Thủ tướng Modi: Ấn Độ sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để trở thành cường quốc bán dẫn

Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm Semicon India diễn ra tại ngoại thành thủ đô New Delhi, ngày 11/9, Thủ tướng Narendra Modi cho biết: 'Đây là thời điểm thích hợp để lĩnh vực bán dẫn có mặt tại Ấn Độ'.

Các công nhân làm việc tại nhà máy lắp ráp điện thoại thông minh của Dixon Technologies tại Uttar Pradesh, Ấn Độ. (Nguồn: CNBC)

Các công nhân làm việc tại nhà máy lắp ráp điện thoại thông minh của Dixon Technologies tại Uttar Pradesh, Ấn Độ. (Nguồn: CNBC)

Thủ tướng Modi đưa ra phát biểu trên trước một lượng lớn khách mời từ các công ty chip hàng đầu thế giới.

"Ấn Độ sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để trở thành cường quốc bán dẫn", Thủ tướng nhấn mạnh.

Semicon India triển lãm đầu tiên tại Ấn Độ được Hiệp hội Thương mại bán dẫn quốc tế (SEMI) tổ chức. Hơn 250 công ty trong nước và quốc tế đã tham gia sự kiện, nhờ vào các gói ưu đãi từ Chính phủ lên đến 760 tỷ rupee (tương đương 9 tỷ USD) nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước.

Ấn Độ là quốc gia thứ tám tổ chức sự kiện này, sau Mỹ, Nhật Bản và một số quốc gia châu Âu.

Trước lễ khai mạc, ông Modi đã gặp gỡ các đại diện của các công ty bán dẫn như Micron Technologies của Mỹ và nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip Tokyo Electron.

Thủ tướng Modi đã từng viết trên nền tảng mạng xã hội X rằng, Ấn Độ đang hướng tới việc "trở thành trung tâm" của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Tata Electronics, thuộc tập đoàn Tata Group của Ấn Độ, đã công bố một loạt kế hoạch hợp tác với Tokyo Electron và công ty sản xuất thiết bị bán dẫn ASMPT của Bồ Đào Nha để thúc đẩy sản xuất bán dẫn.

Công ty Powerchip Semiconductor Manufacturing Corp. của Đài Loan (Trung Quốc), cũng hợp tác với Tata, có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất chip đầu tiên tại Ấn Độ. Trong khi đó, Micron cũng đã công bố kế hoạch xây dựng cơ sở sản xuất bán dẫn tại nước này.

Cơ sở hạ tầng là yếu tố quan trọng đối với sản xuất chip. Các nhà máy chế tạo thường sử dụng hàng trăm thiết bị hoạt động liên tục, tiêu tốn lượng điện khổng lồ.

Ngoài ra, hệ thống logistics đảm bảo nguồn cung vật liệu và hóa chất ổn định cũng rất cần thiết.

Ông Jun Okamoto, đối tác tại KPMG FAS, nhận định: "Ấn Độ có cơ sở hạ tầng điện và nước kém, đây là điều hết sức quan trọng đối với ngành công nghiệp bán dẫn. Thách thức khác của nước này sẽ là việc giữ chân những tài năng công nghệ thông tin hàng đầu, những người có xu hướng tìm việc ở nước ngoài".

Đối với các công ty trên toàn thế giới, nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng bán dẫn của Ấn Độ đang mang lại nhiều cơ hội thương mại.

Đơn cử như Tập đoàn vận tải mặt đất Nippon Express Holdings của Nhật Bản sẽ triển khai các dịch vụ tại Ấn Độ từ hoạt động kho bãi đến các giải pháp logistics cho việc xây dựng nhà máy. Nippon Express Holdings đã mở gian hàng tại Semicon India nhằm cung cấp dịch vụ logistics cho các nhà sản xuất chip.

Ông Teruaki Nagoya, đại diện của Nippon Express Holdings tại Ấn Độ nhận định: "New Delhi đang ở năm đầu tiên phát triển bán dẫn. Chúng tôi đặt mục tiêu trở thành nước dẫn đầu trong logistics bán dẫn, dựa trên kinh nghiệm tại tỉnh Kumamoto, Nhật Bản, nơi tập đoàn TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) đã mở rộng, và tại Hokkaido, nơi Rapidus đang xây dựng nhà máy bán dẫn".

(theo Nikkei Asia)

Việt An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thu-tuong-modi-an-do-se-lam-bat-cu-dieu-gi-can-thiet-de-tro-thanh-cuong-quoc-ban-dan-285987.html