Thủ tướng: Năng suất lao động là thước đo để đánh giá trình độ phát triển giữa các quốc gia
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, năng suất lao động là một trong những thước đo để đánh giá, so sánh trình độ phát triển giữa các quốc gia, cũng như giữa các lĩnh vực, địa phương trong từng quốc gia.
Sáng nay (26/5), Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024” do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phối hợp với Chính phủ tổ chức, diễn ra tại Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel) – đơn vị điển hình về nâng cao năng suất lao động.
Tham dự diễn đàn có Thủ tướng Phạm Minh Chính; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu; Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh.
Ngoài ra, diễn đàn còn có sự tham dự của lãnh đạo MTTQ, một số ban Đảng, Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo một số địa phương, một số DN… và đông đảo các công đoàn viên đến từ nhiều doanh nghiệp trong cả nước.
Tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ phát biểu, truyền thông điệp về nâng cao năng suất lao động đối với người lao động cũng như doanh nghiệp cả nước.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, nhân dịp Tháng Công nhân năm 2024 và hướng tới kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 – 28/7/2024), Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024”.
Diễn đàn là cơ hội để các cán bộ công đoàn, đoàn viên, công chức, viên chức, công nhân lao động phát huy vai trò và trách nhiệm trong đề xuất, kiến nghị, hiến kế các giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia.
Đây cũng là dịp để cán bộ công đoàn, công chức, viên chức, công nhân lao động cùng các chuyên gia, nhà quản lý, chủ doanh nghiệp trao đổi, thảo luận về thực trạng năng suất lao động Việt Nam, nguyên nhân, điểm nghẽn của năng suất lao động và đề xuất, kiến nghị các giải pháp, trong đó có giải pháp phát huy vai trò của người lao động trong nâng cao năng suất lao động quốc gia.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam mong nhận được sự chia sẻ, đánh giá từ người đứng đầu Chính phủ. Ông cũng đề nghị các đại biểu thảo luận tập trung vào các giải pháp khả thi để nâng cao năng suất lao động quốc gia.
Tiếp theo là những tham luận và trao đổi tại diễn đàn:
Lấy ngành chế biến chế tạo làm động lực thúc đẩy năng suất lao động
TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Dự báo và Phân tích kinh tế - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ một số thông tin vĩ mô về năng suất lao động của Việt Nam.
Theo ông Tú Anh, năng suất lao động quốc gia là thước đo hoạt động kinh tế của quốc gia. Theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới, năng suất lao động của Việt Nam trong năm 2022 là 20,4 nghìn USD, chỉ bằng 11,4% mức của Singapore; 35,4% của Malaysia; 64,8% của Thái Lan; 79% của Indonesia…
Tuy nhiên, nhìn kỹ vào cơ cấu kinh tế Việt Nam thì phần lớn người lao động Việt Nam làm việc trong khu vực phi chính thức và hộ gia đình. Số lượng người lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp chỉ chiếm 29,2% lao động làm việc trong năm 2022. Mặc dù vậy, số lao động này lại tạo ra 60% GDP cho nền kinh tế, trong đó khu vực tư nhân là 10%, khu vực doanh nghiệp FDI là 20%...
“Với số lượng lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp tạo ra 60% GDP cho nền kinh tế, ta thấy năng suất lao động của người lao động trong doanh nghiệp Việt Nam tạo ra 53.582 USD/người. Như vậy bằng khoảng 30% so với Singapore, chứ không phải bằng 11,4%”, ông nhấn mạnh.
Để nâng cao năng suất lao động quốc gia, Vụ trưởng Vụ Dự báo và Phân tích kinh tế cho rằng, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận nguồn lực như đất đai, vốn, tri thức, lao động, giảm chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước để phát triển nhanh hơn số lượng doanh nghiệp và tăng quy mô của doanh nghiệp.
Trọng tâm của chính sách kinh tế giai đoạn 2021-2030 nên tập trung vào ngành chế biến chế tạo vì đây là động lực thúc đẩy năng suất lao động cả nền kinh tế. Chỉ khi năng suất lao động của ngành này tăng lên thì mới có thu nhập tăng thêm để chi tiêu cho ngành dịch vụ. Qua đó làm tăng năng suất lao động ngành dịch vụ, hay nói cách khác năng suất lao động ngành dịch vụ là phái sinh theo ngành chế biến chế tạo.
