Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị triển khai năm học mới 2023-2024
Thủ tướng nhấn mạnh, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta; là vấn đề đặc biệt quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, có phạm vi tác động lớn nên cần đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện. Phát triển GD&ĐT phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc...
Chiều 18/8, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2022 – 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 – 2024. Dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ. Cùng dự hội nghị có đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; đồng chí Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành, lãnh đạo các tỉnh, thành trong cả nước…
Dự hội nghị, về phía Bộ GD&ĐT có đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; các đồng chí Thứ trưởng Bộ GD & ĐT; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ…
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm học 2022 – 2023, ngành Giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo yêu cầu của Nghị quyết 29. Chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục nâng lên, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao; thí sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế đạt thành tích cao. Tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 đảm bảo nghiêm túc và an toàn; kết quả thi bảo đảm khách quan để xét công nhận tốt nghiệp và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng để tuyển sinh.
Đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng; tình trạng thừa, thiếu giáo viên đã có thêm giải pháp khắc phục (Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các địa phương tuyển dụng được 17.208 giáo viên trong tổng số 65.980 biên chế giáo viên được Bộ Chính trị cho phép bổ sung cho cả giai đoạn 2022 – 2026). Tự chủ giáo dục đại học từng bước đi vào chiều sâu, gắn với thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin theo quy định. Hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục được đẩy mạnh.
Tại hội nghị, lãnh đạo một số tỉnh thành như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Yên Bái, Kon Tum, Cà Mau, lãnh đạo Bộ Nội vụ… đã kiến nghị và đưa ra giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên… Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị Bộ GD&ĐT sớm có đánh giá những tác động một cách cẩn thận về việc thực hiện đổi mới chương trình, SGK, đổi mới phương pháp, nhằm có căn cứ để khẳng định năng lực của học sinh có thực sự được nâng lên hay không. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng cần có chiến lược dài hơi đối với đào tạo đội ngũ nhà giáo, muốn dạy học tích hợp phải đào tạo giáo viên trước đó rồi mới triển khai thay vì chỉ tập huấn vài tháng đưa vào dạy học thì không thể tốt được.
Phát biểu tại hội nghị, Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an đã đánh giá cao kết quả năm học 2022 – 2023 và nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023 – 2024 của ngành Giáo dục. Bộ Công an luôn khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của ngành Giáo dục là “sự nghiệp trồng người đối với con người Việt Nam thời kỳ đổi mới” và xác định đây là một trong những giải pháp căn cơ để góp phần bảo vệ vững chắc an ninh văn hóa. Năm học vừa qua, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT triển khai nhiều chương trình, thông tư liên tịch phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH trong đấu tranh phòng chống tội phạm vi phạm pháp luật khác trong giáo dục.
“Chúng tôi bảo vệ an ninh, an toàn các kỳ thi, đồng thời phát hiện ngăn chặn các hoạt động lợi dụng hợp tác quốc tế trong giáo dục đào tạo để thực hiện thâm nhập, phá hoại nội bộ, qua đó, phòng ngừa, kéo giảm hành vi vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên”, Thứ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Lương Tam Quang, hiện một số đối tượng có âm mưu lợi dụng hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo để tạo ra những lớp người có quan điểm, tư tưởng không phù hợp với chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước. Chúng triệt để lợi dụng những điểm yếu của lứa tuổi thanh niên, lứa tuổi sinh viên, để kích động tư tưởng chống đối, hoạt động phá hoại tư tưởng, đặc biệt trên không gian mạng..., đã tác động đến học sinh, sinh viên, thậm chí tác động đến cả giáo viên.
