Thủ tướng: Ngành Nông nghiệp phải bứt phá trong năm 2025, xuất khẩu đạt 70 tỷ USD
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị tăng trưởng của ngành Nông nghiệp năm 2025 cần phải đạt 3,5-4%, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 70 tỷ USD.
Chiều 27/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu chính ở trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn có Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm… cùng nhiều lãnh đạo bộ, ngành Trung ương.
Tại đầu cầu các địa phương, có Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hùng Nam; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Tấn Hổ; Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều…
Xuất khẩu ghi nhận mức kỷ lục
Chia sẻ tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến - cho biết, năm 2024, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; trong đó, có yếu tố tác động mạnh của biến động thị trường, của những hình thái khí hậu cực đoan.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ, với nỗ lực vượt khó đương đầu với mọi thử thách, thích ứng với mọi thay đổi, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ. Nổi bật có kỷ lục xuất khẩu hơn 62 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng 3,2%.
Rau quả là điểm sáng của bức tranh xuất khẩu nông lâm thủy sản 2024. Chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho biết, năm 2023, xuất khẩu rau quả tăng trưởng xuất khẩu 67%. Năm 2024, xuất khẩu rau quả đạt 7,2 tỷ USD, tăng trưởng 27%, ngoài sản phẩm tươi, rau quả Việt Nam còn có các mặt hàng như chế biến, chế biến sâu.
Kết quả có được là do sự tích lũy thành quả của các năm trước. Các loại cây ăn quả đa số đều cần thời gian đầu tư dài, từ 3-5 năm. Số lượng rau quả xuất khẩu chính ngạch ngày càng tăng. Thị phần rau quả Việt Nam tiếp tục tăng, chẳng hạn từ vị trí thứ 3 lên thứ 2 ở Trung Quốc, hay Hoa Kỳ tăng trưởng hơn 30%, Thái Lan tăng hơn 80%.
Các hoạt động xúc tiến thương mại về rau quả được các cấp, các ngành, hiệp hội ngành hàng ngày càng quan tâm, đầu tư. Kết hợp với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, ngành rau quả ngày nay có rất nhiều cơ hội tiếp cận những thị trường tiềm năng.
Trong năm 2025, để xuất khẩu bền vững hơn, cần quan tâm đến công nghệ sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực tuân thủ của doanh nghiệp. “Đi cùng nhau, chúng ta sẽ đi được xa hơn”, ông Bình nhấn mạnh.
Ông Bình cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường, hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về các mặt hàng chủ lực. Cùng với đó, có những thiết chế luật pháp chặt chẽ hơn, giúp bảo vệ những nhà sản xuất chân chính.
Với ngành hàng thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) – cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2024 vượt mốc 10 tỷ USD. Thủy sản Việt Nam hiện đã có mặt trên 170 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, đáng chú ý là ngành hàng tôm với 4 tỷ USD; cá tra là 2 tỷ USD; các mặt hàng biển như cá ngừ, mực, bạch tuộc khoảng 4 tỷ USD. Đây là thành quả của nỗ lực từ cộng đồng doanh nghiệp, nông dân, sự chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành.
Tuy nhiên, tình hình chung vẫn còn nhiều khó khăn với thủy sản. Đầu tiên là việc trong 5-6 năm qua, kết quả xuất khẩu thủy sản chỉ “loanh quanh 8-10 tỷ USD”. Chỉ số tăng trưởng lúc 2% và khi thì 6%. Ngoại trừ năm 2022, thủy sản Việt Nam xuất khẩu được 11 tỷ USD, tăng 23%.
Theo Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam, ngành này cần xuất khẩu được 16 tỷ USD. Từ góc nhìn của VASEP, thì tạo động lực cho nông dân và ngư dân nuôi trồng và khai thác là vấn đề cốt lõi quan trọng. “Chúng tôi đề xuất lập chợ đấu giá để ngư dân bán được hàng với giá tốt nhất, Nhà nước truy xuất được dữ liệu. Bên cạnh đó, soát xét, sửa đổi phù hợp các quy định liên quan đến vùng khai thác (bờ, lộng, khơi). Đồng thời soát xét, sửa đổi phù hợp các quy định liên quan đến kích thước khai thác tối thiểu của một số loài - đặc biệt là cá ngừ vằn, ngừ vây vàng và các loài di cư”, ông Nam nói.
Đề xuất liên quan tới con ruốc, ông Nam kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với các đối tác EU, bởi đây là mặt hàng được người dân các nước này yêu thích. Cuối cùng, VASEP kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chiến lược xây dựng mô hình các Tập đoàn doanh nghiệp lớn về khai thác biển để hợp tác khai thác với các quốc gia có biển - không chỉ mở rộng phạm vi hoạt động mà còn tạo động lực mới cho ngư dân khai thác biển, cho nguồn nguyên liệu dồi dào bền vững hơn.
Năm 2025, tăng trưởng ngành nông nghiệp phải đạt 3,5-4%
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vì những nỗ lực và thành quả nổi bật trong năm qua. Một trong những dấu ấn tiêu biểu của ngành chính là công tác phục hồi sau bão Yagi - một thử thách lớn nhưng cũng là minh chứng cho tinh thần trách nhiệm và sự chỉ đạo hiệu quả.
