Xây dựng nền pháp lý vững cho trách nhiệm môi trường của doanh nghiệp
Không chỉ là công cụ quản lý chất thải, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đang trở thành động lực chiến lược giúp Việt Nam chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm ô nhiễm và nâng cao sức cạnh tranh trong thương mại toàn cầu.
Khi doanh nghiệp gắn trách nhiệm môi trường với chiến lược phát triển, EPR không còn là gánh nặng mà chính là cơ hội để tăng trưởng xanh và bền vững.

EPR đã được triển khai hiệu quả tại nhiều quốc gia.
Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) là một chính sách quan trọng được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, mang lại hiệu quả thiết thực trong quản lý chất thải và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
Chính sách này buộc nhà sản xuất và nhập khẩu phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của họ trong suốt vòng đời, đặc biệt sau khi sản phẩm đã trở thành chất thải.
Tại Việt Nam, EPR chính thức được đưa vào hệ thống pháp luật thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Sau đó, quy định này được hướng dẫn cụ thể hơn tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 và Nghị định số 05/2025/NĐ-CP ngày 6/1/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Mặc dù vậy, để đáp ứng thực tiễn đời sống, sản xuất và tiêu dùng, cần có một nghị định riêng để tăng tính minh bạch và hệ thống hóa toàn bộ quy định, tránh mâu thuẫn; cụ thể hóa các quy trình đăng ký, báo cáo, ủy quyền, thanh tra; tạo động lực phát triển kinh tế tuần hoàn, khuyến khích tái chế, thiết kế xanh; linh hoạt hóa mô hình thực hiện EPR; cơ chế giải ngân rõ ràng, tránh tình trạng “xin - cho”.
Đồng thời, tăng cường giám sát thông qua hệ thống số hóa EPR quốc gia; đồng bộ với thông lệ quốc tế, tránh rào cản thương mại và thu hút FDI xanh; phân cấp rõ vai trò các bên liên quan từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, UBND cấp tỉnh, các tổ chức trung gian tái chế (PRO) đến doanh nghiệp.
Do đó, trong chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang xây dựng dự thảo nghị định quy định chi tiết về EPR nhằm đáp ứng các mục tiêu trên.
Tại Hội thảo “Phổ biến và lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu - EPR”, doBáo Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức, ông Hồ Kiên Trung, Phó cục trưởng Cục Môi trường cho biết, EPR là công cụ chính sách quan trọng thúc đẩy trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu trong việc thu hồi, tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì sau sử dụng.
Việt Nam tiếp cận chính sách này từ năm 2005 với quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đánh dấu bước ngoặt với việc quy định rõ trách nhiệm tái chế, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu.
Trong thời gian qua, các cơ quan quản lý, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để đưa EPR vào thực tiễn.
Tuy nhiên, EPR còn là chính sách mới, một số quy định cần được tháo gỡ, làm rõ. Để khắc phục các bất cập hiện hữu, đồng thời đáp ứng yêu cầu đổi mới phân cấp, cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã đề xuất xây dựng nghị định riêng quy định chi tiết về EPR.
Nghị định này không chỉ cụ thể hóa cơ chế thực hiện chính sách EPR mà còn làm rõ cơ chế tài chính hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải, tạo hành lang pháp lý minh bạch, khả thi và phù hợp với thực tiễn quản lý môi trường. Hiện dự thảo nghị định đang được Bộ đăng tải công khai để lấy ý kiến rộng rãi.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Thành Yên, Phó trưởng phòng Chính sách Pháp chế (Cục Môi trường), Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã giới thiệu tổng quan về quy định EPR hiện hành và dự thảo nghị định mới. Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, EPR bao gồm trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì (Điều 54) và trách nhiệm xử lý chất thải (Điều 55).