Cùng với đó là thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất lao động nội ngành như hỗ trợ hình thành nên các doanh nghiệp lớn, những "sếu đầu đàn" dựa trên tiềm lực hiện có của doanh nghiệp hiện nay. Việc này nhằm dẫn dắt ngành phát triển theo một chuỗi cung ứng do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ như sản xuất ô tô, điện tử, công nghệ thông tin, ngân hàng tài chính, chế biến nông lâm thủy sản, thép…
Đồng thời, thúc đẩy chuyển dịch lao động từ khu vực có năng suất lao động thấp sang khu vực có năng suất lao động cao, từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức bằng các giải pháp như: Chăm lo tốt hơn cho cuộc sống người lao động bằng các chính sách nhà ở xã hội; hỗ trợ không phân biệt hộ khẩu cho con em công nhân lao động trong học tập, tiếp cận, dịch vụ y tế…
Ông Tú Anh cũng lưu ý việc nâng cao vai trò của Công đoàn để thực sự là chỗ dựa của người lao động trong ổn định cuộc sống nơi di cư đến; xử lý hài hòa vấn đề quan hệ lao động; đảm bảo lợi ích chính đáng cho người lao động nhưng cũng đảm bảo lợi ích lâu dài cho nhà đầu tư.
Chị Phùng Thị Hạnh, công nhân Xí nghiệp Sơ mi Hà Nội - Tổng Công ty May 10chia sẻ suy nghĩ về việc học tập nâng cao trình độ của người lao động.
Nhớ lại thời điểm năm 2010, chị Hạnh cho biết, khi tròn 18 tuổi bước chân vào May 10, chị rất vui nhưng cũng rất lo lắng và bỡ ngỡ.
“Là công nhân mới, chưa từng qua trường lớp đào tạo, tôi rất ngưỡng mộ các cô chú anh chị đi trước. Tôi tự nhủ, nhất định sẽ phải làm được như thế và hơn thế. Tôi ý thức mình cần phải quan sát và học hỏi mỗi ngày, lúc nào cũng đau đáu suy nghĩ: Làm thế nào để tăng năng suất, nâng cao tay nghề”, chị Hạnh cho biết.
Từ những ngày đầu được 200-300 sản phẩm/ngày, sau 5 tháng chị Hạnh đã may được 700-800 sản phẩm/ngày.
“Nhưng với tôi, như vậy vẫn chưa đủ. Tôi luôn cảm thấy có thể làm được nhiều hơn thế. Vậy nên, tôi đã học cách kiểm soát thời gian với mục tiêu năng suất giờ sau phải tăng hơn giờ trước ít nhất 5%. Hơn 1 năm sau, tôi đã là người dẫn đầu về năng suất tại đơn vị với 1.400 sản phẩm/ngày, đạt 150% so với đồng nghiệp cùng công đoạn”, chị nói.
Đến nay chị Hạnh luôn là công nhân đạt năng suất và thu nhập cao hàng đầu của Xí nghiệp, nhiều năm liền đạt Lao động giỏi, Đoàn viên công đoàn xuất sắc, danh hiệu Chiến sĩ thi đua và Công nhân tiêu biểu.
Chị Hạnh cũng chủ động chia sẻ, hướng dẫn và lan tỏa những cách làm hay đúc rút được cho bạn bè đồng nghiệp.
Tại diễn đàn, chị Hạnh nêu một số ý kiến đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành. Cụ thể là Chính phủ cần nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ công tác đào tạo cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, đặc biệt là lao động mới.
“Từ thực tế hoạt động tại May 10, người lao động chúng tôi thấy rằng, doanh nghiệp có trường mầm non, có trung tâm y tế, có trường cao đẳng nghề May 10 sẽ giúp cho người lao động có đủ điều kiện để phát triển bản thân, yên tâm công tác góp phần tăng năng suất lao động.
Chúng tôi mong muốn Chính phủ có chính sách để nhân rộng mô hình này cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ”, chị Hạnh kiến nghị.
Đặt tổ chức kỷ luật và tác phong công nghiệp lên hàng đầu
Ông Mai Thiên Ân, Trưởng phòng sản xuất Công ty Intel Products Việt Nam (TP.HCM) cho rằng, rèn luyện tác phong công nghiệp, nâng cao ý thức, kỷ luật của người lao động là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao năng suất lao động, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra yêu cầu cao về chuyên môn hóa và tuân thủ quy trình trong quá trình sản xuất.
