn toàn có thể đạt được. Đây là thời điểm chúng ta phải tăng tốc, bứt phá, tận dụng mọi cơ hội để đưa đất nước “tiến nhanh, tiền mạnh, bay xa, vươn cao” hơn nữa trên con đường phát triển.
Muốn vậy, phải tập trung làm mới các động lực tăng trường truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, trong đó, đầu tư công tiếp tục là một động lực rất quan trọng cho tăng trưởng, là “vốn mồi" để thu hút đầu tư tư nhân, dẫn dắt vốn đầu tư toàn xã hội, thúc đẩy tăng trưởng. "Đặc biệt đầu tư công là hoàn toàn mang tính chủ động vì chính sách huy động nguồn lực là của chúng ta và tổ chức thực hiện cũng là chúng ta", Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những hạn chế, bất cập kéo dài, chưa được xử lý dứt điểm. Đến ngày 31/1/2025, các bộ, cơ quan, địa phương mới phân bổ 741,1 nghìn tỷ đồng, đạt 89,7% kế hoạch. Tỷ lệ giải ngân tháng 1/2025 chỉ đạt 1,26%, thấp hơn cùng kỳ (2,58%).

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề trọng tâm sau: Quán triệt, thống nhất nhận thức và hành động, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương trong thực hiện Kết luận số 123 của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết số 25/NQ-CP của Chính phủ, bảo đảm tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030.
Phân tích, đánh giá bối cảnh tình hình thời gian tới, xác định rõ những khó khăn, thách thức, vướng mắc, nút thắt, điểm nghẽn trong thúc đẩy tăng trưởng, giải ngân vốn đầu tư công.
Xác định rõ những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá, tác động mạnh mẽ, hiệu quả trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, kiến nghị cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và tăng trưởng các ngành, lĩnh vực, địa phương.