Tội phạm trong học sinh sinh viên tuy chiếm tỉ lệ thấp, chỉ 2,63% trong tổng số thanh thiếu niên phạm tội, nhưng có xu hướng tăng: năm 2021, tăng 30% so với năm 2020; năm 2022 tăng 28,4% so với năm 2021 và 5 tháng đầu năm 2023 tăng khá cao so với 5 tháng cùng kỳ năm 2022. Thứ trưởng Lương Tam Quang cho biết, Bộ Công an sẽ đánh giá, phối hợp với các bộ, ngành, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ và Bộ GD&ĐT có giải pháp đồng bộ, phòng ngừa, ngăn chặn xử lý từ sớm các vấn đề tiềm ẩn phức tạp về ANTT trong học sinh sinh viên...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Đảng và Nhà nước ta xác định, GD&ĐT là quốc sách hàng đầu, là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, yếu tố quyết định chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng một thế hệ người Việt Nam đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi trong sự nghiệp phát triển đất nước nhanh và bền vững. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: Giáo dục là một trong những phương tiện quan trọng nhất để nâng cao năng lực và phẩm chất của con người, mà trước hết là nâng cao lòng yêu nước và hoàn thiện nhân cách. Bác nói “Vì sự nghiệp 10 năm trồng cây, vì sự nghiệp trăm năm trồng người”.
Theo Thủ tướng, năm học 2022-2023, mặc dù phải đối mặt với rất gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là sau COVID-19, ngành Giáo dục đã tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và những kết quả đạt được; nêu cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực khắc phục khó khăn, vướng mắc, ra sức phấn đấu và đạt nhiều kết quả nổi bật. Thể chế, cơ chế, chính sách phát triển GD&ĐT tiếp tục được hoàn thiện tương đối toàn diện, bao quát, tạo hành lang pháp lý thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo yêu cầu của Nghị quyết số 29.
Phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra chuyển biến, chuyển dần từ đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực, phẩm chất và đo lường sự tiến bộ của học sinh. Quản trị nhà trường tiếp tục được đổi mới theo hướng hiệu quả, hiện đại, công khai, minh bạch. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức giáo dục được tăng cường. Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế. Học sinh Việt Nam tiếp tục đạt nhiều thành tích cao trong các kỳ thi quốc tế. Tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 cho hơn 1 triệu thí sinh.
“Tôi rất xúc động chứng kiến các bậc cha mẹ, phụ huynh học sinh chăm lo, theo sát con em mình trong từng giai đoạn chuyển cấp quan trọng, hồi hộp, mong ngóng trước cửa trường thi; các thầy cô giáo tận tâm trao truyền kiến thức, kỹ năng giúp các học trò phát triển; các em đoàn viên thanh niên tình nguyện hăng hái tham gia tiếp sức mùa thi; các chiến sĩ Công an sẵn sàng hỗ trợ tốt nhất cho các em đến trường thi an toàn, kịp lúc... Có thể thấy rằng toàn xã hội rất quan tâm đến giáo dục, quan tâm đến tương lai của đất nước”, Thủ tướng bày tỏ.Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương những thành tựu quan trọng đạt được của ngành GD&ĐT trong năm học 2022-2023.
Tuy nhiên theo Thủ tướng, những kết quả đạt được là rất cơ bản nhưng cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận để cùng nhau tập trung khắc phục trong thời gian tới.
Đó là công tác hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới GD&ĐT triển khai còn chậm. Việc thực hiện chương trình SGK giáo dục phổ thông còn một số bất cập. Việc xây dựng và triển khai chương trình GDPT mới chưa đồng bộ với công tác chuẩn bị các điều kiện bảo đảm. Việc thiết kế môn học Lịch sử trong chương trình GDPT còn có ý kiến trái chiều. Còn chậm ban hành sách giáo khoa tiếng dân tộc. Một số địa phương chưa thực hiện kịp thời biên soạn tài liệu giáo dục địa phương. Việc dạy các môn tích hợp còn bất hợp lý.