Doanh nghiệp muốn nâng cao chất lượng sản phẩm và thương hiệu đòi hỏi người lao động phải có trình độ học vấn, tay nghề, kỹ năng mềm và ý thức lao động tốt. Người lao động muốn nâng cao thu nhập cho bản thân phải có kỹ năng nghề nghiệp, thái độ, ý thức và tác phong tốt.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn nhiều người lao động chưa thực sự quan tâm và đặt việc rèn luyện, nâng cao ý thức, tổ chức kỷ luật và tác phong công nghiệp lên hàng đầu.
Một số vấn đề chung thường thấy là: Mặc dù là công ty đa quốc gia, nhưng với nhân sự phần đông là người Việt Nam, Công ty Intel Products Việt Nam cũng gặp một số tồn tại về ý thức, tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp tương tự những doanh nghiệp khác.
Để khắc phục, ông Ân cho biết, công ty đã rèn luyện tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động cho nhân viên thông qua nhiều hoạt động.
Cụ thể: Tổ chức đào tạo và chia sẻ kiến thức về pháp luật, nội quy lao động, quy định của công ty cho người lao động, đào tạo kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động; tổ chức gặp mặt, đối thoại với người lao động để lắng nghe, phản hồi đầy đủ các ý kiến đóng góp.
Công ty cũng chia sẻ và nhắc nhở các tình huống thực tế về tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động, giúp người lao động hiểu và có thể áp dụng thực tế trong công việc.
Ngoài ra, công ty tuyên truyền và biểu dương, khen thưởng công khai với các điển hình tốt; xây dựng quy trình hỗ trợ và hệ thống kiểm soát tuân thủ kỷ luật trong công việc…
Để nâng cao năng suất lao động, ông Ân kiến nghị cần có thêm các hình thức giảng dạy, trang bị tác phong công nghiệp cho người lao động ngay từ khi họ còn ngồi trên ghế nhà trường; xem xét hướng nghiệp phù hợp vì mỗi nghề nghiệp khác nhau cần có tác phong công nghiệp khác nhau.
Ngoài ra, quy chế tài chính cần cho Công đoàn cơ sở có đủ nguồn lực trong việc đầu tư, chi tiêu cho các hoạt động đào tạo, tuyên truyền, khen thưởng về tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động.
Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, chia sẻ tham luận về phong trào thi tay nghề, thi thợ giỏi, ôn lý thuyết, luyện tay nghề trong công nhân lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động.
Ông Thắng cho biết, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, trong những năm qua Công đoàn các KCN&CX Hà Nội đã tổ chức phát động các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân lao động.
Trong đó phải kể đến phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi”, “Sáng kiến sáng tạo” Thủ đô...
Đặc biệt, phong trào thi đua “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi” do Tổng LĐLĐ Việt Nam và LĐLĐ TP Hà Nội khởi xướng và phát động, đã thu hút đông đảo công nhân lao động, người sử dụng lao động tích cực hưởng ứng tham gia.
Qua đó đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và xây dựng đội ngũ công nhân lao động có trình độ tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, góp phần thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Trong thời gian tới, để phong trào thi đua “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi” trong công nhân lao động mang lại hiệu quả thiết thực và có sức lan tỏa rộng lớn hơn nữa, ông Thắng đề nghị cần duy trì và mở rộng hội thi thợ giỏi ở các tỉnh, thành phố, nơi có đông công nhân lao động với sự tham gia của chính quyền và người sử dụng lao động.
Các doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư hơn nữa về thời gian, cơ sở vật chất, kinh phí để tổ chức các hội thi thợ giỏi nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Chị Trương Thị Thu Hà - Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) gửi đến diễn đàn thông điệp “Mỗi người lao động phải không ngừng phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để có năng suất lao động cao”.
Chị Hà cho biết, trưởng thành từ phong trào lao động sáng tạo, nhiều công nhân của công ty trực tiếp sản xuất đã vươn lên trở thành những cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý, đốc công, trưởng ca xuất sắc; trở thành các quản đốc phân xưởng, giám đốc khu vực giỏi, các lãnh đạo quản lý tại đơn vị, đánh dấu sự trưởng thành của giai cấp công nhân thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh.
