Thủ tướng: Không nóng vội trong quy hoạch

Thủ tướng lưu ý quy hoạch không cầu toàn, cũng không nóng vội trong công tác quy hoạch, phải có phương pháp luận, cách tiếp cận mới, tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, quy hoạch phải có tính chất lâu dài, ổn định nhưng không bất biến.

Phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố về đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và tham vấn về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, tiến độ vẫn chưa được như kế hoạch đề ra và chất lượng còn nhiều băn khoăn, chưa được như mong muốn để có những quy hoạch thật tốt, trên cơ sở đó tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Nguyên nhân khách quan là do tác động của dịch Covid-19; cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quy hoạch còn nhiều yếu kém. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan vẫn là chính, khi nhận thức về công tác quy hoạch của một số bộ, ngành, địa phương chưa đúng tầm; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số nơi chưa đúng mức; đầu tư cho công tác quy hoạch còn hạn chế, nhất là bố trí nguồn lực con người; việc tổ chức xây dựng, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chưa chủ động, khoa học, hợp lý, mang lại hiệu quả cao; các quy định hiện hành trong luật, nghị định còn vướng mắc.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố về đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và tham vấn về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố về đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và tham vấn về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nhấn mạnh hai điểm mấu chốt trong công tác lập quy hoạch là đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu nâng cao chất lượng quy hoạch, Thủ tướng nêu rõ, trước hết phải nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác quy hoạch. Quy hoạch phải đi trước một bước, sát thực tế, khả thi, khai thác, chỉ ra, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của các lĩnh vực, khu vực, địa phương và tháo gỡ, hóa giải những hạn chế, yếu kém, mâu thuẫn, thách thức, khó khăn. Muốn phát triển tốt thì phải có quy hoạch tốt, vì quy hoạch tốt thì mới có chương trình, dự án tốt, có chương trình, dự án tốt thì mới có nhà đầu tư tốt.

Thủ tướng lưu ý không cầu toàn, cũng không nóng vội trong công tác quy hoạch, phải có phương pháp luận, cách tiếp cận mới, tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược. Quy hoạch phải có tính chất lâu dài, ổn định nhưng không bất biến, bám sát thực tiễn để điều chỉnh khi cần thiết, đề xuất được cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững.

Về tổ chức thực hiện, Thủ tướng lưu ý phải lựa chọn những nhà thầu tư vấn tốt cả trong nước và ngoài nước, lắng nghe ý kiến nhiều chiều từ chuyên gia, nhà khoa học… trong phản biện, thẩm định quy hoạch. Kinh nghiệm cũng cho thấy các bộ, ngành, địa phương cần lập các tổ công tác về vấn đề này và các tổ giúp việc tương đối chuyên nghiệp, chuyên trách, đồng thời phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của cấp ủy, chính quyền cơ quan, địa phương.

Bên cạnh đó, theo Thủ tướng công tác thông tin, tuyên truyền cần công khai, minh bạch trong quy hoạch; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia hiện đại, thuận lợi cho việc khai thác, sử dụng chung; công tác công bố, quản lý quy hoạch đúng quy định, thực chất, chống hình thức…

Đối với các kiến nghị, đề xuất tại Hội nghị, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu, chủ động xử lý theo thẩm quyền và đề xuất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền với các vấn đề vượt thẩm quyền, dứt khoát không để ách tắc thủ tục gây ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng quy hoạch.

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, cân nhắc thêm một số vấn đề như phân vùng để tìm động lực phát triển mới cho đất nước và các khu vực, như khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ, có giải pháp để các vùng khó khăn vươn lên, xóa đói giảm nghèo, tất cả mọi người dân trên mọi miền đất nước được hưởng lợi từ sự phát triển, đồng thời cân đối, hài hòa giữa các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường… trên tinh thần không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Cùng với đó, tính toán, nghiên cứu, xây dựng quy hoạch vùng, ngành, quốc gia trong gắn kết với sự phát triển của khu vực và toàn cầu, lựa chọn vị trí "mắt xích" nào trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị để phát huy lợi thế, cơ hội, tiềm năng, nâng cao hiệu quả cạnh tranh toàn cầu của đất nước…

Quốc hội đã cho phép các quy hoạch có thể lập đồng thời, quy hoạch nào được lập, thẩm định xong trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước. Sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn. Thủ tướng yêu cầu các quy hoạch phải bảm đảm hài hòa, tổng thể, quá trình lập quy hoạch phải cập nhật, bổ sung và điều chỉnh để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ về nội dung giữa các cấp quy hoạch, tránh rời rạc, cục bộ, chia cắt, manh mún.

Nam Yên

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/thu-tuong-khong-nong-voi-trong-quy-hoach-d27945.html