Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đến năm 2030, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 100 tỷ USD
Chiều 13-12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS). Nhân dịp này, Thủ tướng đã trao Cờ thi đua của Chính phủ tặng VITAS.
Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang cho biết, Hiệp hội được thành lập từ năm 1999. Trong 20 năm qua, VITAS đã đồng hành cùng các hội viên và các doanh nghiệp (DN) trong ngành thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành dệt may Việt Nam. Từ chỗ ngành dệt may chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, kim ngạch xuất khẩu rất nhỏ bé, đến nay đã vươn lên vị trí cường quốc xuất khẩu thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng cho biết, ngành dệt may đã có lịch sử phát triển 120 năm. Ngành đã có đóng góp tích cực khi giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đặc biệt, ngành dệt may có đóng góp quan trọng vào vào xuất khẩu cả nước. Năm 2019 kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt tới 39 tỷ USD, tăng 106 lần so với cách đây 20 năm; là ngành sử dụng nhiều lao động nhất cả nước với 3 triệu lao động, chiếm 1/4 số lao động toàn ngành công nghiệp. Trong sự phát triển đó, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của VITAS, là cầu nối quan trọng giữa ngành với Chính phủ và cơ quan Nhà nước; đã tích cực, chủ động tham vấn chính sách, nhất là trong đàm phán các Hiệp định thương mại tự do, từ đó mở rộng thị trường.
Thời gian tới, Thủ tướng đặt ra nhiều vấn đề với ngành dệt may. Cụ thể, tới đây cùng với đẩy mạnh xuất khẩu, ngành dệt may cần chú trọng đúng mức hơn tới thị trường gần 100 triệu dân trong nước. Ngành cũng cần tự chủ hơn về nguyên liệu, giảm gia công, bớt phụ thuộc vào nguyên liệu từ bên ngoài. Cùng với đó, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu còn lệch hẳn về may mặc, với kim ngạch chiếm tỷ lệ đến 78% tổng kim ngạch của toàn ngành; trong khi đó sợi chỉ chiếm hơn 8% và vải gần 3%, phụ kiện may dưới 10%. Do đó, cần phải tính toán lại cơ cấu sản phẩm để có sự phân công sản xuất tốt hơn.
Thủ tướng cũng cho rằng, hiện cơ cấu lao động ngành còn hạn chế. Đến cuối năm 2018, trong gần 3 triệu lao động đang làm việc ở 7.000 DN dệt may trong cả nước thì có khoảng hơn 25% lao động có đào tạo chuyên môn còn lại khoảng 75% lao động chưa qua đào tạo. Tuy nhiên, lợi thế cạnh tranh nhân công giá rẻ lâu nay của nhiều ngành trong ngành dệt may, đang mất dần. Theo đó, ngành dệt may cần chủ động xây dựng nguồn nhân lực, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Thủ tướng đặt câu hỏi: Ngành dệt may trong năm tới sẽ phải làm gì để tự nâng mình lên các nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị kinh tế để tiếp tục giữ vững vị trí cường quốc dệt may của thế giới.
Đối với VITAS, Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục làm tốt vai trò kết nối giữa các DN, hình thành các chuỗi giá trị gia tăng cao, các chuỗi giá trị toàn cầu; tổ chức phối hợp hoạt động giữa các hội viên vì lợi ích chung của hội, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nâng cao năng lực chuyên môn, tham gia các chương trình phát triển kinh tế văn hóa xã hội của đất nước. Hiệp hội cũng phải là đầu mối giúp các DN nghiên cứu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, đặc biệt là nghiên cứu công nghệ mới, nhất là lĩnh vực sản xuất vải, phụ liệu, nâng cao năng suất, hiệu quả, sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu, VITAS thời gian tới cần tập trung công tác phát triển Đảng ở các DN dệt may Việt Nam…
Thủ tướng nêu mục tiêu cho ngành dệt may, đến năm 2030, phải phấn đấu nâng kim ngạch xuất khẩu của ngành lên 100 tỷ USD; là top đầu thế giới về sản lượng, chất lượng, doanh số và lao động; có ít nhất 30 thương hiệu Việt Nam mang tầm thế giới.
Về phía Chính phủ, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ luôn mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của cộng đồng DN, hướng tới hệ thống chính sách kiến tạo, phục vụ và phát triển.
Tại buổi lễ, Thủ tướng đã trao Cờ thi đua của Chính phủ tặng Hiệp hội Dệt may Việt Nam.