Công ty đã hình thành văn hóa làm việc hiệu quả, trong đó sáng tạo của mỗi người lao động là trụ cột hết sức quan trọng. Đây thật sự là đòn bẩy để mỗi người lao động có thể phát huy mọi tiềm năng, bứt phá bằng trí tuệ, bản lĩnh để tham gia thúc đẩy sự phát triển sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, là động lực phát triển BSR trên chặng đường mới.
Trong những thời điểm khó khăn thử thách nhất, chính nhờ vào tinh thần, nội lực, sự sáng tạo và nỗ lực vượt bậc của mỗi người lao động, công ty đã giữ vững hoạt động sản xuất kinh doanh và tận dụng thành công cơ hội ở những thời điểm then chốt, mang lại kết quả với nhiều kỷ lục về doanh thu, lợi nhuận, sản lượng và giờ công an toàn vào năm 2022, 2023.
Được doanh nghiệp tôn trọng, người lao động sẽ làm việc với hiệu suất cao hơn
Ông Phan Tuấn Anh, Chủ tịch Công đoàn Công ty Honda Việt Nam cho rằng, quy chế dân chủ được thực hiện tốt, những đề xuất kiến nghị, quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động được người sử dụng lao động giải quyết kịp thời, thỏa đáng, công khai, minh bạch… là những nhân tố tạo niềm tin, từ đó thúc đẩy người lao động làm việc tốt hơn, thúc đẩy năng suất lao động cao hơn.
Người lao động được đưa ra sáng kiến, ý kiến, ý tưởng của bản thân; đưa ra đề xuất, kiến nghị, giải pháp để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao. Khi được doanh nghiệp tôn trọng, người lao động sẽ tự tin, mong muốn được cống hiến, làm việc với hiệu suất cao hơn.
Môi trường làm việc dân chủ trong công ty đã tạo ra cơ chế để đoàn viên và người lao động được tự do và được bảo vệ khi đóng góp ý kiến, cải thiện quy trình làm việc, nâng cao hiệu suất, thúc đẩy tăng năng suất lao động, duy trì mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ và sự gắn kết của người lao động.
Ông cũng nhấn mạnh đến văn hóa doanh nghiệp. Theo ông, sự thành công của Honda Việt Nam hôm nay là quá trình phát triển và duy trì văn hóa doanh nghiệp lâu dài và bền vững dựa vào 3 triết lý: Niềm tin cơ bản, Tôn chỉ công ty và Chính sách quản lý.
Văn hóa doanh nghiệp khuyến khích người lao động nỗ lực, chủ động, mơ ước, sáng tạo, cởi mở, thẳng thắn, nhiệt tình, ứng xử công bằng, tin tưởng lẫn nhau, sử dụng thời gian hiệu quả, xây dựng tác phong làm việc khoa học.
Việc duy trì văn hóa doanh nghiệp, luôn đặt người lao động ở vị trí trung tâm, quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đã, đang và sẽ tạo động lực để người lao động nỗ lực đóng góp, nâng cao hiệu suất lao động.
Ông kiến nghị Chính phủ có các quy định, chế tài cụ thể về việc xử lý người sử dụng lao động không thực hiện đầy đủ các quy định dân chủ tại doanh nghiệp.
Ông cũng đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam tăng cường tổ chức các diễn đàn, hội nghị, chuyên đề chuyên sâu để các công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động tham gia chia sẻ những khó khăn và trao đổi kinh nghiệm trong việc xây dựng môi trường làm việc an toàn, xây dựng quy chế dân chủ và văn hóa doanh nghiệp.
Bà Phạm Thị Thu Lan – Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam, gửi đến diễn đàn nhiều thông tin về “Chế độ lương, thưởng, phúc lợi thỏa đáng là động lực quan trọng thúc đẩy nâng cao năng suất lao động”.
Theo bà Lan, mọi lao động đi làm đều quan tâm tới tiền lương, nhất là người có thu nhập thấp. Thực tế đã khẳng định mối quan hệ chặt chẽ và tỷ lệ thuận giữa tiền lương, thưởng và phúc lợi với động lực làm việc, sự hài lòng và toàn tâm trong công việc.
