Thủ tướng Nhật Bản có động thái tránh đối đầu Trung Quốc giữa lúc đàm phán với Mỹ

Theo tờ The Japan Times, trong tuần này, một phái đoàn cấp cao của Nhật Bản sẽ chuyển thư của Thủ tướng Shigeru Ishiba tới Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, khi Tokyo nỗ lực tránh bị cuốn vào căng thẳng thương mại leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ.

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba phát biểu tại cuộc họp báo ở Tokyo ngày 1/4/2025. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba phát biểu tại cuộc họp báo ở Tokyo ngày 1/4/2025. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Ông Tetsuo Saito - lãnh đạo đảng Komeito thuộc liên minh cầm quyền - sẽ chuyển bức thư trong chuyến thăm kéo dài ba ngày bắt đầu từ ngày 22/4 tới Trung Quốc. Ông Saito dự kiến sẽ gặp ông Lưu Kiến Siêu, Trưởng Ban Liên lạc đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, cùng các quan chức cấp cao khác của Bắc Kinh.

"Thủ tướng nói với tôi rằng ông muốn tôi chuyển lá thư vì có thể sẽ mất một thời gian nữa ông mới có thể sang thăm Trung Quốc", ông Saito phát biểu với báo giới hôm 21/4.

Động thái này cho thấy Nhật Bản đang thực sự mong muốn tạo được cân bằng quan hệ với Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất – và với Mỹ – đồng minh an ninh chính thức duy nhất của nước này. Hiện nay, Nhật Bản đang tiến hành đàm phán thương mại chính thức với Washington nhằm tìm kiếm những ngoại lệ từ các mức thuế quan rất cao mà chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp đặt hồi đầu tháng này.

Trung Quốc – thị trường chiếm khoảng 20% kim ngạch thương mại của Nhật Bản – đã cảnh báo các quốc gia khác không nên ký kết các thỏa thuận với Mỹ nếu điều đó làm tổn hại đến lợi ích của Bắc Kinh. Trong khi đó, Washington được cho là đang hối thúc các đồng minh hạn chế giao thương với Trung Quốc như một phần trong các cuộc đàm phán liên quan đến thuế quan.

Khi được hỏi về cảnh báo của Trung Quốc đưa ra vào ngày 22/4, người phát ngôn chính phủ Nhật Bản, ông Yoshimasa Hayashi, đã không đề cập trực tiếp mà thay vào đó cho biết rằng vấn đề thuế quan vẫn là ưu tiên hàng đầu của chính phủ.

Khi được nêu yêu cầu đưa ra bình luận về nội dung bức thứ của Thủ tướng Ishiba, ông Hayashi đã từ chối và chỉ cho biết: "Chúng ta cần tăng cường hợp tác và điều phối ở những lĩnh vực có thể, đồng thời giải quyết các vấn đề tồn đọng".

Nhật Bản hiện cũng đang có một số "vướng mắc" trong mối quan hệ thương mại song phương với Trung Quốc. Trong đó, Bắc Kinh vẫn tiếp tục cấm nhập khẩu hải sản từ Nhật để phản đối việc Tokyo xả thải nước phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima trực tiếp xuống biển.

Trong năm 2024, Nhật Bản và Trung Quốc đã từng nhất trí sẽ thực hiện các bước đi hướng tới tái khởi động hoạt động xuất khẩu hải sản nêu trên. Tuy nhiên cho đến nay, phía Trung Quốc vẫn chưa chính thức nối lại hoạt động thương mại này với lý do cần thêm các cuộc kiểm tra. Đợt kiểm tra thứ hai có sự tham gia của phía Trung Quốc đã diễn ra vào tuần trước.

Ông Saito cho biết vấn đề xuất khẩu hải sản cũng như lệnh cấm nhập khẩu thịt bò Nhật Bản vào Trung Quốc sẽ được nêu ra trong các cuộc họp, mà theo ông là nhằm xây dựng lòng tin giữa hai quốc gia khu vực Đông Á.

"Tôi hy vọng có thể trao đổi thẳng thắn về mối quan ngại của người dân Nhật Bản với Trung Quốc từ một góc độ khác ngoài mối quan hệ chính phủ", ông nói.

Trong một động thái liên quan, ngày 22/4, Thủ tướng Shigeru Ishiba đã có cuộc họp đầu tiên với tân Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản George Glass, người đã đến Tokyo vào tuần trước.

"Tôi hy vọng rằng liên minh Nhật Bản - Mỹ sẽ được tăng cường hơn nữa dưới sự dẫn dắt của Đại sứ", ông Ishiba nói trong cuộc họp tại Văn phòng Thủ tướng.

Về phần mình, Đại sứ Glass bày tỏ mong muốn tăng cường tình hữu nghị giữa hai quốc gia.

Tại cuộc họp báo, Chánh văn phòng Nội các Yoshimasa Hayashi cũng cho biết: "Đại sứ tại Nhật Bản là vị trí quan trọng đóng vai trò là cầu nối giữa hai nước. Tôi hy vọng rằng ông Glass sẽ nỗ lực hết mình vì mối quan hệ Nhật Bản - Mỹ".

Bình Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/thu-tuong-nhat-ban-co-dong-thai-tranh-doi-dau-trung-quoc-giua-luc-dam-phan-voi-my-20250422162926492.htm