Thủ tướng: Cơ chế đặc thù là để tháo gỡ vướng chứ không phải tiếp tục thắt nút lại
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận tinh thần của cơ chế đặc thù là vận dụng những gì thông thoáng nhất để làm, tăng cường giám sát, kiểm tra, tránh để tham nhũng, tiêu cực về chính sách.
Sáng 26-11, tại hội nghị lần thứ nhất Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98/2023 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, được thành lập theo Quyết định 850/2023 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 850), các bộ, ngành Trung ương đã nêu khó khăn, vướng mắc khi thực hiện.
Ngay sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng đã gọi là cơ chế đặc thù thì phải vận dụng những gì thông thoáng nhất để làm.
Vận dụng những gì thông thoáng nhất
Theo Thủ tướng, quy định đã chồng chéo mà cứ đợi thống nhất với nhau thì còn gì là đặc thù. Hiện nay không có văn bản nào có thể phủ hết được các góc cạnh của cuộc sống, khi xây dựng văn bản có khi không nghĩ hết, rà soát hết được.
Do đó, tinh thần của cơ chế đặc thù là cho chủ trương nhưng không phủ hết được góc cạnh cuộc sống thì vận dụng những gì thông thoáng nhất để làm, tăng cường giám sát, kiểm tra, tránh để tham nhũng, tiêu cực về chính sách.
“Bây giờ nghe anh em nói vướng đủ thứ trên đời, nhưng rồi ban hành văn bản không vướng gì cả thì cuối cùng chẳng làm được cái gì… Các đồng chí khi làm văn bản thấy không thông thì báo cáo Phó Thủ tướng phụ trách, nếu không thông được nữa thì báo cáo Thủ tướng” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng đặt vấn đề vướng chỗ nào, ai tháo gỡ, không thể cứ đi hỏi một người đến 10 lần...
“Đặc thù là để tháo gỡ vướng mắc, tức là phải có đầu ra, chứ tháo gỡ mà tiếp tục thắt nút lại thì tháo gỡ làm gì” - Thủ tướng nói và đề nghị khi có vướng mắc, khó khăn thì phải báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết. Từ đó, cố gắng ban hành các quy định có liên quan trong tháng 12 này, và ban hành xong là phải làm được.
“Nếu ban hành xong vẫn vướng mắc, không làm được thì ban hành làm gì cho mất thời gian” - Thủ tướng nói thêm.
Cần phân cấp mạnh, xóa bỏ thủ tục rườm rà
Trao đổi tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng cho rằng Nghị quyết 98 mang tính cách mạng, cải cách mạnh. Trong nghị quyết cũng nêu trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết 98 với luật hay với nghị quyết khác của Quốc hội thì áp dụng quy định của nghị quyết này.
Bí thư Nguyễn Văn Nên cho rằng điều này rất quan trọng, nếu không nghiên cứu kỹ sẽ bị vướng. Đây là chủ trương chung của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và TP.HCM làm thử.
Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, nghiên cứu các TP đi trước vấn đề này ở một số nước, tất cả đều mạnh dạn giao cho địa phương quyền, chính sách và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho địa phương phát triển.
Thực hiện Nghị quyết 98, ba năm sẽ sơ kết và năm năm sẽ tổng kết chứ không phải vô hạn. “Nếu chúng ta chần chừ, cứ luẩn quẩn, nói đi nói lại những việc do cái này, do cái kia sẽ khó thực hiện”- ông Nguyễn Văn Nên nói và dẫn chứng có nơi những chủ trương, chính sách trong 10 năm phải chỉnh sửa năm lần.
Bí thư TP.HCM cũng cho rằng trong xã hội phát triển, nhiều luật có độ trễ, thay đổi luật khó khăn, nên khi đã có chủ trương thì nên bám theo tinh thần đó để thực hiện.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nói thêm về lý do ban hành Nghị quyết 98. Theo Thủ tướng, Quốc hội ban hành nghị quyết khi có vấn đề thực tiễn vượt quá luật, có những vấn đề luật chưa tiếp cận thực tiễn nên ban hành nghị quyết để điều chỉnh ngay vấn đề này. Do đó, cần làm sao vận dụng tốt nhất có thể cơ chế đặc thù trong Nghị quyết 98.
“Chỗ này tiếp cận chưa đúng lắm, hay tóm lại là còn đang sợ, mà nên bỏ cái sợ đi… không sợ, không ngại gì cả, quan trọng là phải giải quyết dứt điểm” - Thủ tướng nói và đề nghị tấn công vào các vấn đề phân cấp, xóa bỏ thủ tục hành chính rườm rà, làm cho công việc đơn giản, không phức tạp.