Thủ tướng mong muốn ĐH Kinh tế Quốc dân hướng tới tầm nhìn, sứ mệnh lớn
Đề nghị Đại học Kinh tế Quốc dân xem xét lại tầm nhìn và sứ mệnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề: 'Nếu trong mấy thập kỷ tới trường mới được xếp vào nhóm 1.000 trường hàng đầu thế giới thì có thực hiện nổi sứ mệnh lớn như đã đặt ra?'
Câu hỏi được người đứng đầu Chính phủ nêu lên khi dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm 60 năm Đại học Kinh tế Quốc dân (ĐHKTQD) sáng 12/11. Đây cũng là mái trường mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng học tập, rèn luyện trong thời gian từ năm 1973 đến năm 1977.
Phát biểu tại buổi lễ, nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Thủ tướng trước hết gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc tới các thế hệ thầy giáo, cô giáo. Ông cũng bày tỏ vui mừng, xúc động gặp lại những người thầy, những người bạn cũ và gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các thế hệ thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên và toàn thể học viên, sinh viên của trường.
Cách đây 60 năm, Đại học Kinh tế Quốc dân được Chính phủ thành lập với tên gọi Trường Kinh tế-Tài chính, với sứ mệnh là trường đại học đầu tiên đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế, nghiên cứu khoa học, tư vấn, phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế của đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, trong 60 năm qua, các thế hệ thầy giáo, cán bộ, nhân viên, sinh viên, nghiên cứu sinh của Trường đã nỗ lực, chủ động và sáng tạo trong thực hiện sứ mệnh này, viết nên truyền thống vẻ vang, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trường đã được xác định là trường trọng điểm quốc gia, trường đầu ngành trong khối các trường đại học kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh ở Việt Nam. Trường cũng từng bước tạo được vị thế trong khu vực và trên thế giới.
Cần ước mơ lớn hơn và bước đi táo bạo
Theo Thủ tướng, bối cảnh hội nhập quốc tế càng sâu rộng, khoa học công nghệ phát triển rất nhanh cùng với làn sóng công nghiệp lần thứ tư đang mở ra cho chúng ta những cơ hội to lớn và cả những thách thức đan xen. Thế giới đang chuyển mạnh sang kinh tế tri thức, trong đó tri thức và sáng tạo là yếu tố cơ bản quyết định sức mạnh và khả năng cạnh tranh của mỗi quốc gia. Khoảng cách phát triển giữa Việt Nam với các nước tiên tiến sẽ ngày càng xa hơn nếu chúng ta không có những đột phá để nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực.
Đề cập tới tầm nhìn và sứ mệnh của trường, Thủ tướng nhắc tới câu nói của Goethe, danh nhân thế kỷ thứ 18: Điều lớn lao nhất trên thế gian này không phải là chỗ chúng ta đang đứng, mà là hướng chúng ta đang đi.
“Tôi đồng ý với định hướng của trường là phấn đấu nằm trong 1.000 đại học hàng đầu thế giới. Nhưng thời gian phải nhanh hơn, vì thời gian không chờ đợi ai. Nếu trong mấy thập kỷ tới mà mới phấn đấu để được xếp vào nhóm 1.000 trường hàng đầu thì chúng ta có thực hiện nổi sứ mệnh lớn như đã đặt ra?”, Thủ tướng nêu vấn đề.
Thủ tướng cho biết cách đây vài ngày, khi ông tiếp Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, phía Nhật đã cam kết sẽ cùng Việt Nam xây dựng Đại học Việt-Nhật (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) thành đại học hàng đầu không phải chỉ của Việt Nam và mà của cả châu Á.
“Với tư cách một cựu sinh viên và là Thủ tướng Chính phủ, tôi đề nghị các đồng chí xem xét lại tầm nhìn và sứ mệnh của ĐHKTQD. Chúng ta cần có ước mơ lớn hơn và những bước đi táo bạo”, Thủ tướng nói và yêu cầu lãnh đạo trường lắng nghe ý kiến các em sinh viên, khuyến khích những ý tưởng phản biện, các đóng góp của các cựu sinh viên, các chuyên gia, nghiên cứu cách làm của những đại học tiên tiến của châu Á và thế giới.
Đi đầu trong xây dựng quốc gia khởi nghiệp
Nhân dịp này, Thủ tướng cho rằng có 4 nội dung mà các đại học của Việt Nam cần hướng tới.
Trước hết, trường đại học hiện đại phải quan tâm đồng thời cả tri thức khoa học, phương pháp tự nghiên cứu và các kỹ năng mềm; tổ chức nhiều hoạt động gắn với những tình huống thực tiễn, giúp sinh viên phát huy sáng tạo, trải nghiệm để trưởng thành về trí tuệ, năng lực, hành động.