“Người lao động dù muốn gắn bó nhưng cũng không thể ở lại mãi với công ty khi lương thấp. Điều này giải thích tại sao tỷ lệ "nhảy việc" cao, 8-12%/tháng ở các ngành đông lao động”, bà nhấn mạnh.
Bà Lan phân tích, trong quan hệ kinh tế, "nhảy việc" để tìm kiếm công việc phù hợp với kỹ năng, trình độ và phát huy tối ưu năng lực của bản thân là việc bình thường, nhưng "nhảy việc" chỉ thuần túy để tìm kiếm mức lương cao hơn cho một công việc tương tự lại là sự lãng phí không đáng có.
Một doanh nghiệp có 1.000 công nhân nhưng trong một tháng có 100 công nhân liên tục ra vào. Doanh nghiệp này sẽ phải tốn rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc và nhân lực cho quảng cáo tuyển dụng, tổ chức phỏng vấn, làm thủ tục, hồ sơ, giấy tờ và đào tạo… trong khi những chi phí này hoàn toàn có thể tiết kiệm để đầu tư để tăng năng suất.
Năng suất của các yếu tố khác đều phụ thuộc vào yếu tố lao động. Người lao động không có kỹ năng thì mong muốn đầu tư, đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại cũng trở nên vô nghĩa.
Tuy nhiên, học tập cũng cần có động lực. Người lao động khi còn đang phải vướng bận kiếm sống hằng ngày cho gia đình thì học tập cho bản thân không phải là sự ưu tiên. Thiếu học tập nâng cao trình độ, Việt Nam sẽ không thể nâng cấp chuỗi giá trị, theo kịp xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong nền kinh tế toàn cầu.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tăng năng suất giai đoạn tới không thể dựa vào việc đi tiếp con đường đã đi mà đòi hỏi sự chuyển đổi mô hình, chuyển đổi nền kinh tế đi liền với chuyển đổi về việc làm, lực lượng lao động và kỹ năng. Để thực hiện thành công sự chuyển đổi đồng bộ này, chính sách tiền lương, tiền thưởng và phúc lợi đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Trong các đề xuất gửi đến diễn đàn, bà Lan cho rằng cần xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng. Tổ chức Công đoàn mong muốn Chính phủ chỉ đạo Hội đồng Tiền lương quốc gia nghiên cứu và xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng, để tiền lương thực sự là động lực tăng năng suất.
Ngoài ra, bà cũng đề nghị tăng độ bao phủ BHXH, thúc đẩy bình đẳng giới về thu nhập, chính sách phúc lợi nhà ở, trường học, bệnh viện, thu hút nhà đầu tư nước ngoài có trách nhiệm; luật hóa trách nhiệm trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp lớn…
“Tài sản là quan trọng nhưng di sản còn quan trọng hơn. Nền kinh tế có thể tạo ra nhiều tài sản để lại cho thế hệ mai sau, nhưng di sản về cơ chế, thiết chế, chính sách và các sàn xã hội về tiền lương, thu nhập, y tế, giáo dục, an sinh xã hội và các khía cạnh xã hội khác sẽ có giá trị hơn rất nhiều”, bà Lan gửi thông điệp.
Thúc đẩy năng suất lao động với 3 trụ cột Nhân lực, Công cụ và Cơ chế chính sách
Bà Vũ Thị Mai, Giám đốc nhân sự Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) cho rằng, việc duy trì năng suất lao động cao là một trong những cơ sở quan trọng để Chính phủ quyết định ban hành một nghị định riêng về tiền lương cho Viettel. Đây cũng là tiền đề quan trọng giúp Viettel có được những thành tựu như ngày hôm nay.
Năm 2023, năng suất lao động theo doanh thu của toàn Tập đoàn là hơn 4,1 tỷ đồng/người/năm. Tại một số đơn vị viễn thông, công nghệ số, con số này là hơn 9 tỷ đồng/người/năm, tương đương với các doanh nghiệp tiên tiến trên thế giới cùng lĩnh vực (Orange-Pháp, Telefonica -Tây Ban Nha).
Từ thực tiễn triển khai, đại diện cho Viettel, bà Vũ Thị Mai chia sẻ một số giải pháp để thúc đẩy năng suất lao động với 3 trụ cột chính là Nhân lực, Công cụ và Cơ chế chính sách.
