Thủ tướng mong muốn TP. Hồ Chí Minh giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế
Sáng 10/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với TP. Hồ Chí Minh về kết quả kinh tế - xã hội và thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15.
TP. Hồ Chí Minh giữ vững vai trò đầu tàu
Tham dự buổi làm việc có Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tập trung vào những vấn đề trọng tâm, thẳng thắn nêu rõ những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, đồng thời đóng góp ý kiến để nâng cao chất lượng các công việc đã và đang thực hiện tốt.
Thủ tướng nhấn mạnh rằng điều quan trọng nhất là phải xác định rõ trọng tâm trong thời gian tới, nhằm đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy các động lực tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn.
Đặc biệt, Thủ tướng khẳng định vai trò đầu tàu của TP. Hồ Chí Minh trong việc đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước, với GRDP của TP. Hồ Chí Minh tăng 1% sẽ góp phần tăng trưởng GDP cả nước 0,18%, và đóng góp từ 27 - 30% thu ngân sách quốc gia.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu hội nghị cũng cần thảo luận những vướng mắc, khó khăn để tìm hướng tháo gỡ. Thủ tướng đánh giá hiện nay còn nhiều vướng mắc về thể chế, nhưng cần quyết tâm chính trị cao để tháo gỡ. Vừa qua, Chính phủ quyết liệt dùng một luật để sửa nhiều luật và việc này đang được đẩy mạnh trong thời gian tới. “Hội nghị cần tập trung đưa ra các đánh giá khách quan, trung thực, rút ra bài học kinh nghiệm để chỉ đạo, lãnh đạo tốt hơn” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng ước tăng 6,46% so với cùng kỳ, cao nhất từ năm 2020 đến nay, đóng góp 19,64% vào tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Trong 7 tháng, các lĩnh vực kinh tế tiếp tục đạt kết quả tích cực, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,6%; kim ngạch xuất khẩu ước tăng 10%; kim ngạch nhập khẩu tăng 5,9%; Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 6,2% so với cùng kỳ…
Chuyển động bộ máy chính quyền thành phố có nhiều tích cực. Thành phố tổ chức đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, tập trung tìm cách tháo gỡ các dự án vướng mắc pháp lý để triển khai thực hiện bước đầu mang lại kết quả.
Thành phố đã trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh) để thực hiện rà soát hồ sơ Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được tiếp thu, giải trình theo Báo cáo thẩm định quy hoạch; đã hoàn thiện Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn 2060 trình Bộ Xây dựng.
Về kết quả thực hiện của 22 nhóm chỉ tiêu kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, ước thực hiện có 9 chỉ tiêu dự kiến đạt; có 5 chỉ tiêu phấn đấu đạt; có 8 chỉ tiêu khó đạt. UBND thành phố đang tập trung nguồn lực, đẩy nhanh thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp, phấn đấu đến cuối năm 2025 hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm kỳ.
Đạt nhiều kết quả thực hiện Nghị quyết 98
Báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15, ông Phan Văn Mãi cho biết, TP. Hồ Chí Minh đã ưu tiên bố trí 2.796 tỷ đồng cho Chương trình giảm nghèo năm 2023 và đã giải ngân đạt 100% cho gần 39.000 khách hàng. Năm 2024, thành phố bố trí 998 tỷ đồng cho Chương trình giảm nghèo và đã giải ngân đạt tỷ lệ 100% cho 13.658 lượt khách hàng vay vốn thuộc Chương trình giảm nghèo; đã bố trí 1.500 tỷ đồng vốn đầu tư công để hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư tài chính nhà nước thành phố cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội; đã bố trí 2.900 tỷ đồng cho Dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài; đã ban hành danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư, ngành văn hóa và thể thao với 23 dự án (tổng mức đầu tư 22.394 tỷ đồng).
Thành phố quy định hệ số chi thu nhập tăng thêm tối đa là 1,5 lần so với tiền lương ngạch bậc, chức vụ; và mức chi thu nhập tăng thêm theo mức tiền cụ thể với mức chi tối đa là 3 triệu đồng/biên chế có mặt/tháng đối với một số cơ quan Trung ương trên địa bàn thành phố .
Thành phố đã thành lập và đưa vào hoạt động: Sở An toàn thực phẩm TPHCM và Trung tâm Chuyển đổi số TP; bố trí thêm 1 Phó Chủ tịch HĐND và 1 Phó Chủ tịch UBND và hình thành bộ máy hoàn thiện TP. Thủ Đức; 1 Phó Chủ tịch UBND cho 3 huyện (Cần Giờ, Nhà Bè, Hóc Môn) và 51/52 Phó Chủ tịch UBND đối với 51/52 phường, xã, thị trấn có quy mô dân số từ 50.000 nghìn người trở lên; đã giao số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại phường, xã, thị trấn thuộc thành phố giai đoạn từ năm 2024 đến năm 2026 với tổng số cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã, thị trấn là 7.037 người.
Trong thời gian tới, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục hoàn thiện các chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược, ban hành quyết định hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội; Kế hoạch thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD); Đề án thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon; ban hành Quy định về trình tự, thủ tục và kế hoạch thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với các diện tích đất thuộc quỹ đất do Nhà nước quản lý thuộc trường hợp sắp xếp lại, xử lý tài sản công đã được xác định tại hợp đồng BT để thanh toán cho nhà đầu tư,…
TP. Hồ Chí Minh tập trung chuẩn bị một số đề án, dự án trọng điểm: Đề án phát triển Hệ thống đường sắt đô thị TP, Đề án xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại TP; Cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Mở rộng đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; Cảng Trung chuyển quốc tế Cần Giờ,…