Thứ hai, trường đại học phải đào tạo theo nhu cầu xã hội và gắn với thực tiễn xã hội. Trường phải đào tạo đúng các ngành nghề mà xã hội có nhu cầu ở hiện tại và tương lai. Sinh viên tốt nghiệp ra trường có khả năng tìm việc làm và tạo việc để giúp người khác. Các trường đại học phải đào tạo ra sản phẩm có chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế, trước hết là hội nhập cộng đồng ASEAN.
Thứ ba, trường đại học đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đổi mới tư duy dạy và học, thay đổi phương thức cung cấp kiến thức cho người học, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của người học.
Thứ tư, tổ chức cung ứng dịch vụ đào tạo theo hướng tự chủ - cơ chế quản trị của hầu hết đại học trên thế giới. Xu hướng chung là chuyển dịch quản trị đại học từ Nhà nước kiểm soát sang Nhà nước giám sát và giao tự chủ toàn diện.
Nhắc lại chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước là luôn coi trọng công tác phát triển nguồn nhân lực, Thủ tướng nhìn nhận, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về giáo dục và đào tạo nói chung, giáo dục đại học nói riêng, nhưng giáo dục đại học vẫn còn nhiều hạn chế, đòi hỏi phải có đổi mới mạnh mẽ.
“ĐHKTQD cũng như các trường đại học khác không được tự hài lòng với những gì đã đạt được, mà phải chủ động vươn lên với tinh thần quyết tâm, đột phá”, Thủ tướng phát biểu.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị ĐHKTQD nghiên cứu một số nội dung có tính định hướng.
Trước hết, phát triển trường gắn với mục tiêu xây dựng quốc gia khởi nghiệp. Thủ tướng mong muốn trường sẽ là một trong những đơn vị đi đầu và có đóng góp thiết thực tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp, xây dựng quốc gia khởi nghiệp.
Hai là, triển khai thực hiện thành công mô hình trường đại học công lập tự chủ - một chìa khóa để nâng cao chất lượng giáo dục, là yếu tố quan trọng thúc đẩy đổi mới quản trị trường. Chính phủ, Thủ tướng luôn lắng nghe ý kiến các trường đại học, nghiên cứu hoàn thiện thể chế, xác định các bước đi phù hợp, thực hiện tự chủ đại học đúng với bản chất và đạt hiệu quả cao.
Ba là, nâng cao chất lượng đào tạo đại học và sau đại học. Gắn kết chương trình đào tạo đại học, kết quả nghiên cứu khoa học của học viên, sinh viên với thực tiễn cuộc sống và nhu cầu xã hội.
Bốn là, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học và tư vấn, phấn đấu trở thành đại học định hướng nghiên cứu. “Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ quản lý kinh tế, một số địa phương điểm sẽ đề nghị ĐHKTQD và một số trường đại học nghiên cứu một số đề án cấp quốc gia và cấp vùng phục vụ phát triển bền vững đất nước”, Thủ tướng cho biết.
Thủ tướng cũng khẳng định, ông đặt niềm tin lớn vào thế hệ trẻ, các sinh viên Việt Nam và các du học sinh ở nước ngoài. Ông mong các sinh viên và thế hệ trẻ thi đua học tập giỏi, rèn luyện đạo đức tốt, tích lũy được nhiều kiến thức, không ngừng nêu cao tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc, có những ước mơ, hoài bão lớn về tương lai, chuẩn bị thật tốt hành trang để vào đời, quyết tâm khởi nghiệp.
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ hai cho ĐHKTQD. Thủ tướng cũng tặng nhà trường bức ảnh nguyên Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng – nguyên Hiệu trưởng danh dự của trường.
Theo GS. TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng ĐHKTQD, trường xác định sứ mệnh là cung cấp cho xã hội các sản phẩm đào tạo, nghiên cứu khoa học, tư vấn, ứng dụng và chuyển giao công nghệ chất lượng cao, có thương hiệu và danh tiếng, đạt đẳng cấp khu vực và quốc tế về lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới.
Về tầm nhìn, ĐHKTQD phấn đấu phát triển thành trường đại học đa ngành theo định hướng nghiên cứu, đạt chất lượng đẳng cấp khu vực và quốc tế trong lĩnh vực quản lý kinh tế, quản trị kinh doanh và một số lĩnh vực mũi nhọn khác; phấn đấu trong những thập kỷ tới, trường được xếp trong số 1.000 trường đại học hàng đầu trên thế giới.