Thủ tướng giao 2 đơn vị chỉ đạo EVN xây dựng kịch bản cung ứng điện từng quý
Chiều 28/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan về các giải pháp bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng những tháng cuối năm 2023 và trong năm 2024.
Sau khi lắng nghe các báo cáo và ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, lãnh đạo Chính phủ, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài liên quan đến 5 khâu quan trọng của điện, gồm: Nguồn điện, truyền tải điện, phân phối điện, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và nghiên cứu giá điện phù hợp.
Thủ tướng đã giao nhiều nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, cơ quan liên quan, yêu cầu các cơ quan, đơn vị và người đứng đầu căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ động thực hiện hiệu quả trên nguyên tắc dứt khoát không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào.
Trong đó, giao Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước chỉ đạo và phê duyệt việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng kịch bản chi tiết về cung ứng điện cho từng quý, từng giai đoạn, đặc biệt là trong những tháng mùa khô, bảo đảm khả thi, hiệu quả và phải có tính dự báo cao.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo các bộ, ngành, đơn vị rà soát, khẩn trương xử lý các khó khăn, vướng mắc hiện nay trong các vấn đề liên quan đến điện, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Trước đó, ngày 19/10/2023, Văn phòng chính phủ đã có văn bản số 8144/VPCP-CN ntruyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm cung ứng điện, giữ vững an ninh năng lượng.
Để bảo đảm nguồn cung ứng điện phục vụ cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân các tháng cuối năm 2023, năm 2024 và các năm tiếp theo, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu Khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tập trung chỉ đạo thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao về bảo đảm cung ứng điện, giữ vững an ninh năng lượng quốc gia trong thời gian tới.
Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Hoàn thành trước ngày 25/10/2023.
Xem thêm: "Thủ tướng giao loạt nhiệm vụ để đảm bảo cung ứng điện, giữ vững an ninh năng lượng quốc gia" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện báo cáo thẩm định chủ trương đầu tư các dự án đường dây 500 kV từ Quảng Trạch (Quảng Bình) ra Phố Nối (Hưng Yên) để cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ xử lý các nội dung liên quan theo thẩm quyền để có thể khởi công dự án trong tháng 10/2023.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp cùng Bộ Tư pháp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện đề xuất về việc ban hành quy định về điện mặt trời áp mái. Hoàn thành trước ngày 25/10/2023.
Bộ Công Thương khẩn trương cùng Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan rà soát, thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét ban hành Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn. Hoàn thành trước ngày 25/10/2023.
Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng và tổ chức họp Ban Chỉ đạo trong tháng 10/2023.
Theo tính toán cập nhật của EVN, việc cân đối cung - cầu điện năm 2024 được tính toán với dự báo tăng trưởng phụ tải điện cơ sở (8,96%), 2 kịch bản lưu lượng nước về: i) bình thường (tần suất nước về 65%); ii) cực đoan (tần suất nước về 90%). Trong đó, cập nhật tiến độ các nguồn điện mới (Ialy mở rộng và các nguồn điện nhập khẩu từ Lào v.v...).
Với phương án lưu lượng nước về bình thường, hệ thống điện quốc gia về cơ bản đáp ứng cung ứng điện, tuy nhiên do công suất dự phòng của hệ thống điện miền Bắc thấp nên vẫn phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về công suất đỉnh tại một số thời điểm (từ 13-16h, 19h-22h) trong ngày của các ngày nắng nóng. Đối với trường hợp lưu lượng nước về cực đoan, việc đảm bảo cung cấp điện đặc biệt đối với khu vực miền Bắc sẽ gặp khó khăn hơn, có thể xuất hiện tình trạng thiếu công suất (khoảng 420÷1.770MW) trong một số giờ cao điểm các tháng 6&7.