Thủ tướng: Long Thành là 1 trong 16 sân bay được mong chờ nhất thế giới
Sáng 5/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát lệnh khởi công xây dựng Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành giai đoạn 1, dự án thành phần 3.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng nhấn mạnh, kết cấu hạ tầng tốt, hiện đại, kinh tế phát triển mới có thể kéo "đại bàng" đến làm tổ lâu dài. Chính vì vậy, Chính phủ luôn chú trọng việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là hàng không.
Thủ tướng cho biết, Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đánh giá từ nay đến 2030, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ phát triển hàng không cao nhất khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Nhu cầu hành khách, hàng hóa qua đường hàng không ngày càng lớn trong khi hạ tầng chưa cải thiện đang là điểm nghẽn cho phát triển. Nhiều sân bay đặc biệt là Nội Bài, Tân Sơn Nhất thường xuyên quá tải, ảnh hưởng đến môi trường, năng lực cạnh tranh của Việt Nam so với các quốc gia khác.
"Dự án Cảng HKQT Long Thành nằm trong top 16 dự án cảng hàng không được mong chờ nhất thế giới. Đây là dự án quan trọng, cũng là dự án hạ tầng có tổng mức đầu tư lớn nhất từ trước tới nay. Theo một đánh giá của tổ chức Úc, sau khi hoàn thành, Long Thành có thể đóng góp từ 3- 5% GDP", Thủ tướng cho hay.
Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của Hội đồng thẩm định nhà nước, vai trò của Bộ KH&ĐT, Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tỉnh Đồng Nai… trong việc đẩy nhanh tiến độ, thủ tục cũng như giải phóng mặt bằng cho dự án.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Ủy ban quản lý vốn tiếp tục chỉ đạo Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) triển khai dự án đúng quy định pháp luật, đảm bảo tiến độ, chất lượng, đúng thiết kế phê duyệt, không gây thất thoát vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Các chủ đầu tư các dự án thành phần còn lại gồm Bộ GTVT, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đảm bảo đúng thủ tục đầu tư, khởi công đúng tiến độ, kịp thời đồng bộ đưa dự án Long Thành giai đoạn 1 vào khai thác cuối năm 2025.
Ngoài ra, Đồng Nai, TP.HCM, các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Bộ GTVT, Bộ Xây dựng sớm xây dựng kết nối với sân bay Long Thành, gồm 3 tuyến đường bộ và 2 tuyến đường sắt.
Theo quy hoạch đã được phê duyệt, Dự án Cảng HKQT Long Thành nằm trên 6 xã của huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Dự án có diện tích 5.000ha, trong đó diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng cảng hàng không là 2.750ha, diện tích đất cho quốc phòng và xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không dùng chung quân sự và dân dụng là 1.050ha, diện tích đất cho hạng mục phụ trợ, công nghiệp hàng không và công trình thương mại khác là 1.200ha.
Tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng, tương đương hơn 16 tỷ triệu USD, được chia làm 3 giai đoạn.
Trong đó, giai đoạn 1 sẽ đầu tư 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Khi hoàn thành, Cảng HKQT Long Thành có 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách cùng với các hạng mục phụ trợ đồng bộ, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Về giao thông kết nối, Cảng hàng không quốc tế Long Thành được kết nối với các tuyến giao thông như: Tuyến số 1 kết nối cảng với quốc lộ 51, quy mô 6 làn xe; Tuyến số 2 kết nối cảng với đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, quy mô 4 làn xe và các nút giao.
Giai đoạn 1 của dự án có tổng mức đầu tư là 109.111,742 tỷ đồng, hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2025.