Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về quy hoạch
VOV.VN -Sáng 19/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực.
Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, công tác quy hoạch có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội, được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Quy hoạch, quy định việc lập, phê duyệt, công bố, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia, có hiệu lực từ 1/1/2019.
Trong quá trình thực hiện Luật Quy hoạch đã giúp công tác quy hoạch được thực hiện hiệu quả hơn, song trên thực tế cũng phát sinh những vướng mắc. Quốc hội khóa XV đã có Nghị quyết số 19/2021/QH15 về Thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”. Chính phủ với chức năng, nhiệm vụ của mình vừa tổ chức thực hiện, vừa kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Quy hoạch.
Thủ tướng cho biết, Thường trực Chính phủ đã họp về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực, tại phiên họp này nhằm đánh giá kết quả công tác quy hoạch, bài học, nguyên nhân; những vướng mắc, khó khăn; nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch trong thời gian tới.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các đại biểu dự phiên họp tập trung thảo luận các vấn đề như: Khả năng hoàn thành nhiệm vụ quy hoạch năm 2022; xác định rõ nội hàm của Quy hoạch tổng thể quốc gia; mối quan hệ giữa các quy hoạch; vấn đề tích hợp quy hoạch; lựa chọn tư vấn lập quy hoạch; nguồn vốn cho công tác lập quy hoạch; việc bãi bỏ các quy hoạch về dịch vụ, hàng hóa, sản phẩm; cải cách hành chính trong công tác quy hoạch; kế thừa, chuyển tiếp các nhiệm vụ trong công tác quy hoạch; phân cấp phân quyền trong lập, phê duyệt quy hoạch...
Thủ tướng nhấn mạnh, công tác quy hoạch có những vấn đề khó, mới, nhạy cảm nên sẽ có những ý kiến khác nhau. Do đó phải nghiên cứu sâu, có giải pháp phù hợp cả trước mắt và lâu dài để công tác quy hoạch được thực hiện hiệu quả.
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các ý kiến thảo luận sôi nổi, tâm huyết, trách nhiệm, nhiều ý kiến xác đáng, sát thực tế. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan khẩn trương tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện các báo cáo, dự thảo, tờ trình.
Thủ tướng nêu rõ, công tác quy hoạch có vị trí, vai trò rất quan trọng, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm. Quốc hội đã ban hành Luật Quy hoạch sau quá trình thảo luận, lấy ý kiến kỹ lưỡng, lắng nghe các ý kiến của người dân, doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học. Việc ban hành và triển khai Luật Quy hoạch đã giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc trong quá trình xây dựng quy hoạch, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình thực hiện Luật Quy hoạch, chúng ta đã làm được nhiều việc, đạt một số kết quả đáng khích lệ, các cấp, các ngành trưởng thành hơn trong công tác quy hoạch…
Tuy nhiên, đây là việc mới, khó nên quá trình thực hiện gặp nhiều vướng mắc, các cơ quan đã tích cực giải quyết nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục xử lý và có không ít việc chưa làm được. Việc lập các quy hoạch tuy đã được chỉ đạo quyết liệt nhưng nhìn chung vẫn còn chậm so với yêu cầu trong các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Thủ tướng yêu cầu, với quyết tâm cao, phải rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, đề xuất các cấp có thẩm quyền trên cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn.
Qua thảo luận, các ý kiến tại phiên họp đều thống nhất kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết mới vào kỳ họp thứ 3, Quốc hội thứ XV theo trình tự, thủ tục rút gọn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch trên cơ sở bám sát hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội; về lâu dài phải tiếp tục sơ kết, tổng kết, đánh giá, rà soát kỹ lưỡng để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch.
Các nội dung chủ yếu trình Quốc hội bao gồm việc đề xuất điều chỉnh tiến độ lập quy hoạch, trong đó lựa chọn một số quy hoạch cần ưu tiên phải lập, hoàn thành sớm để phục vụ phát triển đất nước; điều chỉnh quy định về chi phí, cho phép sử dụng linh hoạt nguồn vốn chi thường xuyên và nguồn vốn xã hội hóa để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch; điều chỉnh nội hàm quy hoạch quốc gia theo hướng tập trung vào các quan điểm, định hướng chiến lược, không gian phát triển, những vấn đề có tác động, chi phối lớn đến công tác quy hoạch ở cấp dưới…
Cùng với đó, kiến nghị Quốc hội cho phép lập đồng thời các quy hoạch và việc điều chỉnh quy hoạch không cần thực hiện thủ tục lập nhiệm vụ quy hoạch; cho phép các quy hoạch đã phê duyệt trước ngày 1/1/2019 được tiếp tục thực hiện và điều chỉnh nội dung theo quy định của pháp luật có liên quan trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, cho đến khi quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được quyết định hoặc phê duyệt.
Đồng thời, cho phép lựa chọn tư vấn lập quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng theo hình thức chỉ định thầu hoặc cho phép các đơn vị nghiên cứu, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc tham gia xây dựng quy hoạch của ngành theo cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ có kinh phí, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Cho phép quy định việc phải xây dựng và ban hành văn bản về các quan điểm, mục tiêu, phương án phát triển và định hướng sắp xếp, phân bổ không gian trên địa bàn quốc gia, vùng, tỉnh, các hoạt động của ngành; cho phép điều chỉnh tiến độ và giải thích, thống nhất cách hiểu về khái niệm, nguyên tắc tích hợp quy hoạch, mối quan hệ giữa các quy hoạch.
Tăng cường phân cấp, phân quyền, phân định rõ nhiệm vụ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch của từng cơ quan, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với các tiêu chí, tiêu chuẩn cho rõ và cơ chế kiểm tra, giám sát bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp tiếp tục rà soát, triển khai các công việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành. Ban Cán sự Đảng Chính phủ sẽ đề xuất, trao đổi, thống nhất với Đảng đoàn Quốc hội trước khi Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo quy định, trên tinh thần bảo đảm tiến độ kịp thời nhưng nâng cao chất lượng, có tính khả thi./.