Thứ nhất, chất lượng nguồn nhân lực mang ý nghĩa quyết định đến việc thúc đẩy, nâng cao năng suất lao động.
Viettel chú trọng lựa chọn những nhân sự phù hợp trên cả 3 khía cạnh: Kiến thức, kỹ năng và thái độ. Việc tuyển dụng hay bổ nhiệm cán bộ quản lý các cấp ngoài dựa trên năng lực, thành tích thì cần cả yếu tố phù hợp với văn hóa.
Nhờ đó, Viettel luôn tuyển chọn được các nhân sự không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn có tinh thần sẵn sàng dấn thân, cống hiến.
Thứ hai, chuyển đổi số mạnh mẽ, áp dụng những công nghệ mới nhất trong hoạt động sản xuất kinh doanh như AI, phân tích dữ liệu lớn.
Tại Viettel, các hệ thống, công cụ được xây dựng xuyên suốt, đồng bộ để từ cán bộ lãnh đạo đến từng người lao động đều có thể sử dụng.
Người bán hàng trực tiếp thông qua ứng dụng mBCCS (ứng dụng chăm sóc khách hàng và quản lý bán hàng) có thể biết được chỉ tiêu được giao, kết quả bán hàng và mức thu nhập.
Cán bộ quản lý có thể dựa trên dữ liệu kinh doanh được cập nhật chính xác để kịp thời ra quyết định.
Trong hoạt động chăm sóc khách hàng, trợ lý ảo AI đã được đưa vào sử dụng thông qua các cuộc gọi video KYC xác thực khách hàng với gần 10 triệu cuộc gọi, hàng chục triệu lượt giải đáp khách hàng tự động 24/7, giúp tiết kiệm khoảng 60 tỷ đồng mỗi năm.
Kể cả những ngành trước đây được coi là truyền thống như bưu chính, Viettel đã đưa vào vận hành hệ thống chia chọn thông minh, sử dụng robot tự hành AGV góp phần tăng sản lượng lên 3,5 lần, rút ngắn thời gian chuyển phát và tối ưu đến 60% nhân sự.
Thứ ba, xây dựng các cơ chế chính sách tạo động lực, khuyến khích đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động và trao cơ hội phát triển cho người lao động dựa trên 5 yếu tố chính: Môi trường làm việc; văn hóa giao việc khó, mang tính thách thức cao để cán bộ nhân viên có cơ hội dấn thân, thể hiện khát vọng cống hiến cho tổ chức và xã hội; cơ chế lương thưởng, đãi ngộ phù hợp với năng lực và thành tích đóng góp để cán bộ nhân viên yên tâm công tác; chú trọng đến hoạt động đào tạo và phát triển nhất là thông qua luân chuyển công việc; tạo dựng lộ trình phát triển bản thân để cán bộ nhân viên có cơ hội thăng tiến.
Ngay sau những chia sẻ của Giám đốc nhân sự Viettel Vũ Thị Mai, Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đề nghị bà Mai chia sẻ thêm về năng suất lao động của Viettel so với năng suất chung của lao động Việt Nam.
Bà Mai cho biết, so với năng suất lao động chung của người lao động Việt Nam theo thống kê năm 2023 là 200 triệu/người thì con số của Viettel là 4,1 tỷ đồng/người, trong khi năng suất lao động trong ngành theo công bố của Bộ TT&TT năm 2023 trung bình là 2 tỷ đồng/người.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tổng kết diễn đàn và truyền thông điệp đến cán bộ, đoàn viên công đoàn và người lao động cả nước
Thủ tướng bày tỏ ấn tượng các câu chuyện chia sẻ tại diễn đàn sát tình hình thực tế, liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.
“Chúng ta rút ra điều chung nhất, tâm đắc nhất qua các phát biểu vừa rồi và tiếp thu được cái gì?”, Thủ tướng gửi câu hỏi đến tất cả đại biểu có mặt tại diễn đàn.
Trả lời câu hỏi của Thủ tướng, một công đoàn viên ngành ngân hàng đúc kết: “Nâng cao năng suất lao động là mục tiêu tối thượng và tiên quyết để đưa nước ta hội nhập và sánh vai với khu vực và thế giới”.