Nhiều khu đô thị, khu công nghiệp không dành quỹ đất để đầu tư xây dựng trường, lớp dẫn đến tình trạng quá tải của các trường, sĩ số học sinh/lớp cao hơn nhiều so với quy định, làm gia tăng áp lực trong tuyển sinh đầu cấp, nhất là tuyển sinh lớp 10. Hà Nội là một ví dụ. Tại một số địa phương vẫn còn phòng học nhờ, phòng học tạm; thiếu các phòng chức năng, thiết bị dạy học tối thiểu; vấn đề nhà vệ sinh trong các trường học vẫn còn bất cập, chưa được quan tâm đúng mức. Vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, bất cập giữa các cấp học giữa các địa bàn…
Thủ tướng yêu cầu ngành Giáo dục tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm học mới, trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta; là vấn đề đặc biệt quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, có phạm vi tác động lớn nên cần đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện. Phát triển GD&ĐT phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc; với tiến bộ KHCN; phù hợp quy luật khách quan; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự chủ động, sáng tạo của nhân dân và toàn xã hội…
Thủ tướng gợi mở một số vấn đề như: kiên quyết không để ma túy xâm nhập học đường, khắc phục bạo lực học đường; SGK cần đổi mới nhưng cần chuẩn mực và ổn định phát triển. Có giải pháp khắc phục thiếu giáo viên, thiếu trường học ở các vùng sâu, xa, biên giới hải đảo. Trước thềm năm học mới, ngày 16/8/2023, Thủ tướng đã ký Công điện số 747 về việc bảo đảm SGK và đội ngũ giáo viên kịp thời cho năm học 2023-2024, cần nghiên cứu tổ chức thực hiện, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ GD&ĐT, Nội vụ, Tài chính và các địa phương.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách, hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi để thực hiện đổi mới GD&ĐT, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục, trong đó ưu tiên xây dựng Luật Nhà giáo; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và sớm công bố Phương án thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018.
Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, phát triển Chương trình GDPT 2018 phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra trong gia đoạn mới của đất nước; đồng thời, khẩn trương hoàn thành việc biên soạn sách giáo khoa điện tử, sách giáo tiếng dân tộc thiểu số, thử nghiệm và sử dụng sách chữ nổi cho người khiếm thị.
Xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với ngũ giáo viên phù hợp; có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non; nâng cấp, bổ sung điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bảo đảm hiệu quả, phù hợp yêu cầu tình hình thực tiễn ở các địa phương.
Đẩy mạnh tự chủ giáo dục trên tinh thần “không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội” với cách làm bài bản, khoa học, phù hợp với lộ trình cụ thể, rõ ràng để các cơ sở giáo dục tự chủ về chuyên môn, kinh phí nhưng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.
Tiếp tục rà soát, kiểm tra việc quy hoạch xây dựng, bảo đảm quỹ đất phù hợp để xây dựng trường, lớp học.
Tăng cường thông tin truyền thông về những chủ trương, đường lối, chính sách đổi mới giáo dục, tạo sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân.
Thủ tướng giao Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các địa phương tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của TW bảo đảm nghiêm túc, khách quan, sát thực tiễn, làm cơ sở để tham mưu với Bộ Chính trị ban hành văn bản chỉ đạo nhằm tạo đột phá trong đổi mới GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII.
Bộ GD & ĐT sớm công bố Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 để các thầy giáo, cô giáo và học sinh có định hướng cho hoạt động dạy, học và ôn thi, tạo sự yên tâm cho phụ huynh học sinh. Đổi mới thi, công nhận tốt nghiệp, đảm bảo nghiêm túc, gọn nhẹ, giảm áp lực và nâng cao chất lượng.
“Nhiệm vụ “chấn hưng giáo dục”, thực hiện sự nghiệp “trồng người” rất vẻ vang nhưng cũng đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ và sẽ luôn đồng hành cùng giải quyết những khó khăn, thử thách của ngành Giáo dục, cũng như của hơn 1 triệu thầy giáo, cô giáo đang ngày đêm cống hiến cho sự nghiệp “trồng người””, Thủ tướng chia sẻ và mong muốn, mỗi cán bộ công chức, viên chức làm công tác giáo dục, đào tạo; mỗi thầy cô giáo, mỗi học sinh, sinh viên, cần nỗ lực, quyết tâm vượt qua khó khăn, thi đua dạy tốt, học tốt, nâng cao chất lượng công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh; phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất và năng lực công dân; đặc biệt chú trọng và quan tâm giáo dục lý tưởng, nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật, ý thức công dân trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Mỗi cháu học sinh, sinh viên cần nỗ lực phấn đấu, học tập và rèn luyện; tích cực, tự giác, chủ động và sáng tạo nhiều hơn trong các hoạt động giáo dục và học tập. Phải biết đoàn kết, thương yêu, đùm bọc nhau; không ngừng rèn luyện để trở thành con ngoan trò giỏi - không phụ công nuôi dưỡng của gia đình, sự dạy dỗ của các thầy cô cũng như kỳ vọng của xã hội...