Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Ngành Tài chính phải chủ động góp thêm nhiều nguồn lực cho phát triển kinh tế

Ngày 7-7, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến “Sơ kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tài chính – NSNN 6 tháng cuối năm 2020 của ngành Tài chính”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chủ trì hội nghị. Hội nghị trực tuyến tại 63 điểm cầu trên cả nước, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, đại diện các cơ quan tài chính tại địa phương.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành tài chính đã bám sát tình hình thực tiễn, chủ động đề xuất các giải pháp chính sách tài khóa, góp phần tích cực vào kết quả thực hiện “nhiệm vụ kép” - vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển KT-XH, đảm bảo đời sống nhân dân và chuẩn bị điều kiện sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi và phát triển sau dịch. Bộ Tài chính đã thực hiện gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất với tổng số tiền hơn 43 nghìn tỷ đồng; thực hiện miễn, giảm một số loại thuế, phí và lệ phí với giá trị dự kiến khoảng 20 nghìn tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 6-2020, tổng thu NSNN ước đạt 668,7 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong 16 địa phương trọng điểm thu có điều tiết về T.Ư, chỉ có 5 trong số 16 địa phương đạt tiến độ thu nội địa trên 50% (Quảng Ninh, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu); 11 địa phương còn lại đạt dưới 50%, trong đó 8 địa phương đạt dưới 40% dự toán.

Mức tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm chỉ đạt 1,81%, kim ngạch cả xuất và nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ, khả năng đạt được các mục tiêu tăng trưởng theo các kịch bản Chính phủ đã báo cáo Quốc hội là hết sức khó khăn, từ đó ảnh hưởng đến cân đối thu - chi NSNN.

Phát biểu tại Hội nghị, đặt vấn đề ngành tài chính đóng góp như thế nào trong “cỗ xe tam mã: sản xuất, đầu tư, tiêu dùng xuất khẩu” của đất nước, Thủ tướng nêu rõ, cả nước trông chờ vào sự đổi mới mạnh mẽ, sự chỉ đạo đột phá trong tư duy phát triển ở chính sách tài khóa nói riêng, chính sách tài chính nói chung, thực sự tạo ra động lực to lớn cho nền kinh tế phục hồi phát triển, tận dụng tốt cơ hội khống chế sớm dịch bệnh.

Thủ tướng chỉ đạo ngành tài chính cần theo dõi sát tình hình thế giới và trong nước để quyết liệt thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế. Song song với đó, ngành tài chính cần đảm bảo mục tiêu thu ngân sách, nguồn lực tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Để tạo động lực phát triển KT-XH, ngành tài chính cần đổi mới về tư duy phát triển, hoạch định chính sách, chủ động hơn về vai trò chính sách tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng.

Đặc biệt, Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, giải ngân hết toàn bộ vốn đầu tư năm 2020 với 700 nghìn tỷ đồng, tương ứng 30 tỷ USD; kịp thời điều chuyển vốn ngay trong tháng 8 này của những địa phương, bộ, ngành giải ngân chậm.

“Lần này sẽ đánh giá các bộ, địa phương không hoàn thành là chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công. Khi xin về mà không triển khai gì”, Thủ tướng nêu rõ và yêu cầu lãnh đạo tỉnh, Sở Tài chính, Chủ dự án tại các địa phương “phải xuống tận nơi”, xem xét vướng mắc và tháo gỡ thúc đẩy giải ngân.

QUỲNH NHƯ – QUANG VŨ

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/102_227587_thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-nganh-tai-chinh-phai-chu-dong-gop-them-nhieu-nguon-luc-cho-phat-trien-kinh-te.aspx