Thủ tướng Netanyahu mất kiểm soát?

Khi cuộc khủng hoảng chính trị tại Israel đang ngày càng trở nên tồi tệ, Thủ tướng Benjamin Netanyahu bị đồng minh phương Tây quay lưng, trong khi nội bộ bắt đầu lục đục.

Suốt bốn tháng qua, hàng trăm nghìn người Israel xuống đường biểu tình chống lại kế hoạch cải tổ hệ thống tư pháp của chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Kế hoạch cải tổ nằm trong nỗ lực tăng cường kiểm soát của chính phủ với hệ thống tòa án, đứng sau kế hoạch này nòng cốt là phe cực hữu và tôn giáo cực đoan trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Netanyahu.

Tuy nhiên, việc kế hoạch cải tổ có thể làm lung lay tới tận gốc rễ các giá trị dân chủ của nền chính trị Israel đã thổi bùng làn sóng chống đối từ mọi tầng lớp công dân.

Vấn đề của ông Netanyahu

Thủ tướng Netanyahu vốn có hình ảnh quốc tế tích cực, nhưng lúc này ông cũng đã trở nên lạc lõng trước các quốc gia đồng minh. Kế hoạch cải tổ nền tư pháp đã vấp phải sự chỉ trích từ các đồng minh như Mỹ, Pháp, Anh và Đức. Phe đối lập đã nhân cơ hội này khoét sâu vào sự bất bình của Washington với ông Netanyahu.

Đồng thời, mâu thuẫn cũng đã xuất hiện trong nội bộ đảng Likud của vị thủ tướng. Hôm 25/3, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant kêu gọi dừng kế hoạch cải tổ tư pháp, trong khi hàng trăm binh sĩ từ chối thực hiện nhiệm vụ để phản đối.

"Đây là mối đe dọa hiện hữu, rõ ràng, cấp bách với an ninh của đất nước. Vì an ninh quốc gia, vì những đứa con trai và con gái chúng ta, tiến trình lập pháp cần bị dừng lại", ông Gallant nói.

 Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang đứng trước sức ép từ các đồng minh. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang đứng trước sức ép từ các đồng minh. Ảnh: Reuters.

Thông điệp của Bộ trưởng Gallant nhận được sự ủng hộ của 2 nghị sĩ thuộc đảng Likud, cho thấy khả năng dự luật cải tổ hệ thống tư pháp không được thông qua tại quốc hội bởi liên minh cầm quyền của Thủ tướng Netanyahu chỉ có 4 ghế nhiều hơn phe đối lập.

Ngày 26/3, ông Netanyahu sa thải Bộ trưởng Gallant, khiến cuộc khủng hoảng càng thêm sôi sục. Tới đêm cùng ngày, đám đông đã tụ tập bên ngoài tòa nhà quốc hội và tư gia của ông Netanyahu, hò hét các thông điệp ủng hộ "dân chủ".

Các đối thủ cáo buộc tham vọng nắm quyền lâu dài của Thủ tướng Netanyahu đã đẩy Israel tới cuộc khủng hoảng hôm nay.

Những năm qua gần đây, ông Netanyahu đối mặt cuộc điều tra liên quan cáo buộc tham nhũng. Kế hoạch cải tổ nền tư pháp được diễn giải là cách để Thủ tướng Netanyahu tạo ra một hệ thống giúp ông an toàn trước các cáo buộc hình sự nói trên.

"Một trong những giả thuyết được nhắc đi nhắc lại trên truyền thông là ông ấy (Thủ tướng Netanyahu) quan tâm tới lệnh truy tố nhiều hơn là hàn gắn đất nước, ông ấy hy vọng các thẩm phán do mình lựa chọn sẽ giúp gạt đi các cáo buộc tham nhũng", Steve Hendrix, chuyên gia về Israel của Washington Post, nhận định.

Các phe phái chính trị tại Israel trước đây đã nhiều lần kêu gọi cải tổ hệ thống tư pháp. Bởi Israel không có hiến pháp thành văn, chỉ có các bộ luật cơ bản dưới hiến pháp, Tòa án Tối cao nắm quyền giải thích luật và vì vậy có rất nhiều quyền hạn, theo CNN.

Tuy vậy, Israel không có cơ chế cân bằng và kiểm soát quyền lực với quốc hội nào khác ngoài Tòa án Tối cao. Bởi vậy, phe chỉ trích lúc này cho rằng kế hoạch cải tổ đi quá xa, có thể phá hủy cơ chế cân bằng và kiểm soát quyền lực duy nhất tại Israel.

