Thủ tướng Merkel nghỉ hưu, 'thời kỳ hoàng kim' quan hệ Đức-Trung Quốc kết thúc?
Quan hệ Đức - Trung Quốc đã gặt hái nhiều 'quả ngọt' dưới thời Thủ tướng Angela Merkel, song liệu điều này có tái diễn sau khi bà Merkel rời nhiệm sở?
Trong hai thập niên vừa qua, quan hệ Đức - Trung Quốc trải qua không ít sóng gió, có lúc quan hệ hai nước trở nên hết sức căng thẳng. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có những điều chỉnh trong tiếp cận chính sách đối ngoại, quan hệ hai nước dường như “hái quả ngọt” trong những năm gần đây. Câu hỏi được đặt ra giờ đây là liệu quan hệ Berlin - Bắc Kinh sẽ đi về đâu sau khi bà Angela Merkel rời nhiệm sở vào tháng 9.
Thăng trầm trong quan hệ Berlin - Bắc Kinh
Một tháng sau khi bà Angela Merkel kết thúc chuyến thăm cấp nhà nước lần thứ hai tới Trung Quốc với tư cách là Thủ tướng Đức vào năm 2007, và ba tuần trước Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 17 vào tháng 10 năm đó, bà Merkel đã tổ chức lễ đón lãnh đạo tinh thần lưu vong của Tây Tạng Dalai Lama tại dinh thủ tướng ở Berlin. Động thái này được xem là "độc hại" cho quan hệ hai nước.
Chưa dừng lại ở đó, quan hệ Berlin - Bắc Kinh trở nên nguội lạnh khi Trung Quốc hủy bỏ, không tham dự đối thoại nhân quyền ở Berlin vào năm 2007. Bà Merkel cũng từ chối tham dự lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh vào tháng 8/2008. Trong các cuộc hội đàm kín của bà với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, bà Merkel cũng đề cao, lên án Bắc Kinh trong vấn đề nhân quyền.
Tuy nhiên, quan hệ hai nước đã được cải thiện trong những năm qua, thông qua các chuyến thăm của bà Merkel. Không có nhà lãnh đạo phương Tây nào đến Trung Quốc nhiều lần như bà Merkel - 12 lần trong 16 năm giữ chức thủ tướng. Cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo từng mô tả bà Merkel là chính trị gia mà ông tin tưởng nhất, “vì luôn nói sự thật”.
Là một phần trong chính sách đối ngoại của Thủ tướng Angela Merkel, năm 2010, Đức trở thành quốc gia EU đầu tiên thiết lập các cuộc tham vấn và trao đổi cấp nội các thường niên với Bắc Kinh trên một loạt vấn đề từ kinh tế, quân sự và an ninh, cho đến nhân quyền.
Tháng 10/2016, quân đội Đức và Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận chung tại Trùng Khánh - cuộc tập trận đầu tiên được tổ chức tại Trung Quốc với một thành viên lớn của EU. Một cuộc tập trận chung tương tự cũng đã diễn diễn ra ở Đức vào năm 2019.
Trong suốt nhiệm kỳ của mình, bà Merkel đã theo đuổi các mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Bắc Kinh trong khi cố gắng tách biệt các vấn đề gây tranh cãi. Thậm chí, mối quan hệ giữa Đức và Trung Quốc cũng dẫn dắt và định hình quan hệ giữa Trung Quốc và EU - nơi bà Merkel là nhân vật chính trị có ảnh hưởng nhất trong khối.
Xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc đã tăng lên 112 tỷ USD vào năm 2020, tăng gấp 5 lần so với năm 2005 khi bà Merkel nhậm chức. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức kể từ năm 2016. Đức cũng đứng đầu bảng xếp hạng về chuyển giao công nghệ nước ngoài cho Trung Quốc, với tổng số 88,9 tỷ USD tính đến tháng 7 năm ngoái.
Tương lai nào cho quan hệ Berlin - Bắc Kinh thời hậu Merkel?
Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) hồi tháng 1, bà Merkel tán thành lời kêu gọi của ông Tập Cận Bình nhằm tránh một cuộc chiến tranh lạnh mới bằng cách gạt sang một bên những khác biệt về ý thức hệ. Bà từ chối chọn bên trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung, chỉ dừng lại ở cam kết gây sức ép với Bắc Kinh về nhân quyền và sự minh bạch.
Mối quan hệ giữa Đức và Trung Quốc dấy lên báo động ngày càng tăng ở châu Âu về sự tin tưởng quá mức có thể xảy ra đối với Bắc Kinh. Năm 2016, Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức đã chấp thuận để tập đoàn điện máy gia dụng Midea của Trung Quốc thâu tóm nhà sản xuất robot Kuka của nước này. Điều này được xem như một lời cảnh tỉnh, khiến EU phải thắt chặt giám sát hơn về đầu tư công nghệ, nhất là Trung Quốc. Dư luận ở châu Âu cũng quay lưng lại với Trung Quốc sau đại dịch COVID-19 và sự quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh.
