Thủ tướng: Doanh nghiệp Việt Nam - Brazil đẩy mạnh kết nối, hợp tác, đầu tư
Tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh kết nối, hợp tác, đầu tư, cụ thể hóa các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước.
Nhân dịp dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng và thực hiện các hoạt động song phương tại Brasil, tối 5/7 (giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Brazil.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Brazil
Tại diễn đàn, đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Brazil đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam và cho biết sẵn sàng tăng cường hợp tác, đầu tư tại Việt Nam như hàng không; nông nghiệp, thực phẩm; công nghiệp nặng, luyện kim; năng lượng; viễn thông...
Ông Fabio Maia, Giám đốc Đầu tư của Tập đoàn JBS cho biết, tập đoàn sẵn sàng đầu tư và trở thành thị trường tập trung ở Hải Phòng và TP.HCM, xuất khẩu sang các nước lân cận như Trung Quốc. Nhân chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính, tập đoàn đã khai trương container thịt bò Brazil đầu tiên, thể hiện nỗ lực của hai bên để có một con đường phát triển đẩy hứa hẹn trên cơ sở tình bạn hai nước.
Nhấn mạnh hai bên có thể hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp nặng, luyện kim, bà Maria Antonietta Cervetto, Tổng Giám đốc Tập đoàn Cecil cho biết, tập đoàn sẵn sàng hợp tác với Việt Nam thông qua cung cấp các sản phẩm kỹ thuật, hỗ trợ hậu cần, chuyển giao công nghệ hoặc cùng phát triển các giải pháp trong các lĩnh vực then chốt cho tăng trưởng kinh tế.
"Chúng tôi rất tự hào đại diện cho Tập đoàn Cecil với tinh thần năng động, đổi mới, vững chắc, hợp tác lâu dài cùng có lợi", bà Maria Antonietta Cervetto cho biết.

Các đại biểu dự diễn đàn
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đề xuất 2 nước hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng. Ông Trần Bình Minh, Thành viên Hội đồng thành viên, Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam cho rằng, hai nước hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí ở nước sâu, dưới muối tại Brazil. Đồng thời tập đoàn cũng muốn trao đổi hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ, chuyển đổi số, lĩnh vực năng lượng 2 nước, đặc biệt lợi thế tiềm năng trong lĩnh vực sản xuất dầu khí cacbon thấp, với phát thải thấp của Brazil hiện là đất nước hàng đầu trong khu vực cũng như trên thế giới.
"Chúng tôi cũng mong muốn hợp tác với Brazil phân phối các sản phẩm mà Brazil có lợi thế như dầu thô, enzil cho Việt Nam, cũng như Đông Nam Á", ông Trần Bình Minh cho biết.
Nhấn mạnh 2 nước có cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đề xuất hai nước cùng bổ sung thế mạnh cho nhau trong lĩnh vực sản xuất gạo và các loại nông sản trên cơ sở Việt Nam có kinh nghiệm hàng nghìn năm canh tác lúa nước, trong khi đó Brazil sở hữu những cánh đồng rộng lớn công nghệ cao, cơ giới hóa hiện đại và năng lực sản xuất đậu tương, ngô, mía đường hàng đầu thế giới.
Cụ thể, hai nước có thể hợp tác trong nghiên cứu chọn, tạo giống lúa chịu hạn phù hợp với các điều kiện khí hậu và chia sẻ chuyển giao kỹ thuật thâm canh lúa nước để mở rộng sản xuất lúa gạo ở Brazil, đồng thời Brazil cũng chia sẻ công nghệ chọn tạo giống, cơ giới hóa, công nghệ chế biến sau thu hoạch trong lĩnh vực canh tác, chế biến các loại cây trồng cạn để giúp Việt Nam nâng cao năng suất, chất lượng các loại nông sản.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần phải giữ gìn, củng cố, tăng cường, phát triển quan hệ ngày càng tốt đẹp giữa hai nước đi vào ổn định, bền vững, lâu dài với tầm nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu làm lớn, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Chia sẻ về tầm nhìn và hành động của Việt Nam để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đất nước tới năm 2030 và 2045, Thủ tướng cho biết, Việt Nam xác định ổn định để phát triển, phát triển tạo ra ổn định và không có mục đích nào khác là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại diễn đàn
Đánh giá hai nước đều có vị trí, vai trò quan trọng tại hai khu vực Nam Mỹ và Đông Nam Á, Thủ tướng mong hai nước sẽ tiếp tục phát huy vai trò cầu nối giữa hai khu vực có nhiều tiềm năng, lợi thế, đang phát triển năng động. Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh kết nối, hợp tác, đầu tư, cụ thể hóa các thỏa thuận của lãnh đạo hai nước.
"Việt Nam xác định mấy ngành đột phá, bao gồm: Ngành nông nghiệp, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, khai khoáng, hợp tác về dầu khí. Đó là các trọng tâm, đột phá, chúng ta có thể hợp tác với nhau. Mở rộng các mặt hàng xuất nhập khẩu, dịp này chúng ta đã tượng trưng cho mặt hàng xuất, nhập khẩu. Việt Nam đón nhận mặt hàng bò của Brazil, còn Brazil đón nhận tôm, cá tra, cá rô phi của Việt Nam. Tin chắc là những mặt hàng này sẽ hỗ trợ cho nhau rất nhiều”, Thủ tướng cho biết.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh, Brazil và Việt Nam là hai quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất và thứ hai thế giới, hai bên đẩy mạnh hợp tác trong ngành cà phê, thúc đẩy hình thành liên minh sản xuất và xuất khẩu cà phê, nghiên cứu xây dựng sàn giao dịch cà phê, xây dựng thương hiệu cà phê chung và nâng tầm văn hóa thưởng thức cà phê gắn với văn hóa hai dân tộc.
Thủ tướng mong muốn và kêu gọi các doanh nghiệp góp phần cụ thể hóa nền tảng chính trị - ngoại giao rất tốt đẹp giữa hai nước thành các biện pháp kinh tế, kết nối doanh nghiệp, kết nối hai nền kinh tế, "đưa tình bạn, tình hữu nghị, sự chân thành kết tinh thành sản phẩm, kết quả cụ thể, cân đong đo đếm được, mang lại lợi ích cho cả hai nước"; đồng thời khẳng định Chính phủ Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư Brazil hợp tác đầu tư thành công, bền vững, lâu dài tại Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến lễ trao thỏa thuận hợp tác giữa các bộ, ngành địa phương của 2 nước
Dịp này, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra kiến lễ trao thỏa thuận hợp tác giữa các Bộ ngành địa phương của 2 nước trong lĩnh vực thủy sản; thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực chăn nuôi chim cút và hợp đồng đào tạo cầu thủ bóng đá trẻ trong thời hạn 3 năm.