Một công đoàn viên đến từ Vietnam Airlines cũng nêu 5 yếu tố ảnh hưởng đến năng suất lao động, đó là: Trình độ, năng lực và ý thức của người lao động; Công nghệ và trang thiết bị cho người lao động; Quy trình làm việc giúp tối ưu hóa thời gian và hiệu quả công việc; Môi trường làm việc; Động lực làm việc, trong đó có tiền lương, khen thưởng, đóng góp, các phúc lợi xã hội.
Công đoàn viên này nhấn mạnh, nếu làm tốt cả 5 yếu tố này thì chắc chắn chúng ta sẽ nâng cao năng suất lao động. Ngoài ra cũng cần chú trọng tới yếu tố giáo dục thế hệ trẻ.
Công đoàn viên này bày tỏ rất tâm huyết với lời Bác Hồ dạy là muốn tăng năng suất lao động phải làm tốt 2 yếu tố, tinh thần lao động tốt và kỹ năng làm việc tốt.
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ sự chia sẻ với tham luận và các ý kiến tại diễn đàn. Qua các đề xuất, kiến nghị, Thủ tướng đã khái quát lại 6 điểm chung về tăng năng suất lao động, đó là: Yêu nghề, yêu lao động; Luôn luôn học hỏi, đề cao kiến thức và tay nghề; Tuân thủ kỷ luật về vệ sinh an toàn lao động và xây dựng môi trường lao động lành mạnh, bình đẳng; Luôn luôn đổi mới sáng tạo; Đãi ngộ thỏa đáng về tinh thần vật chất, nhất là tiền lương và phúc lợi xã hội, khen thưởng, tôn vinh người lao động; Chính phủ, Công đoàn và các chủ thể có liên quan phải xây dựng được hệ sinh thái lao động tốt.
“Xuyên suốt là con người, là trung tâm, là chủ thể của tăng năng suất lao động. Con người vừa là nguồn lực, là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển và tăng năng suất lao động. Chúng ta không hy sinh tiến bộ công bằng xã hội, không hy sinh an sinh xã hội, không hy sinh môi trường để chạy theo cái tăng trưởng đơn thuần”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận tại diễn đàn, Thủ tướng đánh giá cao Tổng LĐLĐ Việt Nam đã lựa chọn chủ đề rất đúng, rất trúng, rất cần thiết và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Thủ tướng đánh giá cao báo cáo của Tổng LĐLĐ Việt Nam và những ý kiến phát biểu thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn của các đại biểu, đại diện người lao động, doanh nghiệp.
Trong đó, có nhiều ý kiến đóng góp mang tính xây dựng, rất tích cực, phản ánh rõ những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc trong nâng cao năng suất lao động; đưa ra nhiều mô hình tốt, cách làm hay; đặc biệt là đề xuất, kiến nghị các giải pháp sâu sắc, cụ thể.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tổng hợp đầy đủ kiến nghị đề xuất, hiến kế của đoàn viên, người lao động; tập trung rà soát, tiếp thu tối đa để hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật liên quan và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện, tạo môi trường sinh thái tốt nhất cho người lao động, phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, yêu nước.
Thủ tướng đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam nghiên cứu, tiếp thu và có giải pháp cụ thể đối với những ý kiến liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền để triển khai trong thời gian tới.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, năng suất lao động là một chỉ tiêu kinh tế tổng hợp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng - là một trong những thước đo để đánh giá, so sánh trình độ phát triển giữa các quốc gia, cũng như giữa các lĩnh vực, địa phương trong từng quốc gia.
Lịch sử kinh tế thế giới chứng minh năng suất lao động là yếu tố quyết định đến sự thành công hay thất bại của từng quốc gia, dân tộc trong quá trình phát triển.
Nhà Lãnh tụ Cộng sản vĩ đại Karl Marx đã từng khẳng định, năng suất lao động là cái đảm bảo cho sự thắng lợi của trật tự xã hội này đối với một trật tự xã hội khác.
Gần đây, Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel kinh tế Paul Krugman đã tổng kết: “Năng suất không phải là tất cả nhưng nó gần như là tất cả”.
Trong thế giới ngày nay, tăng năng suất lao động là một trong những nhân tố quan trọng nhất để các nước đang phát triển nỗ lực vươn lên, hướng đến phát triển nhanh và bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình như Việt Nam chúng ta.