Bất chấp những khó khăn, khi Đức đảm nhận vị trí Chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu vào nửa cuối năm 2020, bà Merkel đã dẫn đầu các cuộc đàm phán về thỏa thuận đầu tư mang tính bước ngoặt giữa Brussels và Bắc Kinh và nỗ lực thúc đẩy việc ký kết thỏa thuận này vào cuối tháng 12.
Tuy nhiên, thỏa thuận này đã rơi vào bế tắc sau khi quan hệ giữa Trung Quốc và EU xuống mức thấp kỷ lục hồi tháng 3. Brussels và Bắc Kinh tung ra các đòn trừng phạt lẫn nhau sau liên quan đến việc EU tuyên bố Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.
Mặc cho làn sóng chỉ trích gần đây ở phương Tây về chính sách thân thiện của bà Merkel với Trung Quốc, nhiều quan chức, dư luận ở Trung Quốc dành sự đánh giá cao cho bà, coi bà là một trong số ít các nhà lãnh đạo nước ngoài hiểu rõ về nước này.
Wang Yiwei, giáo sư nghiên cứu châu Âu tại Đại học Renmin (Trung Quốc), cho biết: “Bà Merkel có cách tiếp cận ổn định, cân bằng và thực dụng trong việc đối phó với Trung Quốc và quản lý không để mối quan hệ bị gián đoạn bởi sự khác biệt về ý thức hệ. Điều này được Trung Quốc chấp nhận và đánh giá cao”.
Theo các nhà quan sát, với việc bà Merkel sắp rút lui khỏi cuộc sống chính trị sau cuộc bầu cử ở Đức vào ngày 26/9, Trung Quốc đang chứng kiến sự kết thúc của “kỷ nguyên vàng” trong quan hệ song phương với Đức. Giờ đây, Bắc Kinh sẽ phải chuẩn bị cho những bất ổn trong quan hệ với Đức nói riêng và Liên minh châu Âu (EU).
“Trung Quốc có thể không bao giờ gặp lại một nguyên thủ như bà Merkel”, chuyên gia Wang Yiwei cho hay.
Cui Hongjian, Giám đốc Nghiên cứu châu Âu tại Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, cho biết tình cảm thân Mỹ, đối đầu với Trung Quốc sẽ bóp nghẹt không gian ngoại giao của Berlin, dẫn đến sự mất cân bằng trong chính sách đối ngoại của nước này.
“Có thể những xung đột vốn được gạt sang một bên dưới thời bà Merkel có thể bùng phát trở lại. Thời kỳ ổn định trong quan hệ song phương đã qua. Trước mắt, những xung đột trong chính trị và ngoại giao giữa Đức và Trung Quốc ngày càng gia tăng, điều này đòi hỏi Trung Quốc phải tập trung nhiều nỗ lực hơn trước để giải quyết”, ông Cui Hongjian nói.
“Trong 16 năm qua, Đức và Trung Quốc đã có sự khôn ngoan trong quản lý các xung đột, đồng thời tìm cách giải quyết tốt các vấn đề, hạn chế các tác động, làm xói mòn hợp tác kinh tế giữa hai bên”, chuyên gia Cui Hongjian cho hay.
Trước khi rời nhiệm sở, Thủ tướng Merkel bắt đầu một loạt các chuyến thăm có ý nghĩa như “lời chào chia tay” đến Anh và Mỹ vào tháng 7. Theo dự kiến, bà sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moskva vào 27/8, trước khi hội đàm với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 29/8.
Tuy nhiên, SCMP dẫn nguồn tin cho hay, Trung Quốc không có tên trong danh sách các chuyến công du “chào tạm biệt” của bà Merkel sau khi hai bên vẫn bất đồng trong nhiều vấn đề, nhất là việc kiểm soát dịch COVID-19, nguyên nhân bùng phát dịch bệnh.
Theo chuyên gia Cui Hongjian, Trung Quốc không nên thụ động trong quan hệ với EU. Vị này nhận định, nước Đức thời kỳ hậu bà Merkel sẽ không đóng vai trò ảnh hưởng đến quan hệ Trung Quốc - EU như trước đây.
“Trung Quốc nên tăng cường quan hệ với các quốc gia EU lớn khác, giống như những gì Bắc Kinh đã làm với Berlin dưới thời bà Merkel. Trung Quốc cần tìm ra cách thức tốt hơn để đối phó với EU. Bắc Kinh cũng tìm cách duy trì các trao đổi trên mặt trận chính trị và ngoại giao, không để ảnh hưởng tiêu cực đến hợp tác kinh tế”, ông Cui Hongjian nhận định.