Thủ tướng khảo sát địa điểm dự kiến xây dựng sân bay Măng Đen
Trong chương trình công tác tại Kon Tum, Thủ tướng nghe báo cáo về việc lập quy hoạch sân bay Măng Đen, hướng tuyến cao tốc Kon Tum-Quảng Ngãi.
Chiều tối ngày 19/8, trong chương trình công tác tại Kon Tum, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khảo sát thực tế, nghe báo cáo và làm việc về một số dự án trọng điểm trên địa bàn, đặc biệt là về định hướng phát triển khu du lịch quốc gia Măng Đen.
Thủ tướng khảo sát bản đồ quy hoạch sân bay Măng Đen
Tại buổi làm việc, tỉnh Kon Tum báo cáo về việc lập quy hoạch sân bay Măng Đen, hướng tuyến cao tốc Kon Tum - Quảng Ngãi, định hướng lập quy hoạch, phát triển Khu du lịch quốc gia Măng Đen.
Theo đó, tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum đang rà soát, đề xuất bổ sung tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum vào quy hoạch mạng lưới cao tốc quốc gia. Đây cũng là tuyến đường bộ tốc độ cao, ngắn nhất, thuận lợi nhất kết nối trực tiếp hai địa phương biển và miền núi Bắc Tây Nguyên.
Đồng thời, việc kết nối cao tốc qua khu du lịch Măng Đen (Kon Tum) sẽ tạo động lực phát triển hành lang kinh tế Quảng Ngãi - Măng Đen - Cưa khẩu Bờ Y - Kon Tum - nối với Nam Lào góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các địa phương và vùng.
Dự kiến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum có điểm đầu giao với cao tốc Bắc Nam phía đông thuộc địa phận thị xã Đức Phổ, tỉnh Quãng Ngãi; điểm cuối giao với cao tốc Bắc Nam phía tây thuộc địa phận TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum.
Tuyến đường có chiều dài khoảng 135,93 km được đề xuất đạt quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền đường 22m - 25,25m với vận tốc thiết kế từ 80 km/h - 100 km/h.
Liên quan tới sân bay Măng Đen, Bộ GTVT cho biết, bên cạnh các cảng hàng không đã được quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng quy hoạch thành cảng hàng không đối với một số vị trí tiềm năng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét việc bổ sung quy hoạch khi đủ điều kiện; trong đó có vị trí dự kiến tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Mới đây, tỉnh Kon Tum đề xuất chủ trương lập đề án đánh giá khả năng quy hoạch và đề xuất đầu tư xây dựng sân bay Măng Đen theo phương thức hợp tác công - tư (PPP) tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông. Dự kiến cấp sân bay là 4E; công suất thiết kế từ 3 đến 5 triệu hành khách/năm; thời gian thực hiện từ năm 2023 đến năm 2027.
Các báo cáo, ý kiến cũng khẳng định tiềm năng du lịch rất lớn và đặc biệt của Măng Đen.
Theo Nghị quyết tháng 4/2023 của HĐND tỉnh Kon Tum về nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch Măng Đen đến năm 2045, định hướng là khai thác các lợi thế độc đáo về điều kiện khí hậu, cảnh quan tự nhiên và nét văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc của địa phương; phát triển khu du lịch Măng Đen trở thành khu du lịch sinh thái mang tầm cỡ quốc gia, trở thành điểm đến hấp dẫn, có thương hiệu của khu vực Tây Nguyên, trong nước và quốc tế.
"Có quy hoạch tốt mới có dự án tốt, có dự án tốt mới có nhà đầu tư tốt"
Liên quan đến đề xuất tuyến cao tốc trên, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng thống nhất với quy hoạch sân bay, cao tốc Quãng Ngãi - Kon Tum.
"Tiềm năng lợi thế du lịch ở Măng Đen là rất lớn. Đây là động lực, đột phá để phát triển kinh xã hội khu vực Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng. Vấn đề đặt ra ở đây là để khơi thông nguồn lực này, giao thông có ý nghĩa quan trọng. Đề xuất của địa phương về xây dựng sân bay, tuyến cao tốc là cần thiết và hợp lý. Bộ GTVT ủng hộ chủ trương này và đề nghị địa phương sớm hoàn hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan để sớm triển khai thành hiện thực", Bộ trưởng Thắng nhấn mạnh.
Qua khảo sát thực tế và nghe báo cáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu vấn đề tìm đường đi để Kon Tum nói chung và Măng Đen nói riêng phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, phát triển xanh, thoát nghèo; đồng thời triển khai Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác quy hoạch, "có quy hoạch tốt mới có dự án tốt, có dự án tốt mới có nhà đầu tư tốt".
Quy hoạch phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, phải bám sát thực tế, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn; quy hoạch đảm bảo ổn định, nhưng thích ứng linh hoạt. Quy hoạch phải khả thi, tìm ra và phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Măng Đen, đồng thời chỉ ra mâu thuẫn, yếu kém, khó khăn, thách thức để đưa ra nhiệm vụ, giải pháp hóa giải.
Cùng với quy hoạch, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của hạ tầng chiến lược, gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng văn hóa, giáo dục, y tế và các hạ tầng xã hội khác.
Thủ tướng nêu rõ định hướng, phương thức phát triển dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, "rừng trong phố, phố trong rừng", giữ gìn và phát huy tối đa bản sắc văn hóa nơi đây. Về nguồn lực, nguồn lực tại chỗ là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, gồm con người tại chỗ, thiên nhiên và truyền thống văn hóa lịch sử; đồng thời đẩy mạnh hợp tác công - tư, huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội.
Thủ tướng đề nghị tỉnh Kon Tum chủ động triển khai thực hiện, phát huy tinh thần tự lực, tự cường để vươn lên mạnh mẽ; lập tổ công tác, phân công một đồng chí Phó Bí thư phụ trách về việc phát triển Măng Đen.
Thủ tướng nhất trí về mặt chủ trương với các đề xuất, dự án; giao các bộ, ngành triển khai các công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Thủ tướng lưu ý cần lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược phù hợp.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ đã đến khảo sát tại vườn sâm lớn nhất cả nước tại xã Ngọk Lây, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đồng thời tặng 12.000 cây giống sâm Ngọc Linh cho các hộ nghèo.
Tại buổi khảo sát, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các ngành và tỉnh Kon Tum cần làm rõ bài toán kinh tế trồng sâm dưới tán rừng để phát huy hiệu quả rừng. Vấn đề là cơ chế quản lý chưa phù hợp để người dân giàu lên được từ rừng.
Thủ tướng cho rằng, nếu có cơ chế phù hợp, người dân không những thoát nghèo mà còn làm giàu. Muốn có sản phẩm sâm tốt, phải chủ động đầu tư khoa học công nghệ, đa dạng hóa mẫu mã, bao bì…
Thủ tướng yêu cầu địa phương rà soát lại đất rừng, trên cơ sở đó quy hoạch lại vùng trồng bài bản.
Thủ tướng cũng gợi ý bà con cần liên kết thành lập hợp tác xã; Ngân hàng Chính sách xã hội ở địa phương phải lo vốn cho bà con; phải hợp tác với doanh nghiệp để họ lo giống, vật tư, chế biến sản phẩm và thị trường đầu ra; chú ý phát triển thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm.
Dịp này Thủ tướng Chính phủ đã trao tặng 12.000 cây sâm giống Ngọc Linh (trị giá 300.000 đồng/cây) hỗ trợ cho 300 hộ gia đình nghèo trong vùng chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh, mong muốn người dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ cây dược liệu quý.