Từ bỏ AUKUS: Lối đi khôn ngoan hơn cho Australia để bảo vệ đất nước?

Tăng cường tên lửa, UAV và tàu biển không người lái có thể là một lựa chọn tốt hơn so với tàu ngầm hạt nhân khi Australia muốn tự bảo vệ mình.

Đại biện lâm thời Mỹ tại Australia Michael Goldman (thứ 2, trái) tại lễ ký thỏa thuận cho phép trao đổi "thông tin nhạy cảm về động cơ hạt nhân hải quân" Australia-Mỹ-Anh nằm trong khuôn khổ thỏa thuận AUKUS. Ảnh: AFP/TTXVN

Đại biện lâm thời Mỹ tại Australia Michael Goldman (thứ 2, trái) tại lễ ký thỏa thuận cho phép trao đổi "thông tin nhạy cảm về động cơ hạt nhân hải quân" Australia-Mỹ-Anh nằm trong khuôn khổ thỏa thuận AUKUS. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong hơn một thế kỷ, Australia đã theo đuổi cùng một chính sách quốc phòng: phụ thuộc vào một cường quốc. Đầu tiên là Anh và sau đó là Mỹ.

Theo tác giả Albert Palazzo - giáo sư thỉnh giảng tại Đại học New South Wales (Australia) - qua bài viết trên trang Asia Times, nếu không cân nhắc đúng mức các lựa chọn khác, các chính phủ liên bang liên tiếp của Australia sẽ tăng cường chính sách này với thỏa thuận AUKUS và khiến đất nước phụ thuộc vào Mỹ hơn trong nhiều thập kỷ tới.

AUKUS là một thỏa thuận hợp tác an ninh – quốc phòng giữa Mỹ, Anh và Australia, được công bố vào tháng 9/2021, với trọng tâm là giúp Australia phát triển đội tàu ngầm hạt nhân.

Nhưng một chính phủ đổi mới và sáng tạo hơn sẽ nghiên cứu các cách khác nhau để đạt được một chính sách quốc phòng mạnh mẽ và độc lập. Ví dụ như một chính sách không yêu cầu Australia phải từ bỏ chủ quyền của mình cho một cường quốc nước ngoài; Không cần phải mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đắt đỏ và đóng tàu chiến mặt nước giá cao, trang bị kém như khinh hạm Hunter.

Trên thực tế, trong thời đại các hệ thống không người lái được cải thiện nhanh chóng, Australia không cần bất kỳ tàu chiến hoặc tàu ngầm có người lái nào cả.

Thay vào đó, theo tác giả Palazzo, Canberra nên dựa vào triết lý quân sự mà ông mô tả trong cuốn sách sắp ra mắt của mình, “The Big Fix: Rebuilding Australia’s National Security” (Cuộc cải tổ lớn: Xây dựng lại an ninh quốc gia của Australia), được gọi là "phòng thủ chiến lược".

Tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia của Mỹ thăm cảng quân sự Stirling ở Australia ngày 4/8/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia của Mỹ thăm cảng quân sự Stirling ở Australia ngày 4/8/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Phòng thủ chiến lược là gì?

Phòng thủ chiến lược là phương pháp tiến hành chiến tranh được sử dụng trong suốt chiều dài lịch sử, mặc dù thuật ngữ này chỉ được sử dụng vào đầu thế kỷ 19. Nó không yêu cầu một quốc gia phải đánh bại kẻ tấn công. Thay vào đó, quốc gia đó phải ngăn cản khả năng đạt được mục tiêu của kẻ thù.

Phòng thủ chiến lược phù hợp nhất với "các quốc gia ưu tiên duy trì nguyên trạng" (status quo states) như Australia. Người dân của các quốc gia “duy trì nguyên trạng” hài lòng với những gì họ có. Nhu cầu của họ có thể được đáp ứng mà không cần dùng đến sự đe dọa hoặc bạo lực. Những quốc gia này cũng có xu hướng yếu về mặt quân sự so với những đối thủ tiềm tàng, và bản thân họ không phải là người đi xâm lược.

Tóm lại, nếu chiến tranh xảy ra, mục tiêu duy nhất của Australia là ngăn chặn sự thay đổi hiện trạng. Theo cách này, phòng thủ chiến lược sẽ rất phù hợp với nền tảng trí tuệ của chính sách an ninh của họ.

Những lý do chính đáng cho cách tiếp cận phòng thủ chiến lược

Ngoài ra còn có những lý do chính đáng về mặt quân sự và công nghệ tại sao Australia nên định hình an ninh của mình xung quanh phòng thủ chiến lược.

