Thủ tướng lưu ý Hậu Giang những điều cốt lõi để phát triển

Thủ tướng nhấn mạnh Hậu Giang cần xác định thời gian tới khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi.

Ngày 17-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang và giải quyết các kiến nghị của địa phương.

Năm quan điểm phát triển

Theo báo cáo, năm 2021, GRDP trên địa bàn tỉnh tăng 3,08%, đứng thứ hai so với các các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Sáu tháng đầu năm 2022, kinh tế ở Hậu Giang đã được phục hồi tích cực và đạt mức tăng trưởng 11%, cao nhất từ trước đến nay, cao nhất vùng ĐBSCL và xếp thứ tám trong cả nước.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí Thư Tỉnh ủy Hậu Giang phát biểu tại buổi làm việc với Thủ tướng và đoàn công tác. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí Thư Tỉnh ủy Hậu Giang phát biểu tại buổi làm việc với Thủ tướng và đoàn công tác. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Kết quả triển khai chính quyền số, kinh tế số, xã hội số ở Hậu Giang được triển khai mạnh mẽ, dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4 được quan tâm xây dựng. Chỉ số PCI năm 2021 xếp hạng 38/63, chỉ số cải cách hành chính năm 2021 xếp hạng 27/63.

Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang hiện nay, quy mô kinh tế của tỉnh chỉ chiếm 4% tổng GRDP toàn vùng ĐBSCL. Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo rà soát, cắt giảm các dự án theo đúng tinh thần bố trí vốn trọng tâm, trọng điểm. Khắc phục triệt để tình trạng phân tán, kéo dài. Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, tránh tình trạng "nhà đã nghèo lại không biết tiêu tiền".

Hậu Giang cũng xác định quy hoạch là kim chỉ nam, định hướng phát triển thời kỳ 2021-2030 với quan điểm "Nhất tâm, nhị tuyến, tam thành, tứ trụ, ngũ trọng tâm". Cụ thể, "nhất tâm" là phát triển huyện Châu Thành trở thành trung tâm công nghiệp và đô thị. "Nhị tuyến" là khai thác tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với TPHCM và tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam Sông Hậu.

"Tam thành" là nâng tầm các đô thị Vị Thanh, Ngã Bảy, Long Mỹ. "Tứ trụ" là phát triển bốn trụ cột công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch. Và "ngũ trọng tâm" là hoàn thiện thể chế, chính sách; phát triển nhân lực chất lượng cao; cải cách hành chính - ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; hoàn thiện hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và công nghiệp; phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống người dân.

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét, chỉ đạo, hỗ trợ cho phép tỉnh đầu tư nâng cấp tuyến Quốc lộ 61C từ nguồn vốn vay nước ngoài phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; tách công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) thành một dự án độc lập để triển khai các dự án; phân bổ tăng thêm diện tích đất công nghiệp tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025; chuyển một phần diện tích của khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng thành rừng sản xuất để kêu gọi thu hút đầu tư; điều chỉnh giảm diện tích quy hoạch khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để chuyển sang các loại đất khác nhằm thu hút đầu tư; phát hành trái phiếu chính quyền địa phương.

Tập trung tháo gỡ hai “nút thắt”

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Hậu Giang với những thành tựu quan trọng đã đạt được.

Cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: cơ cấu kinh tế của Hậu Giang chuyển dịch còn chậm; năng suất lao động, năng lực cạnh tranh còn thấp; đầu tư còn dàn trải, hiệu quả chưa cao; hạ tầng còn chưa tương xứng tiềm năng, cơ hội, lợi thế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Thủ tướng Phạm MInh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm MInh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Tỉ trọng công nghiệp của tỉnh cũng còn thấp, tiềm năng phát triển công nghiệp vẫn chưa được khai thác tốt, chưa có ngành công nghiệp chủ lực, chủ yếu là thực phẩm và đồ uống. Phát triển doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, cơ cấu nguồn thu chưa hợp lý, cần cải thiện nhiều hơn.

Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Hậu Giang tận dụng hiệu quả mọi tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, ỷ lại. Lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá, thường xuyên.

“Suy nghĩ phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả. Thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, quyết tâm giải quyết bằng được hai nút thắt về hạ tầng và nguồn nhân lực. Tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao tầm nhìn chiến lược trong quy hoạch, phấn đấu đạt kết quả cao nhất” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng yêu cầu trên cơ sở Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021- 2030 đã được phê duyệt, Hậu Giang cần đầu tư thích đáng để đẩy nhanh, hoàn thành và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, dài hạn, ổn định, lâu dài.

Thủ tướng yêu cầu Hậu Giang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các địa phương trong vùng để đảm bảo tiến độ thực hiện các tuyến đường cao tốc, trong đó có 100 km đường cao tốc đi qua địa bàn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Hậu Giang đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Thu hút đầu tư vào sản xuất công nghiệp, năng lượng, công nghiệp thực phẩm, logistics, đẩy mạnh phát triển du lịch.

Cùng với đó, triển khai hiệu quả công tác an sinh xã hội, bảo đảm phúc lợi xã hội. Phát triển văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị, xã hội. Chú trọng quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát thực địa nút giao IC4 (thuộc tỉnh Hậu Giang), một trong chín nút giao thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cần Thơ - Cà Mau. Ảnh: CHÂU ANH

Ngoài ra, tăng cường đối thoại, đồng hành và giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả. Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Riêng đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Thủ tướng Chính phủ cơ bản nhất trí với nhiều nội dung. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan và tỉnh Hậu Giang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cách tiếp cận mới, tư duy mới để xử lý các vấn đề.

Đối với đề xuất chuyển đổi một phần diện tích sang rừng sản xuất tại khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, Thủ tướng lưu ý: "Đây là tài sản quý hiếm không những của Hậu Giang mà còn cả ĐBSCL, không chỉ có giá trị về mặt sinh thái, thiên nhiên mà còn gắn với lịch sử, truyền thống đấu tranh cách mạng hào hùng. Do đó, cần phải nâng niu, giữ gìn, có thái độ ứng xử phù hợp, bảo vệ, phát huy một cách khoa học, hiệu quả nhất, mang tính thực tiễn sâu sắc nhất, bảo vệ môi trường, sinh thái một cách nghiêm ngặt nhất. Nếu chúng ta chưa làm được gì tốt hơn thì cũng đừng làm gì ảnh hưởng xấu tới khu bảo tồn này, lá phổi xanh này".

CHÂU ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/thu-tuong-luu-y-hau-giang-nhung-dieu-cot-loi-de-phat-trien-post689535.html