Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài: Cam kết tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi

Trước các kiến nghị của nhà đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cam kết sẽ tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Người đứng đầu Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương để thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng, hiệu quả.

Thủ tướng gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài tại hội nghị

Thủ tướng gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài tại hội nghị

Sáng 17-9, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có chủ đề "Vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển" được tổ chức tại trụ sở Chính phủ, kết nối trực tuyến tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát biểu đề dẫn tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài của Việt Nam là có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.

Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án: thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế xã hội của Việt Nam.

Đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam về phát triển điện gió ngoài khơi, ông Sebastian Hald Buhl, Giám đốc quốc gia Tập đoàn Ørsted tại Việt Nam nói: “Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang diễn ra hiện nay, với giá các loại nguyên liệu than, dầu, khí tăng phi mã, điện gió ngoài khơi lúc này sẽ là một trong những giải pháp giúp đa dạng hóa hệ thống năng lượng một cách hiệu quả về chi phí”.

Đại diện doanh nghiệp Đan Mạch này cho rằng Việt Nam đang sở hữu nguồn tài khí to lớn, cần được khai thác, sử dụng hiệu quả.

Thủ tướng cam kết tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài

Thủ tướng cam kết tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài

Cũng đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam, nhưng ông Marukawa- đại diện Công ty TNHH Panasonic Việt Nam bày tỏ sự băn khoăn thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt là trong mảng IT/AI (công nghệ thông tin, trí thông minh nhân tạo), thiết kế, những kỹ sư có thể sử dụng các phần mềm thiết kế sản phẩm 3D hoặc lập trình với sự hỗ trợ của máy tính.

Đây là những nhân tố cốt lõi sẽ quyết định sức cạnh tranh trong tương lai cho cả Việt Nam cũng như Panasonic, việc hiện thực hóa sự gia tăng này sẽ là không đủ nếu chỉ đến từ các doanh nghiệp.

Tại hội nghị này, đại diện Panasonic Việt Nam kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành nhanh chóng đào tạo nguồn nhân lực liên quan tới IT/AI.

Theo đại diện của Bosch, dù đã đã đạt khá nhiều thành tích nhưng nếu muốn phát triển hơn nữa, Việt Nam cần phát triển nguồn nhân lực, phát triển giao thông bền vững, môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Trước tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành công nghiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam (SBG) kiến nghị Chính phủ nên xem xét mở rộng đầu tư vào sản xuất chip bằng cách phát triển các ưu đãi đầu tư đặc biệt cho sản xuất chip (ví dụ: các hỗ trợ về vốn tương tự như các ưu đãi được sử dụng ở Hoa Kỳ nhằm mục đích phát triển công nghiệp sản xuất chip), áp dụng cho cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực đó.

“Các chính sách này có khả năng tác động đáng kể đến thị trường đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chip của Việt Nam, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài mới, mang lại lợi nhuận đầu tư và các lợi ích khác nhờ việc Việt Nam trở thành nhà sản xuất chip hàng đầu”- đại diện SBG nói.

Ghi nhận, đánh giá cao vai trò của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong những năm qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực của OECD, trên tinh thần cùng thắng, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" với các nhà đầu tư bởi "nếu làm việc với nhau mà bên thua, bên thắng thì không phải là hợp tác".

Nhận định tình hình thế giới và trong nước sắp tới có thuận lợi và khó khăn đan xen, Thủ tướng Chính phủ cho biết, để các nhà đầu tư yên tâm sản xuất kinh doanh, bảo tồn vốn và có lợi nhuận, trên tinh thần cùng thắng, Việt Nam đã và đang: Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, bảo đảm trật tự xã hội, an ninh, an toàn, an dân;

Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế;

Quyết tâm xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, đủ sức chống chịu với những biến động bên ngoài và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, chủ động, thực chất, hiệu quả; lấy nội lực là cơ bản, quyết định lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá;

Tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng kết cấu hạ tầng).

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện và sớm ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đầu tư nước ngoài; đồng thời, tiếp tục phản hồi, làm rõ hơn những vấn đề còn khúc mắc được nêu tại hội nghị.

Thủ tướng cũng đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp đẩy mạnh xây dựng, áp dụng những mô hình quản lý mới, thực hiện đổi mới mô hình hướng tới kinh doanh xanh, công nghệ xanh và phát triển bền vững.

Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp; hình thành các trung tâm nghiên cứu và phát triển; đầu tư vào những lĩnh vực, ngành nghề mới có giá trị gia tăng cao; công nghệ kỹ thuật, khoa học hiện đại.

Hà Linh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/thu-tuong-doi-thoai-voi-doanh-nghiep-dau-tu-nuoc-ngoai-cam-ket-tao-moi-truong-dau-tu-kinh-doanh-thuan-loi-post517166.antd