Thủ tướng: Hợp tác Mekong-Lan Thương trên cơ sở lòng tin, lấy con người là trọng tậm và phát triển bền vững

Thủ tướng cho rằng những tiêu chí mà hợp tác Mekong-Lan Thương cần bảo đảm để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra về một tầm nhìn Mekong-Lan Thương hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững, đó là: Hợp tác trên cơ sở lòng tin, quan hệ chân thành, thẳng thắn, hữu nghị; lấy con người làm trung tâm và phát triển bền vững.

Theo tin từ Chính phủ, sáng ngày 24/8/2020 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Cấp cao (HNCC) Hợp tác Mekong-Lan Thương (MLC) lần thứ ba theo hình thức trực tuyến. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị cùng lãnh đạo cấp cao các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc.

Toàn cảnh hội nghị Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ ba.

Toàn cảnh hội nghị Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ ba.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu bật những tiêu chí mà hợp tác Mekong-Lan Thương cần bảo đảm để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra về một tầm nhìn Mekong-Lan Thương hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững, đó là: Hợp tác trên cơ sở lòng tin, quan hệ chân thành, thẳng thắn, hữu nghị; bảo đảm các nguyên tắc bình đẳng, đồng thuận, cùng có lợi và tôn trọng luật pháp quốc tế; lấy con người làm trung tâm và phát triển bền vững là nội dung xuyên suốt; chú trọng tìm kiếm giải pháp cho các thách thức chung và bảo đảm lợi ích chính đáng của các nước thành viên; hoạt động có trọng tâm, trên cơ sở phát huy thế mạnh của các nước thành viên; phối hợp hài hòa với ASEAN và các cơ chế hợp tác Mekong khác.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự HNCC MLC lần thứ ba.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự HNCC MLC lần thứ ba.

Trong bối cảnh khu vực đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có, Thủ tướng nhấn mạnh hợp tác MLC cần tập trung vào ba nội dung chính gồm:

Thứ nhất, hợp tác để hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, không để đứt gãy các khâu trong chuỗi cung ứng, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ hai, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về COVID-19 thường xuyên, kịp thời, minh bạch; hợp tác sản xuất và tạo thuận lợi cho việc tiếp cận vaccine.

Thứ ba, hợp tác sử dụng, quản lý nguồn nước Mekong và tìm kiếm giải pháp lâu dài cho sự phát triển bền vững của lưu vực; chia sẻ thông tin, số liệu thủy văn cả năm; tăng cường mạng lưới các trạm quan trắc tự động tài nguyên nước; củng cố hệ thống dự báo, cảnh báo thiên tai; phối hợp với Ủy hội sông Mekong và các đối tác quốc tế.

Kết thúc Hội nghị, lãnh đạo sáu nước thành viên đã thông qua Tuyên bố Vientiane và chứng kiến lễ chuyển giao vai trò đồng chủ tịch hợp tác từ CHDCND Lào sang Cộng hòa liên bang Myanmar.

Huyền Phạm

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/thu-tuong-hop-tac-mekong-lan-thuong-tren-co-so-long-tin-lay-con-nguoi-la-trong-tam-va-phat-trien-ben-vung/20200825092401862