Thủ tướng nêu nhiều giải pháp nhằm 'vực dậy' Nhà máy Đạm Ninh Bình
Dự án Đạm Ninh Bình là 1 trong 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương.
Trong chiều 13/8, ngay sau khi làm việc về dự án Đạm Hà Bắc tại Bắc Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã về Ninh Bình, kiểm tra, khảo sát thực địa và làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan về phương án tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho dự án Đạm Ninh Bình - một trong 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương.
Cùng đi với Thủ tướng Chính phủ có Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương và tỉnh Ninh Bình, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Từ khi đi vào hoạt động năm 2012, Nhà máy Đạm Ninh Bình liên tục thua lỗ với hơn 7.000 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ khoảng 2.500 tỷ đồng. Đến nay, Đạm Ninh Bình chưa hoàn thành quyết toán do một số vướng mắc trong thực hiện hợp đồng và vấn đề tài chính…
Do đó công ty đã cùng Tập đoàn đề xuất phương án tái cấu trúc các khoản nợ phải trả kể từ khi là Ban QLDA đến nay theo bản Đề án đã báo cáo Ủy ban Quản lý vốn và các Bộ, ban, ngành xin phê duyệt nhằm giải quyết, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho công ty.
Từ năm 2021, hoạt động của nhà máy đã có chuyển biến tích cực hơn. Công ty cũng được Tập đoàn phê duyệt và cung cấp tài chính để triển khai tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa lớn, cải tạo, nâng cấp các thiết bị dây chuyền công nghệ, từng bước cải tạo đổi mới quy trình nội quy làm việc, cải tạo môi trường cảnh quan nhà máy, phát triển sản phẩm mới và mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp đã hoạt động có lãi xấp xỉ 700 tỷ đồng. Dự kiến sản lượng năm 2022 là 420.000 tấn urê; doanh thu năm 2022 là 5.500 tỷ đồng; Lợi nhuận dự kiến đạt khoảng 1.000 tỷ đồng. Đảm bảo đời sống lao động cho 1.000 cán bộ, công nhân viên với mức lương 10 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên do các khoản vay đầu tư quá lớn và % lãi phạt quá cao, lỗ lũy kế của 10 năm cộng dồn lại nên công ty đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ban, ngành và các Ngân hàng cho phép được thông qua Đề Án tái cấu trúc tài chính các khoản nợ của công ty.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận sự nỗ lực và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh gần đây của Nhà máy, tạo niềm tin để tiếp tục tìm phương án, giải pháp xử lý các khó khăn, vướng mắc của dự án.
Thủ tướng nhấn mạnh, tương tự Đạm Hà Bắc, những hạn chế, khó khăn của Đạm Ninh Bình do nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chính, do những vi phạm trong quá trình phê duyệt, thẩm định, quyết định đầu tư, thực hiện dự án, khiến tổng mức đầu tư lớn, suất đầu tư, chi phí đầu vào cao, giá thành cao, khả năng cạnh tranh thấp khi thị trường biến động, dẫn tới không hiệu quả, chậm trả nợ, nợ chồng nợ.
Thủ tướng nêu rõ một số vấn đề cần giải quyết gồm: Giải quyết tranh chấp hợp đồng EPC; tổ chức sản xuất kinh doanh để không thua lỗ (như tái cơ cấu tài chính, ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất lao động…), giảm giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh; vấn đề giải quyết vấn đề môi trường trong và ngoài nhà máy, cả về nước thải, khí thải, chất thải rắn; ổn định việc làm, nâng cao đời sống người lao động; ổn định nguồn cung than cho nhà máy.
Các ý kiến tại cuộc làm việc cũng thống nhất đánh giá, dự báo sắp tới, nhà máy có thị trường tiêu thụ sản phẩm cả trong và ngoài nước khi nhu cầu ure tăng cao. Đồng thời, nhà máy đã tích lũy được các kinh nghiệm vận hành, sản xuất, kinh doanh. Do đó, nếu có thể tái cơ cấu, xử lý các khó khăn, vướng mắc, đổi mới công nghệ, quản trị… thì từ năm 2023, dự án có thể có lãi. Điều này cũng góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, trong đó có phát triển nền công nghiệp hóa chất, phát triển nền nông nghiệp, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn.
Về các nhiệm vụ sắp tới, Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Hóa chất phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng đề án xử lý các vấn đề của dự án theo phương án tái cơ cấu tài chính, trong đó tập trung tái cơ cấu nợ vay, khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền trong tháng 8. Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tiếp tục trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng đề án này.
Cùng với đó, giải quyết nhanh tranh chấp hợp đồng EPC với đối tác nước ngoài. Tiếp tục tổ chức lại hoạt động, kinh doanh, sản xuất, ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất, tiết giảm chi phí để giá thành sản phẩm cạnh tranh hơn.
Thủ tướng cũng yêu cầu khảo sát, đánh giá kỹ tác động môi trường và kiên quyết xử lý các vấn đề liên quan rác thải, nước thải, khí thải, đặc biệt là lưu huỳnh, xây dựng nhà máy sạch đẹp về cảnh quan, môi trường. Trong đó, Thủ tướng đề nghị khẩn trương có giải pháp chống ngập nước tại nhà máy.
“Đi cả nhà máy không có bông hoa nào mà chỉ có than với bùn. Tôi có cảm giác các đồng chí chưa yêu nhà máy của mình. Tôi có nói với lãnh đạo 2 nhà máy Đạm Hà Bắc và Đạm Ninh Bình là phải yêu nhà máy như nhà mình thì mới có cảm xúc, phải đắm đuối với công việc thì mới sáng kiến, ra sản phẩm, nhà máy mới hoạt động hiệu quả, mới xanh, sạch, đẹp”, Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng cũng lưu ý nhiệm vụ ổn định công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho khoảng 1.000 công nhân của Nhà máy.
Các bộ, ngành tích cực cùng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Vinachem để hoàn thành đề án xử lý dự án. UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Nhà máy xử lý các vấn đề liên quan tới môi trường, các kiến nghị của cử tri về môi trường, lao động. Tập đoàn Than – Khoáng sản bảo đảm nguồn cung than ổn định cho nhà máy.
Các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra vào cuộc xử lý, làm rõ các vấn đề theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước/.