Thủ tướng: Làm ngày làm đêm để giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội

Đối với kiến nghị của các địa phương về giải quyết khó khăn, vướng mắc của dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp xử lý, nội dung nào vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng để giải quyết ngay...

Sáng 27/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đi kiểm tra thực địa dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội tại vị trí giao với Đại lộ Thăng Long thuộc địa phận huyện Hoài Đức (Hà Nội).

Cùng đi với Thủ tướng có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, TP Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/8/2022 triển khai Nghị quyết 56 của Quốc hội.

Dự án gồm 7 dự án thành phần, với 3 dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) theo hình thức đầu tư công và 1 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra thực địa dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4. (Ảnh: Viết Thành).

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra thực địa dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4. (Ảnh: Viết Thành).

Dự án có tổng chiều dài khoảng 112,8 km, bao gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài-Hạ Long. Đoạn trên địa bàn Hà Nội khoảng 58,2 km, đoạn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên khoảng 19,3 km và đoạn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh khoảng 35,3 km.

Tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 28.173 tỷ đồng, ngân sách địa phương 28.193 tỷ đồng (Hà Nội 23.524 tỷ đồng, Hưng Yên 1.505 tỷ đồng, Bắc Ninh: 3.164 tỷ đồng); vốn BOT 29.447 tỷ đồng. Các cơ quan chủ quản/cơ quan có thẩm quyền gồm UBND TP Hà Nội, UBND tỉnh Hưng Yên, UBND tỉnh Bắc Ninh.

Thời gian chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Kiểm tra thực địa dự án tại vị trí giao với Đại lộ Thăng Long, thuộc địa phận xã Song Phương, huyện Hoài Đức (Hà Nội), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nghe báo cáo tình hình, tiến độ, những khó khăn, vướng mắc và các kiến nghị liên quan dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội của đại diện đơn vị tư vấn là Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), lãnh đạo TP Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên và các bộ: Giao thông Vận tải, Xây dựng...

Tại hiện trường, Thủ tướng chia sẻ những ngày cuối năm, nhiều tuyến đường của TP Hà Nội bị ùn tắc. Thậm chí vào chiều Mùng 1 Tết Nguyên đán một số tuyến đường ở trung tâm của TP Hà Nội đã ùn tắc. Do vậy, với tuyến đường Vành đai 4 ngoài việc giải tỏa lưu lượng ô tô đi qua trung tâm, còn tạo ra không gian phát triển mới cho TP Hà Nội.

Thủ tướng lưu ý các đơn vị liên quan nghiên cứu cụ thể các nút giao để khai thác quỹ đất 2 bên tuyến đường Vành đai 4, tạo không gian phát triển khu đô thị, dịch vụ, công nghiệp cho Hà Nội. Với các nút giao trên tuyến đường phải thực sự trở thành sản phẩm du lịch, cảnh quan đô thị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi, động viên người dân có đất trong diện giải phóng mặt bằng phục vụ dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tại xã Song Phương, huyện Hoài Đức. (Ảnh:Viết Thành)

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi, động viên người dân có đất trong diện giải phóng mặt bằng phục vụ dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tại xã Song Phương, huyện Hoài Đức. (Ảnh:Viết Thành)

Thủ tướng Chính phủ đề nghị TP Hà Nội, hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên tiếp tục phối hợp chặt chẽ, phát huy tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận trong nhân dân quyết tâm thực hiện xong sớm công tác giải phóng mặt bằng để khởi công dự án, phấn đấu trước tháng 6/2023, đồng thời ở cả 3 địa phương khởi công công trình đường và các cây cầu lớn trên tuyến.

Đối với kiến nghị của các địa phương về giải quyết khó khăn, vướng mắc của dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Phó Thủ tướngTrần Hồng Hà trực tiếp xử lý, nội dung nào vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng để giải quyết ngay. Các bộ, ngành liên quan phải xem xét thẩm định trả lời ngay khi nhận được văn bản kiến nghị, không máy móc câu nệ thời gian, thủ tục, phiền hà không cần thiết.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu một số định hướng giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án trước mắt và sau này, trong đó có tổng mức đầu tư dự án. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, thực hiện dự án bảo đảm chất lượng, tiến độ như Nghị quyết Quốc hội đề ra, trước hết tranh thủ sự ủng hộ của người dân, “làm ngày làm đêm” sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.

Tiếp thu ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định sẽ giải quyết, trả lời ngay ngày hôm sau khi nhận được kiến nghị liên quan. Lãnh đạo các bộ: Giao thông Vận tải, Xây dựng, Tài chính cũng khẳng định thực hiện nhiệm vụ trên tinh thần khẩn trương, tạo điều kiện nhanh nhất cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, khởi công dự án.

Chi Linh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/thu-tuong-lam-ngay-lam-dem-de-giai-phong-mat-bang-duong-vanh-dai-4-vung-thu-do-ha-noi-i681810/