Thủ tướng: Đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng yếu

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đột phá chiến lược về xây dựng, hoàn thiện thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, mang ý nghĩa nền tảng, tạo khung khổ pháp lý để khơi thông, giải phóng, huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển KTXH nhanh, bền vững.

Sáng nay 17/11 tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11 năm 2023.

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật.

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật.

Thủ tướng cho biết từ đầu năm 2023 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, đầu tư đặc biệt cho công tác này, nhất là việc rà soát, hoàn thiện pháp luật, tháo gỡ điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Chính phủ đã tổ chức 8 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; đang trình Quốc hội xem xét, thông qua nhiều dự án luật quan trọng, có tác động sâu rộng tới toàn bộ đời sống KT-XH như dự án Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Tổ chức tín dụng, Bảo hiểm xã hội, Căn cước…. Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành 100 văn bản quy phạm pháp luật

Về các nhiệm vụ trọng tâm trong việc xây dựng, hoàn thiện dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, Thủ tướng yêu cầu, tăng cường vai trò người đứng đầu, bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực quản lý.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng pháp luật, kiên quyết xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; Nâng cao năng lực phản ứng chính sách trong bối cảnh tình hình diễn biến rất nhanh, nhiều diễn biến mới, chưa có tiền lệ; Đầu tư công sức, nguồn lực cho công tác thể chế.

Bổ sung, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức làm công tác pháp chế; có chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp; Tiếp tục cụ thể hóa, hiện thực hóa, thể chế hóa các chủ trương mới của Đảng; Xây dựng các quy định phải tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hiện nay để huy động mọi nguồn lực cho phát triển; Kịp thời bổ sung, hoàn thiện quy định tình hình thực tiễn.

Thủ tướng đề nghị các bộ ngành tập trung bảo đảm tiến độ trình, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản; Rà soát, phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, tăng cường năng lực thực thi cho cấp dưới; Đơn giản, cắt giảm hóa thủ tục hành chính; giảm tối thiểu chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp. Kiểm soát TTHC ngay trong quá trình xây dựng, ban hành luật; Quan tâm xây dựng quy định thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; Chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, cục bộ trong xây dựng pháp luật.

Các đại biểu dự phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật.

Các đại biểu dự phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật.

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thảo luận, xem xét, cho ý kiến về đề nghị xây dựng các dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Cấp, thoát nước; Luật Điện lực (sửa đổi).

Đặc biệt, về Đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước, các thành viên Chính phủ cho rằng: thời gian qua các quy định pháp luật về cấp, thoát nước được quy định rải rác trong các văn bản pháp luật, chủ yếu là các văn bản dưới luật; qua triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; yêu cầu bảo đảm cấp nước, thoát và xử lý nước thải ngày càng cấp bách, yêu cầu cao hơn, cần thể chế hóa thành các quy định pháp luật cụ thể, hợp lý, khả thi.

Vì vậy, việc nghiên cứu, xây dựng, ban hành Luật Cấp, thoát nước là cần thiết, nhằm thể chế hóa các đường lối, chủ trương của Đảng, các chính sách, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực cấp nước sạch, thoát và xử lý nước thải; khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật liên quan đến lĩnh vực cấp, thoát nước; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất và khả thi của hệ thống pháp luật.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho ý kiến về các dự án, đề nghị xây dựng luật.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho ý kiến về các dự án, đề nghị xây dựng luật.

Các thành viên Chính phủ đề nghị cần tiếp tục tổng kết các quy định pháp luật về cấp, thoát nước và có liên quan; nhất là việc đánh giá một cách khách quan, tổng thể những tồn tại, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình triển khai, đề xuất những quy định, biện pháp phù hợp, khả thi và hiệu quả.

Tiếp tục rà soát, xác định rõ phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật với các quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các luật khác có liên quan; bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Nội dung và giải pháp thực hiện chính sách phải thể hiện rõ chủ trương tăng cường phân cấp, phân quyền, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về cấp, thoát nước; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số; cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, bảo đảm thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Cùng với đó đánh giá tác động chính sách một cách khoa học, đầy đủ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm khả thi và hiệu quả; Tích cực tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tham khảo có chọn lọc, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của Việt Nam; Tích cực tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học; đẩy mạnh truyền thông chính sách để tạo sự đồng thuận.

Cho ý kiến về đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao Bộ Xây dựng đã tích cực chuẩn bị hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật, trình Chính phủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL.

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trình bày đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước.

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trình bày đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước.

Đối với các Chính sách của luật này Thủ tướng Thủ tướng giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Bộ NNPTNT, Bộ KH& ĐT, Văn phòng Chính phủ và các bộ về nội dung của chính sách, bảo đảm phù hợp với pháp luật về quy hoạch và liên quan. Riêng đối với hệ thống cấp thoát nước nông thôn phân tán, quy mô hộ gia đình Thủ tướng cơ bản thống nhất về sự cần thiết của quản lý nhà nước; tuy nhiên, cần làm rõ khái niệm, nội dung của chính sách, phạm vi và cách thức quản lý nhà nước sao cho khả thi, bảo đảm quyền tiếp cận nước sạch của người dân một cách thuận tiện, hiệu quả nhất.

Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, Nghị quyết Phiên họp hôm nay, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ Tư pháp tổng hợp đề nghị xây dựng Luật này vào đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật của Quốc hội năm 2025, trình Chính phủ theo quy định. Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật này.

Vũ Khuyên/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-dot-pha-chien-luoc-ve-hoan-thien-the-che-la-nhiem-vu-trong-yeu-post1059804.vov