Những người phản đối cảnh báo kế hoạch cải tổ sẽ làm mất đi sự độc lập của hệ thống tư pháp, đe dọa các quyền con người không được ghi trong luật cơ bản, như quyền của người thiểu số và quyền tự do ngôn luận.

Ông Netanyahu mất kiểm soát?

Dan Ben-David, chủ tịch Viện nghiên cứu Shoresh, cho rằng ý đồ của Thủ tướng Netanyahu đã trở nên khó hiểu bởi rõ ràng ông biết rõ những thiệt hại mà chính phủ của mình đã gây ra.

"Là thủ tướng lâu nhất trong lịch sử Israel, ông ấy nên lo lắng cho di sản của chính mình, thứ mà lúc này đang bị thiêu rụi tới tận gốc", ông Ben-David nhận định.

Aviv Bushinsky, cựu chánh văn phòng thủ tướng Israel, cho rằng có khả năng ông Netanyahu đã mất kiểm soát.

"Ông ấy đã không lường trước sẽ có phản đối dữ đội như thế trên đường phố cũng như trên thế giới", ông Bushinsky nhận định.

Nếu thực sự mất kiểm soát, ông Netanyahu chỉ có thể tự trách mình. Để trở lại ghế thủ tướng, chính trị gia 73 tuổi đã tập hợp các phe phái dân tộc chủ nghĩa cực hữu và giao cho họ trọng trách to lớn trong liên minh do đảng Likud dẫn đầu.

 Cảnh sát Israel dùng vòi rồng giải tán người biểu tình. Ảnh: Reuters.

Cảnh sát Israel dùng vòi rồng giải tán người biểu tình. Ảnh: Reuters.

Ông Netanyahu cũng phải dựa vào sự ủng hộ của các đảng tôn giáo cực đoan vốn xem cải tổ nền tư pháp là chìa khóa nhằm thúc đẩy các dự án tôn giáo trong mọi tầng lớp xã hội Israel.

Thực tế, không phải Thủ tướng Netanyahu, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tư pháp Israel Yariv Levin và ông Simcha Rothman, Chủ tịch Ủy ban Hiến pháp, Pháp luật và Tư pháp của quốc hội mới đóng vai trò then chốt trong kế hoạch cải tổ nền tư pháp.

Cả hai người này từ lâu đã bất mãn với Tòa án Tối cao. Họ cho rằng tòa án đã nắm giữ quá nhiều quyền lực và bất công với các nỗ lực định cư, cộng đồng tôn giáo Israel và người Mizrahi - người Do Thái gốc Trung Đông.

Các cuộc biểu tình khổng lồ tại Tel Aviv và nhiều thành phố thu hút sự tham gia của các tầng lớp trung lưu và thế tục, phản ánh sự chia rẽ ý thức hệ sâu sắc trong lòng Israel.

"Kế hoạch cải tổ của chính phủ đang phá vỡ sự cân bằng rất mong manh giữa phe Israel chính thống và các nhóm tôn giáo cực đoan vốn hiểu họ phải dựa vào xã hội tự do, thịnh vượng với quân đội mạnh để tồn tại", Yofi Tirosh, chuyên gia luật Đại học Tel Aviv, nói.

Một số chuyên gia cho rằng có những vấn đề sâu xa hơn nữa trong cuộc khủng hoảng hiện nay, đó là xung đột đã kéo dài hàng chục năm giữa người Do Thái và người Palestine.

Hiện nay, hàng triệu người Palestine đang sống trên các vùng đất do quân đội Israel kiểm soát. Những năm qua, phe cực hữu đã liên tục thúc đẩy kế hoạch mở rộng các khu định cư của người Do Thái vào vùng đất của người Palestine.

"Không ngẫu nhiên mà đất đai của người Palestine là một trong những điều đầu tiên thuộc tầm ngắm của ông Netanyahu và phe cực hữu khi họ giới thiệu kế hoạch lập pháp", Washington Post bình luận.

Nếu kế hoạch cải tổ tư pháp thành công, phe cực hữu sẽ thuận lợi tái triển khai quân đội tới vùng lãnh thổ của người Palestine, đồng thời tăng cường thiết lập thêm các khu định cư của người Do Thái, điều trước đây đã bị Tòa án Tối cao ngăn chặn.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thu-tuong-netanyahu-mat-kiem-soat-post1415987.html