Các văn bản quy định chi tiết bao gồm Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Nghị định số 05/2025/NĐ-CP, Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT, Thông tư số 07/2025/TT-BTNMT quy định cụ thể về đối tượng, lộ trình, hình thức, trình tự thực hiện trách nhiệm tái chế, xử lý chất thải; quy định tỷ lệ tái chế, quy cách tái chế bắt buộc; làm rõ một số trường hợp đặc thù như cùng thương hiệu tại nhiều cơ sở sản xuất, gia công sản xuất, ủy thác nhập khẩu.
Dự thảo nghị định EPR 2025 tiếp thu các nội dung đã có, đồng thời bổ sung làm rõ quy định trên cơ sở thực tế, đặc biệt về cơ chế hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải từ tiền đóng góp của nhà sản xuất, nhập khẩu.
Cũng về việc mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất tại tại Tọa đàm “Thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất: Gia tăng hiệu quả bảo vệ môi trường trong lĩnh vực công nghiệp”, ông Lương Chí Hiếu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) nhấn mạnh, EPR thúc đẩy thu gom, phân loại, tái chế sản phẩm từ nguyên liệu tái chế, giúp doanh nghiệp ngành giấy đầu tư công nghệ hiện đại, nâng cao năng suất và chất lượng, tạo chuỗi giá trị bền vững.
Hiệu quả thực tế đã thể hiện qua việc nhiều doanh nghiệp VPPA tăng công suất tái chế từ vài ngàn lên trên 100.000 tấn/năm. Công nghệ tái chế hiện đại giúp giảm lượng nước tiêu hao từ 15 - 20 m³/tấn xuống còn 3 - 4 m³/tấn và tiết kiệm 20 - 30% năng lượng.
Doanh nghiệp cũng tích cực tham gia Liên minh Tái chế Bao bì (PRO Việt Nam), kiểm soát tốt nước thải, khí thải và tận dụng phế liệu giấy làm nguyên liệu thứ cấp, giảm phụ thuộc nhập khẩu.
Tuy nhiên, đại diện VPPA cho biết còn nhiều khó khăn như mức ký quỹ bảo vệ môi trường khi nhập khẩu nguyên liệu giấy thu hồi cao (15 - 20%), tạo áp lực tài chính; hạn mức nhập khẩu không linh hoạt; hệ thống thu gom nội địa còn manh mún, thiếu hỗ trợ.
VPPA đề xuất giảm mức ký quỹ xuống 5% đối với doanh nghiệp không vi phạm, linh hoạt hạn mức nhập khẩu +/-20% và cho phép doanh nghiệp nộp thuế thay cho người thu mua nhỏ lẻ.
Ông Phạm Sinh Thành, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, cho biết dù hầu hết doanh nghiệp thực hiện EPR đóng tiền vào Quỹ EPR (Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam), quỹ này chưa có cơ chế chi tiêu rõ ràng, khiến các doanh nghiệp tái chế chưa tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ.
Do đó, việc sớm ban hành quy định chi tiêu Quỹ EPR là cần thiết để thúc đẩy hoạt động tái chế, giảm rác thải và tiết kiệm tài nguyên.
Được biết, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thể chế hóa nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, kinh tế tuần hoàn và EPR, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong quản lý chất thải Việt Nam.
Theo Điều 54 Luật và Nghị định 08/2022/NĐ-CP, từ 1/1/2024, nhà sản xuất, nhập khẩu dầu nhớt, pin, ắc quy, xăm lốp, bao bì thương mại phải thực hiện tái chế hoặc đóng phí hỗ trợ hoạt động tái chế. Nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử thực hiện trách nhiệm tái chế từ 1/1/2025; phương tiện giao thông từ 1/1/2027.
Gần đây, Nghị định 05/2025/NĐ-CP bổ sung quy định doanh nghiệp, cá nhân bắt buộc phân loại rác thải tại nguồn, chi tiết hóa trách nhiệm tái chế theo ngành nghề, ví dụ bao bì nhựa phải tái chế tối thiểu 50% lượng sản phẩm đưa ra thị trường; đồng thời yêu cầu lập kế hoạch tái chế, báo cáo định kỳ.