Trước hết, phòng thủ là vị trí mạnh mẽ hơn trong chiến tranh so với tấn công. Việc chiếm đoạt lãnh thổ (bao gồm cả biển và không phận) khó hơn việc bảo vệ nó. Mọi kẻ xâm lược đều phải tấn công vào những khu vực xa lạ với họ, phải mang theo các nguồn lực hỗ trợ. Ngược lại, những người phòng thủ có thể rút lui vào một khu vực quen thuộc cùng các nguồn tài nguyên mà khu vực đó cung cấp.

Các nhà tư tưởng quân sự thường đồng ý rằng để thành công trong chiến tranh, kẻ tấn công cần có lợi thế về sức mạnh gấp ba lần so với bên phòng thủ.

Và các đại dương rộng lớn bao quanh lục địa Australia khiến cho bất kỳ nỗ lực xâm lược nào nhằm vào quốc gia này trở nên phức tạp và tốn kém hơn rất nhiều.

Australia cũng có thể sử dụng những vũ khí hiện có để tăng cường sức mạnh vốn có của việc phòng thủ. Nhiệm vụ của Canberra chỉ là làm cho bất kỳ cuộc tấn công nào trở nên quá tốn kém, cả về mặt trang thiết bị lẫn sinh mạng con người.

Tên lửa tấn công tầm xa và thiết bị bay không người lái (UAV), kết hợp với các cảm biến, mang lại cho quốc gia phòng thủ cơ hội tạo ra một khu vực an toàn xung quanh mình.

Australia có thể làm điều tương tự bằng cách tích hợp tên lửa, UAV và tàu không người lái với một mạng lưới cảm biến liên kết với hệ thống chỉ huy, kiểm soát và nhắm mục tiêu.

Tên lửa và UAV là sự đầu tư tốt hơn so với các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mà Australia hy vọng sẽ mua từ Mỹ, cũng như các tàu chiến – bao gồm cả tàu ngầm – mà chính phủ dự định xây dựng tại các xưởng đóng tàu Osborn và Henderson.

Và quan trọng nhất, chúng có sẵn ngay bây giờ.

Một chiến lược khôn ngoan hơn

Một mạng lưới phòng thủ cũng hợp lý hơn về mặt chiến lược đối với Australia, nhưng trái ngược với kế hoạch sở hữu tàu ngầm hạt nhân theo thỏa thuận AUKUS. Australia không có nhu cầu hoạt động tại các vùng biển xa xôi, như tận ngoài khơi Trung Quốc.

Hơn nữa, số lượng tàu mà Australia có thể sở hữu là quá ít, khiến khả năng răn đe trở nên thiếu thuyết phục. Trong khi đó, tên lửa và UAV có giá thành rẻ hơn rất nhiều, nghĩa là Australia có thể mua hàng nghìn đơn vị.

Canberra đang mắc sai lầm khi tập trung vào các “nền tảng” là những con tàu và máy bay đắt đỏ, thay vì tập trung vào hiệu quả cần đạt được: tiêu diệt đối phương bằng các "đàn" vũ khí tấn công.

Trên thực tế, kỷ nguyên của các tàu chiến có người lái – cả trên mặt nước và dưới lòng biển – đang dần kết thúc. Với công nghệ tấn công tầm xa ngày càng tiên tiến, biển có thể được kiểm soát ngay từ đất liền. Các loại cảm biến ngày càng hiện đại khiến kẻ tấn công khó lòng ẩn mình được dù là ở mặt biển, dưới mặt nước hay trên không trung.

Một lựa chọn thông minh hơn là Australia nên đầu tư vào các phương tiện không người lái trên mặt và dưới biển để tuần tra các khu vực tiếp cận, cùng với một số lượng lớn các bệ phóng và tên lửa bố trí trên đất liền.

Đối với một cường quốc quy mô quân sự nhỏ như Australia, lựa chọn này hợp lý hơn nhiều so với việc sở hữu một số ít tàu chiến chuyên dụng cực kỳ đắt đỏ nhưng lại dễ bị tổn thương.

Theo tác giả Palazzo, lúc này chưa quá muộn để Canberra suy nghĩ lại. Rõ ràng các nhà lãnh đạo Australia đã lựa chọn làm sâu sắc hơn sự phụ thuộc vào Mỹ, thay vì xây dựng một lực lượng quân sự đủ khả năng tự bảo vệ đất nước. Cái giá phải trả là vô cùng lớn – không chỉ về mặt tài chính mà còn là nguy cơ bị cuốn vào các cuộc chiến do nước ngoài dẫn dắt, cũng như tổn thất về uy tín quốc gia.

Nếu áp dụng một triết lý quân sự khác làm kim chỉ nam cho các quyết sách an ninh, Australia hoàn toàn có thể tự chủ trong việc bảo vệ mình.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Asia Times)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so-quan-su/tu-bo-aukus-loi-di-khon-ngoan-hon-cho-australia-de-bao-ve-dat-nuoc-20250422163232086.htm