Thủ tướng đề nghị Mỹ khẩn trương xem xét Việt Nam có nền kinh tế thị trường

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường và bãi bỏ các hạn chế liên quan xuất khẩu công nghệ cao với Việt Nam...

Sáng 27/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Mỹ với chủ đề "Chính sách và hướng tiếp cận nhằm đảm bảo quan hệ thương mại mang lại lợi ích chung".

Cùng dự theo hình thức trực tiếp và trực tuyến có Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, đại diện lãnh đạo bộ, ngành Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai, là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là một trong những nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Với Mỹ, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất.

Kim ngạch thương mại hai chiều đạt kỷ lục 110,8 tỷ USD năm 2023 và tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024 với kim ngạch hai chiều 10 tháng đầu năm đạt 110,9 tỷ USD.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VGP

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VGP

Việt Nam là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Mỹ, trong khi doanh nghiệp, nhà đầu tư Mỹ đã có những đóng góp lớn vào sự phát triển và chuyển đổi của nền kinh tế Việt Nam.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, hợp tác hai nước và quan hệ đối tác giữa các doanh nghiệp đang sôi động, mạnh mẽ hơn bao giờ hết, mang lại lợi ích thực sự cho cả người dân Mỹ và Việt Nam, đó là điều mà ông đã chứng kiến trong 3 chuyến thăm Việt Nam với vai trò Ngoại trưởng.

Ông Blinken nhấn mạnh, trong thời điểm của sự chuyển đổi trên toàn cầu, Việt Nam đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trên thế giới. Việt Nam cũng là đối tác quan trọng của Chính phủ Mỹ và các doanh nghiệp Mỹ.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt nêu sự kiện cách đây 23 năm Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Hiệp định Thương mại Việt Nam - Mỹ. Cố Phó Thủ tướng Vũ Khoan khi đó là Bộ trưởng Thương mại đã mang văn kiện này sang trao cho phía Mỹ.

Thứ trưởng nhớ lại lời của cố Phó Thủ tướng phát biểu khi đó: "Đêm qua tôi có một giấc mơ, tôi mơ các bạn Mỹ mặc áo sơ mi may ở Việt Nam, ăn tôm xuất khẩu từ Việt Nam, uống trà, cà phê từ Việt Nam". Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt chia sẻ giấc mơ của cố Phó Thủ tướng đã trở thành hiện thực, đặc biệt hai nước thiết lập Đối tác Chiến lược toàn diện (9/2023).

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thương mại là lĩnh vực hợp tác kinh tế lớn nhất, thành công nhất trong quan hệ hai nước.

Hợp tác thương mại đi đôi với thúc đẩy quan hệ kinh tế, đầu tư; đầu tư của doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam đến nay vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng nhưng cũng là sự nỗ lực lớn mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước.

Cảm ơn các doanh nghiệp Mỹ đã phát huy vai trò cầu nối quan trọng, thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Mỹ lên tầm cao mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại cách đây gần 80 năm, ngày 16/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư gửi Tổng thống Harry Truman bày tỏ mong muốn hợp tác toàn diện với Mỹ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu. Ảnh: VGP

Thủ tướng đánh giá hai nước đã tiến một bước rất xa; trong quan hệ song phương có đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp hai nước.

Việt Nam đang tập trung triển khai các dự án lớn mang tính "chuyển đổi trạng thái, xoay chuyển tình thế" như nhà máy điện nguyên tử, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các sân bay, cảng biển lớn, hệ thống đường bộ cao tốc, phát triển cả 5 loại hình giao thông vận tải, các trung tâm trung chuyển quốc tế…; bảo đảm cung ứng đủ điện; xây dựng các trung tâm dữ liệu quốc gia; khai thác các không gian phát triển mới như không gian vũ trụ, không gian ngầm, không gian biển…

Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp Mỹ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam trong những lĩnh vực ưu tiên nói trên.

Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường và bãi bỏ các hạn chế liên quan xuất khẩu công nghệ cao với Việt Nam...

Thủ tướng nhắc lại quan điểm nguồn lực bắt đầu từ tư duy, tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sáng tạo, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp; "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, "cùng lắng nghe và thấu hiểu, cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động, cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển, cùng chung niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào".

Trần Thường

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thu-tuong-de-nghi-my-khan-truong-xem-xet-viet-nam-co-nen-kinh-te-thi-truong-2346163.html