Thủ tướng Greenland đề xuất bầu cử sớm, cấm quyên góp chính trị từ nước ngoài

Thủ tướng Greenland Mute Egede mới đây đã đề xuất tổ chức tổng tuyển cử sớm vào ngày 11/3, trong bối cảnh quốc hội nước này đang xem xét lệnh cấm các khoản tài trợ chính trị từ nước ngoài.

Động thái này diễn ra trong lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump tái khẳng định mối quan tâm đến Greenland.

 Greenland hiện đang trở thành trung tâm của cuộc cạnh tranh địa chính trị, địa kinh tế theo nhiều cách. Ảnh: Pexels

Greenland hiện đang trở thành trung tâm của cuộc cạnh tranh địa chính trị, địa kinh tế theo nhiều cách. Ảnh: Pexels

Trong bài đăng trên mạng xã hội, Thủ tướng Egede nhấn mạnh rằng Greenland đang đối mặt với một giai đoạn đặc biệt quan trọng: "Chúng ta đang ở trong một thời kỳ nghiêm trọng, một thời điểm mà đất nước chưa từng trải qua. Đây không phải là lúc để chia rẽ, mà là thời điểm để hợp tác và đoàn kết vì đất nước. Tôi sẵn sàng tiếp tục làm việc vì các bạn và lãnh đạo đất nước này".

Ông Egede cho biết sẽ trình quốc hội phê duyệt đề xuất tổ chức bầu cử sớm. Theo lịch trình trước đó, Greenland dự kiến tổ chức tổng tuyển cử muộn nhất vào ngày 6/4.

Cùng thời điểm, Quốc hội Greenland đang cân nhắc thông qua luật cấm quyên góp chính trị từ nước ngoài nhằm ngăn chặn ảnh hưởng từ bên ngoài.

Theo nội dung dự luật, Greenland cần phải bảo vệ "sự toàn vẹn chính trị" trước tình hình địa chính trị hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh "một siêu cường đồng minh bày tỏ mong muốn kiểm soát Greenland".

Dự luật quy định các đảng phái chính trị không được nhận tài trợ từ các cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài. Định nghĩa "nhà tài trợ nước ngoài" bao gồm bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào cư trú hoặc có trụ sở ngoài Greenland.

Quy định cũng giới hạn số tiền quyên góp từ các cá nhân hoặc tổ chức trong nước, không vượt quá 200.000 kroner Đan Mạch (khoảng 26.800 euro, 27.700 USD) mỗi năm đối với một đảng và không quá 20.000 kroner từ một nhà tài trợ duy nhất. Luật này được chính phủ Greenland ủng hộ và dự kiến sẽ được thông qua do liên minh cầm quyền chiếm đa số trong quốc hội.

Một cuộc khảo sát gần đây của tổ chức Verian cho thấy phần lớn người dân Greenland ủng hộ độc lập nếu có một cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, có khoảng 45% người dân cho biết họ sẽ không ủng hộ độc lập nếu điều đó ảnh hưởng tiêu cực đến mức sống.

Greenland từng là thuộc địa của Đan Mạch cho đến năm 1953, sau đó giành được quyền tự trị rộng rãi, bao gồm cả quyền tuyên bố độc lập. Tuy nhiên, Copenhagen vẫn chịu trách nhiệm về an ninh và chính sách đối ngoại của hòn đảo này.

Chính phủ Greenland khẳng định rằng họ sẵn sàng hợp tác kinh tế với các đối tác quốc tế nhưng không muốn trở thành một phần của Mỹ.

Về phía Đan Mạch, Thủ tướng Mette Frederiksen tuyên bố rằng tương lai của Greenland hoàn toàn do người dân Greenland quyết định. Bà cũng tìm kiếm sự ủng hộ từ Liên minh châu Âu (EU) để bảo vệ lợi ích của Đan Mạch đối với hòn đảo giàu tài nguyên này.

Cao Phong (theo DW, AJ, BBC)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thu-tuong-greenland-de-xuat-bau-cu-som-cam-quyen-gop-chinh-tri-tu-nuoc-ngoai-post333064.html