Thủ tướng: Đừng đề nghị Chính phủ mở lại cửa rừng tự nhiên
Chủ trì hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về sắp xếp các công ty nông lâm nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, chủ trương của Chính phủ là tiếp tục đóng cửa rừng tự nhiên để bảo vệ rừng, mặc dù có doanh nghiệp đề nghị mở cửa trở lại.
Sáng nay 18-11 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị và Nghị định 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ; Phó Trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát; Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng tham dự.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, sau 5 năm triển khai nghị quyết, hiện nay, các công ty nông lâm nghiệp đang lựa chọn 1 trong 4 phương án sắp xếp, chuyển đổi gồm: mô hình công ty TNHH 1 thành viên 100% vốn nhà nước; mô hình công ty cổ phần; mô hình công ty TNHH 2 thành viên trở lên; nếu không thể chuyển đổi thì có thể tính đến phương án giải thể nông, lâm trường.
Tính đến tháng 6-2019, trong tổng số 256 công ty, đã có 160 công ty hoàn thành sắp xếp, chiếm 62,5%.
Sau khi chuyển đổi, sắp xếp thì nhiều công ty đã có hiệu quả sản xuất kinh doanh tăng rõ rệt nhờ thay đổi phương thức quản lý, quản trị doanh nghiệp; giúp các công ty này minh bạch về tài chính hơn; chủ động về tài chính, bước đầu không dựa vào ngân sách.
Nhưng Bộ NN-PTNT thừa nhận, công tác quản lý đất đai tại một số công ty, tiến độ sắp xếp vẫn còn chậm; vẫn còn hiện tượng tranh chấp, lấn chiếm đất đai tại các công ty sau sắp xếp…
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những kết quả đã làm được trong sắp xếp, đổi mới công ty nông lâm nghiệp, nhưng cũng chỉ ra nhiều mặt khuyết điểm, hạn chế, nhất là về tiến độ so với Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị yêu cầu.
Khẳng định rằng, đất đai là vấn đề rất quan trọng khi thực hiện Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị, Thủ tướng nhấn mạnh, với 1,8 triệu héc-ta đất nông lâm trường đang giao cho các công ty hiện nay, tức chiếm gần 10% diện tích đất nông lâm nghiệp cả nước, trong khi đây thường là những khu vực có vị trí đắc địa, thế thì các công ty nông lâm nghiệp, đất nông lâm trường phải có đóng góp gì cho quốc kế dân sinh, dẫn dắt nông nghiệp phát triển, nâng cao đời sống của nhân dân, giữ gìn an ninh quốc phòng ở vùng biên cương?
Thủ tướng phê bình tình trạng, mặc dù mục tiêu đề ra là đến năm 2015, các địa phương phải làm xong phương án rà soát, sắp xếp đất nông lâm nghiệp, nhưng đến nay đã là năm 2019 mà vẫn có địa phương còn chưa hoàn thiện, nhất là tình trạng chưa có phương án sử dụng đất rừng.
Trong khi đó, theo Thủ tướng, tình trạng “phát canh thu tô” đất trên giấy tờ thì còn nhiều, nhưng thực tế lại không còn, tư nhân tìm cách lấn chiếm đất nông lâm nghiệp, biến thành của riêng... vẫn còn xảy ra trong các công ty nông lâm nghiệp.
Để tiếp tục đẩy nhanh sắp xếp, đổi mới các công ty nông lâm nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị, Thủ tướng chỉ đạo khơi thông chính sách để khai thác, quản lý sử dụng hiệu quả đất nông lâm nghiệp theo hướng tạo việc làm, đảm bảo sinh kế cho người dân địa phương.
Bên cạnh thu hút đầu tư, trồng rừng gỗ lớn, vùng hàng hóa tập trung quy mô lớn thì tập trung đổi mới, sắp xếp các công ty nông lâm nghiệp. “Hoàn thành việc sắp xếp các công ty nông lâm nghiệp trong năm 2020, không thể chậm hơn. Công ty nào đã hoàn thành việc sắp xếp thì hoạt động theo pháp luật về doanh nghiệp” – Thủ tướng nói: “Đặc biệt là chú trọng về hiệu quả, không thể nói là tồn tại mà vì lỗ lã nên Nhà nước cứ phải cấp vốn bổ sung”.
Về đất đai đang giao cho các công ty nông lâm nghiệp, Thủ tướng yêu cầu rà soát lại, chỗ nào Nhà nước quản lý thì phải rõ ràng, chỗ nào cần phải trả cho địa phương thì phải giao lại địa phương, để giao cho dân. “Nếu không sử dụng thì phải giao cho địa phương để chia cho dân. Đừng để đất của Nhà nước (đất giao cho các công ty nông lâm nghiệp) thì thừa mứa còn người dân thì thiếu đất nghiêm trọng, phải làm thuê làm mướn”- Thủ tướng nói.
Không để tư tưởng lợi dụng đất đai của Nhà nước để làm lợi cho cá nhân. “Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình làm chậm, làm sai, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí”. Theo người đứng đầu Chính phủ, không chỉ người làm sai bị xử lý mà người tiếp tay cho sai phạm cũng phải bị xử lý nghiêm.
Tại hội nghị, Thủ tướng cũng đề cập tình trạng khai thác rừng tự nhiên và khẳng định chủ trương của Chính phủ là đóng cửa rừng tự nhiên để bảo vệ - phát triển rừng, người dân chỉ được khai thác lâm thổ sản dưới tán rừng.
Hiện nay, lệnh đóng cửa rừng tự nhiên đã được triển khai từ năm 2016. Tại hội nghị, đã có doanh nghiệp đề nghị mở cửa trở lại, cho những doanh nghiệp đạt chứng chỉ khai thác bền vững được “thí điểm khai thác rừng tự nhiên” sau nhiều năm cấm.
Tuy nhiên, khẳng định những giá trị kim ngạch xuất khẩu lâm sản hiện nay không phải là từ rừng tự nhiên, Thủ tướng yêu cầu: “Đừng đề nghị lên Chính phủ là tiếp tục cho khai thác rừng tự nhiên”.
Phó Trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, phát biểu tại hội nghị này, cũng nhấn mạnh lợi ích, giá trị của việc triển khai lệnh đóng cửa rừng trong những năm qua và đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục áp dụng lệnh đóng cửa rừng tự nhiên, không nên mở lại.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thu-tuong-dung-de-nghi-chinh-phu-mo-lai-cua-rung-tu-nhien-629242.html