Thủ tướng: Lấy người dân làm trung tâm, không hy sinh an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần

Trình bày chuyên đề tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, sáng 16/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, hội nghị này cũng là một điểm mới - hình thức truyền đạt, quán triệt Hội nghị Trung ương lần thứ 11, trong đó có các văn kiện liên quan trình Đại hội Đảng XIV.

538 lượt ý kiến góp ý về các văn kiện tại Hội nghị Trung ương 11

Theo Thủ tướng, thông thường, sau Hội nghị Trung ương 10, chúng ta tiếp thu ý kiến Trung ương, trình các văn bản thảo luận tại đại hội đảng các cấp. Tuy nhiên, từ Hội nghị Trung ương 10 đến Hội nghị Trung ương 11 có rất nhiều điểm mới, tình hình ngoài nước có những diễn biến rất nhanh, khó lường, khó định đoán... Trong nước, từ Hội nghị Trung ương 10 đến Hội nghị Trung ương 11 chúng ta làm rất nhiều việc, phù hợp với diễn biến quốc tế và tình hình trong nước: cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy; đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57; đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 59; chuyển hướng xác định tăng trưởng năm 2025 cao hơn 8%, những năm tiếp theo phải tăng trưởng 2 con số; Bộ Chính trị đang chỉ đạo, xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế quốc gia...

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú với các đại biểu dự hội nghị.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú với các đại biểu dự hội nghị.

"Thời gian thì ngắn, yêu cầu thì cao, nội dung thì phong phú, mọi việc phải kịp thời, nhanh để chúng ta triển khai, đáp ứng yêu cầu thực tiễn", Thủ tướng nói và cho rằng, những nội dung trên đòi hỏi chúng ta phải bổ sung, hoan thiện vào các văn kiện mà tại Hội nghị Trung ương 10 trước đó chưa phát sinh, chưa kịp bổ sung. Nói như vậy để thấy tính kịp thời, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Trung ương, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan, lấy thực tiễn khách quan để đo lường kết quả, là điểm mới thể hiện sự linh hoạt, nhạy bén của Đảng ta.

Thủ tướng cho biết, Tổng Bí thư Tô Lâm dự họp các Tiểu ban, liên tục chỉ đạo cập nhật tình hình. Về hình thức, chúng ta rút gọn văn kiện 3-40%, đặc biệt như Báo cáo xây dựng Đảng rút gọn hơn 50%; thay đổi rất nhiều cả về hình thức, nội dung, thể hiện tính súc tích, tính chiến đấu, xác thực, khả thi, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ hơn. Tại Hội nghị Trung ương 11, bên cạnh sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đã có 538 lượt ý kiến để hoàn thiện dự thảo các văn kiện, Trung ương đã thảo luận hết sức sôi nổi, xây dựng, xuất phát từ thực tiễn, kinh nghiệm lãnh đạo, qua quá trình trưởng thành của các đồng chí...

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày chuyên đề tại hội nghị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày chuyên đề tại hội nghị.

Chia sẻ thêm về những điểm mới trong công cuộc đổi mới của Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh bối cảnh trong nước và thế giới có nhiều thay đổi. Việt Nam xác định 3 trụ cột là xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước. "Định hướng xuyên suốt của 3 trụ cột này là lấy người dân làm trung tâm, không hy sinh an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần", Thủ tướng nhấn mạnh "tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững".

Dẫn chứng từ đầu nhiệm kỳ đến nay không có năm nào không khó khăn: đại dịch COVID-19; xung đột trên thế giới làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu; xử lý các ngân hàng yếu kém; siêu bão Yagi tàn phá đất nước và cuộc chiến tranh thương mại...song, Thủ tướng khẳng định quyết tâm thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu 5 năm 2026-2030, phấn đấu tăng trưởng GDP bình quân cho giai đoạn 2026-2030 từ 10%/năm trở lên. GDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 8.500 USD; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt khoảng 8,5%/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 40% GDP…

Thích ứng nhưng không để thua trí tuệ nhân tạo

Về những điểm mới trong dự thảo Báo cáo Chính trị, Thủ tướng cho biết, Trung ương thống nhất chủ đề Đại hội XIV là: "Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, chung sức, đồng lòng quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030; tự cường, tự tin, tiến mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc vì hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội".

Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu quan trọng nhất là tạo ra không gian phát triển mới.

Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu quan trọng nhất là tạo ra không gian phát triển mới.

Thủ tướng nhắc đến bối cảnh sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo. "Chúng ta phải thích ứng, đáp ứng được yêu cầu phát triển của trí tuệ nhân tạo nhưng không để thua trí tuệ nhân tạo".

Về phát triển đất nước trong tình hình mới, Thủ tướng cho rằng có khó khăn và cơ hội đan xen nhưng thách thức nhiều hơn. Chúng ta phải nhận định đúng để chủ động về chiến lược, theo lời Thủ tướng. Trong đó, ông nhắc đến tinh thần Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần quán triệt, đó là phải tháo gỡ về thể chế, trong đó dứt khoát phải bỏ tư duy "không quản được thì cấm", "không biết mà vẫn quản", tăng cường phân cấp, phân quyền để giải phóng toàn bộ sức sản xuất.

Thủ tướng nêu định hướng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ để có thể đứng vững trước mọi thách thức; nhấn mạnh mục tiêu điều chỉnh tăng trưởng 2 con số rất thách thức nhưng "không làm không được". Đề cập cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy và sắp xếp đơn vị hành chính ở địa phương, tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, Thủ tướng nêu mục tiêu quan trọng nhất là tạo ra không gian phát triển mới. Đây là điều rất quan trọng vì đất nước ta ngày nay phát triển nhanh, bền vững, dựa vào các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…

Quang cảnh hội trường.

Quang cảnh hội trường.

Mục tiêu chuyển trạng thái từ thụ động phục vụ nhân dân sang tích cực chủ động phục vụ nhân dân, với định hướng chính quyền phải gần dân, sát dân, hiểu dân và tăng cường cho cơ sở. Kèm với đó cần giảm khâu trung gian, giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh số hóa nền kinh tế, xã hội, công dân số… Tất cả làm trên không gian mạng thì giảm người, giảm đi lại, giảm chi phí, thúc đẩy giải quyết công việc nhanh hơn.

Về đề xuất bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất báo cáo Đại hội XIV cho phép Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV lãnh đạo, chỉ đạo, nghiên cứu tổng kết thực tiễn để đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng, Cương lĩnh Chính trị xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trình Đại hội XV của Đảng vào dịp 100 năm thành lập Đảng ta (1930-2030).

Quỳnh Vinh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/thu-tuong-lay-nguoi-dan-lam-trung-tam-khong-hy-sinh-an-sinh-xa-hoi-de-chay-theo-tang-truong-don-thuan-i765309/