“Cần nhìn lại và phân tích kỹ lưỡng để đánh giá đúng đắn tinh thần chỉ đạo của ngành trong công tác ứng phó với thiên tai. Việc tham mưu, tổ chức thực hiện, và điều phối an toàn hồ đập trong thời điểm lũ lụt nghiêm trọng đã thể hiện rõ bản lĩnh, trí tuệ của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”, Thủ tướng bày tỏ.
Một điểm sáng trong công tác phòng chống bão Yagi là quyết định điều tiết lượng nước tại hồ Thác Bà và hồ thủy điện Hòa Bình. Các quyết định chính xác đã giúp tránh được nguy cơ phá đập, bảo vệ an toàn cho hàng triệu người dân khu vực hạ lưu. Đây là minh chứng rõ nét cho vai trò tham mưu sáng suốt và năng lực điều hành hiệu quả của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ngay sau bão Yagi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhanh chóng triển khai các biện pháp hỗ trợ kịp thời, đảm bảo không ai bị thiếu ăn, thiếu mặc, và các em nhỏ được tiếp tục đến trường. Đồng thời, ngành cũng khẩn trương khôi phục tình hình sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể của ngành Nông nghiệp, trong bối cảnh đầy khó khăn của thiên tai, thị trường biến động nhưng ngành nông nghiệp vẫn vượt lên, bảo đảm an ninh lương thực, xuất khẩu tăng trưởng cao.
Bên cạnh những kết quả đáng phấn khởi, vui mừng của ngành Nông nghiệp, Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế yếu kém. Đó là chưa phát triển ngang tầm với tiềm năng, truyền thống lịch sử văn minh lúa nước của Việt Nam. Công tác quy hoạch chiến lược, xây dựng thể chế chính sách để phục vụ phát triển nhanh và bền vững của ngành còn hạn chế. Việc tháo gỡ thẻ vàng IUU làm chưa hiệu quả.
Nói thêm về quy hoạch, Thủ tướng nhấn mạnh ngành nông nghiệp phải tập trung xây dựng giá trị thương hiệu, thương hiệu nào ra thương hiệu đó. Theo Thủ tướng, cà phê Brazil chưa chắc ngon bằng cà phê của chúng ta nhưng thương hiệu của họ đi khắp thế giới. Nói đến cà phê nghĩ ngay đến Brazil. Khi nói đến hạt tiêu, hạt điều, người ta đã nghĩ đến Việt Nam chưa? Thủ tướng đặt vấn đề và nhấn mạnh ngành Nông nghiệp phải tập trung xây dựng giá trị thương hiệu. Khi có thương hiệu rồi phải quy hoạch vùng nguyên liệu và phải có thị trường, chỉ dẫn địa lý, chú trọng vấn đề mẫu mã, bao bì cũng như cơ chế chính sách về vốn cho người nông dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng cho hay, chúng ta phải chấp hành nghiêm, thật tốt các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Cần có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm. Quá trình đó phải kiểm tra, đôn đốc thì mới đạt hiệu quả cao. Đồng thời, nội bộ ngành phải phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các cơ quan đơn vị địa phương trong và ngoài ngành, có sự hợp tác quốc tế. Bám sát tình hình thị trường, phản ứng chính sách nhanh, kịp thời; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Thủ tướng cho hay, sang năm 2025, chúng ta xác định “tăng tốc, bứt phá”, ngành nông nghiệp nếu không tăng tốc, bứt phá thì sẽ bị bỏ lại phía sau. Thủ tướng đề nghị tăng trưởng của ngành Nông nghiệp năm 2025 cần phải đạt 3,5-4%, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 70 tỷ USD.
Về kế hoạch cụ thể, Thủ tướng đề nghị, phải triển khai kế hoạch phát triển ngành 2025, sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy.
Thứ nhất, không bỏ sót chức năng nhiệm vụ, không chồng chéo chức năng nhiệm vụ, hạn chế tối đa giao thoa.
Thứ hai, là tăng cường phân cấp phân quyền, phân bổ nguồn lực và tăng cường giám sát kiểm tra, nâng cao năng lực thực thi cấp dưới.
Thứ ba, bỏ khâu trung gian để tránh phiền hà, sách nhiễu, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Thứ tư, minh bạch, công khai, sử dụng chuyển đổi số trong quá trình hoạt động điều hành để giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp, tích cực triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở Đồng bằng sông Cửu Long; tổ chức lại sản xuất theo hướng bền vững, áp dụng công nghệ cao.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương tăng cường mở rộng phát triển thị trường, ký kết thêm các Hiệp định thương mại tự do. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác chế biến, phát triển lâm nghiệp bền vững.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với ngành nông nghiệp trong thời gian qua. Năm 2025, Bộ mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ban, ngành, cũng như sự chia sẻ của các doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã và sự đồng lòng của toàn thể nhân dân vì sự phát triển nông nghiệp. Toàn ngành sẽ quyết tâm thực hiện việc đảm bảo an ninh lương thực trong cả nước và xuất khẩu, tiếp tục là “trụ đỡ” vững chắc cho nền kinh tế.