Thủ tướng dự lễ khởi công Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1
Sáng 17/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Chủ tịch Nước Võ Thị Ánh Xuân cùng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương ở ĐBSCL…dự lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.
Lễ khởi công được tổ chức đồng loạt tại 4 điểm cầu: tỉnh An Giang, TP Cần Thơ, Tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng, với hình thức trực tuyến và truyền hình trực tiếp. Trong đó, tỉnh An Giang là điểm cầu chính.
Đây là Dự án thuộc nhóm “dự án quan trọng quốc gia” với tổng chiều dài tuyến là 188 km, tổng mức đầu tư hơn 44.600 tỷ đồng. Dự án được chia thành 4 dự án thành phần, phạm vi thực hiện trải dài qua 4 địa phương gồm: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng.
Dự án sẽ cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết, theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, dự án được áp dụng nhiều cơ chế đặc thù. Các tỉnh, thành phố, các đơn vị tư vấn và các cơ quan liên quan đã triển khai thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất, khắc phục mọi khó khăn, rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư khoảng 1 năm so với quy trình thủ tục thông thường (2 năm).
Phát biểu chỉ đạo tại lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Dự án phù hợp với phương hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 21-NQ/TW "xây dựng vùng ĐBSCL trở thành một vùng kinh tế trọng điểm phát triển của cả nước với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, hiệu quả, bền vững" và chủ trương đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đã được xác định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là “xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại. Tập trung đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, quy mô lớn, nhất là về giao thông” để thực hiện mục tiêu “Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc”.
“Dự án tuyến đường bộ cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua trung tâm vùng ĐBSCL với năng lực thông hành lớn, tốc độ cao và an toàn góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo sức lan tỏa, động lực và dư địa để phát triển kinh tế - xã hội khu vực; phát huy hiệu quả khai thác các tuyến trục dọc, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối các trung tâm kinh tế trong khu vực, các cảng biển và cửa khẩu quốc tế, thúc đẩy lưu thông hàng hóa và phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp trong vùng”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, biểu dương sự cố gắng nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua, Bộ Giao thông vận tải, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ, các Ban quản lý dự án, các đơn vị tư vấn; biểu dương chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành phố đã nỗ lực trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện Dự án.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý, công việc sắp tới còn rất lớn và nhiều thách thức. Do đó, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua tập trung quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu Ban quản lý dự án, tư vấn giám sát và các nhà thầu phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất. Huy động nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại để thi công. Tuân thủ tuyệt đối những yêu cầu kỹ thuật, quy định của pháp luật liên quan, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí gây thất thoát tài sản Nhà nước. Bảo đảm chất lượng, tiến độ cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn Dự án năm 2027.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành, các địa phương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm công tác an ninh, trật tự để Ban quản lý dự án và các nhà thầu thi công dự án đảm bảo tiến độ, hiệu quả. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tỉnh An Giang bố trí và các tỉnh có mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng ưu tiên cung cấp nguồn nguyên vật liệu cát đắp cho dự án.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng theo quy định; đảm bảo việc bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác tái định cư, hỗ trợ ổn định sản xuất để người dân có nơi ở mới, có công việc mới bằng và tốt hơn nơi cũ.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu mỗi cá nhân tham gia dự án cần nâng cao ý thức trách nhiệm với công việc, với ngành và cao hơn nữa với nhân dân với Tổ quốc; đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm để hoàn thành tốt nhiệm vụ góp phần triển khai các dự án thành phần đúng tiến độ với tinh thần “tất cả vì nhân dân, vì sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước".