Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam tại UAE
Nhân dịp tham dự Hội nghị COP28 tại Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), sáng 2-12 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam với chủ đề: 'Huy động các nguồn lực cho chuyển đổi xanh'. Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại UAE, Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu phối hợp tổ chức.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường, cùng đại diện lãnh đạo một số cơ quan Trung ương tham dự diễn đàn. Sự kiện còn có sự hiện diện của gần 50 doanh nghiệp Việt Nam, rất đông nhà đầu tư UAE và các tổ chức quốc tế.
Cơ chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam đang có rất nhiều yếu tố nền tảng giúp các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm khi đầu tư, làm ăn lâu dài. “Chúng tôi luôn cam kết bảo đảm quyền và lợi ích hợp tác của các bạn khi đến Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm ăn sinh lời, có lãi, trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Thủ tướng Phạm Minh Chínhđã điểm lại nhiều chính sách lớn của Việt Nam về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng và đối ngoại. Đồng thời khẳng định, Việt Nam đang thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Theo Thủ tướng, thể chế phải thông thoáng, tạo điều kiện phát triển và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện. Việc phát triển hạ tầng, đặc biệt hạ tầng giao thông cũng cần được quan tâm để giảm chi phí logistic. Bên cạnh đó, phải quan tâm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước và nhu cầu của từng doanh nghiệp.
“Cơ chế chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh sẽ góp phần tạo sự cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, góp phần tạo công ăn việc làm và kinh tế cho ngùoi dân”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Kể từ sau COP26, tình hình thế giới thay đổi nhanh với nhiều yếu tố bất lợi về dịch bệnh, chiến tranh, biến đổi khí hậu… Những yếu tố này khiến Việt Nam đối mặt nhiều thách thức, khó khăn nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Dù vậy, bằng sự nỗ lực chung của cả hệ thống, Việt Nam vẫn giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Đề cập định hướng phát triển xanh của Việt Nam, Thủ tướng nêu ra 5 điều kiện: “Thứ nhất, chúng tôi cần nguồn vốn ưu đãi. Thứ hai, là công nghệ tiên tiến; thứ ba về đào tạo nguồn nhân lực; thứ tư là một nền quản trị tiên tiến và điều kiện thứ năm là thể chế thông thoáng, phù hợp với điều kiện văn hóa của Việt Nam...
Chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn là ưu tiên hàng đầu
Khi có đủ 5 điều kiện này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, cần xây dựng chiến lược, quy hoạch và kế hoạch công khai, minh bạch, phù hợp với tiềm năng lợi thế của Việt Nam. Song song với quá trình đó, Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ, tháo gỡ về mặt pháp lý, tìm ra cách thức tổ chức “đầu tư ít, lợi nhuận cao”.
Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn và đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan, là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu cho sự phát triển nhanh, bền vững. Gửi thông điệp tới các nhà đầu tư UAE, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong Việt Nam sẽ là địa chỉ tin cậy để các nhà đầu tư nước ngoài gửi gắm niềm tin.
Chia sẻ với người đứng đầu Chính phủ Việt Nam trước đó, ông Kelvin Tan, Giám đốc điều hành, Trưởng bộ phận đầu tư tài chính bên vững khu vực ASEAN, Ngân hàng HSBC cho rằng, nhu cầu nguồn tài chính để đạt mục tiêu Net zero đến năm 2050 rất lớn, lên tới hàng nghìn tỷ USD. Tương tự, với quy hoạch điện III, Việt Nam cần nhu cầu đầu tư rất lớn, lên tới hàng chục tỷ USD. Điều này đặt ra yêu cầu cần thiết về liên minh trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Ông Ben Backwell, Giám đốc Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (GWEC), nêu nhiều kiến nghị hợp tác về phát triển điện gió ngoài khơi. Theo ông Blackwell, Việt Nam đã có quy hoạch điện III với nhiều mục tiêu, trong đó có điện gió, năng lượng tái tạo. Tổ chức này đã làm việc với 16 quốc gia trên thế giới và mong muốn Việt Nam tham gia để cùng trao đổi về xu hướng phát triển điện gió ngoài khơi. Còn theo bà Jackikle Nilsson, Ủy viên thường trực GWEC, Phó Chủ tịch Tập đoàn Equinor (công ty năng lượng quy mô lớn khu vực châu Á - Thái Bình Dương), Tập đoàn này đã hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và có 2 dự án điện gió ngoài khơi. Bà Nilsson phân tích ưu điểm của điện gió ngoài khơi là chi phí ngày càng giảm đi và tạo thêm nhiều việc làm, song để phát triển lĩnh vực này cần khuôn khổ pháp lý đầy đủ.
4 biên bản ghi nhớ (MOU) được ký kết tại diễn đàn:
- MOU giữa Tập đoàn CT và Tập đoàn ACX về thiết lập và tăng cường giao dịch tín chỉ carbon, giảm phát thải carbon.
- MOU giữa Tập đoàn CT và Tập đoàn Fraimont về thiết lập và tăng cường giao dịch tín chỉ carbon, giảm phát thải carbon.
- MOU giữa Tập đoàn Vietjet Air và Tập đoàn Novus Aviation Capital về việc hợp tác tài chính tàu bay.
- MOU giữa Tập đoàn Vietjet Air và SAF One về việc hợp tác phát triển nhiên liệu hàng không bền vững.