Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ công bố quy hoạch tỉnh Tây Ninh

Chiều ngày 5/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự lễ Công bố quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Cùng tham dự có ông Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trần Văn Sơn – Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Nguyễn Thanh Nghị - Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Đặng Quốc Khánh – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nguyễn Văn Thắng – Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Huỳnh Thành Đạt – Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ; Nguyễn Mạnh Hùng – Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo các Bộ, Ngành, Ban kinh tế trung ương lãnh đạo các tỉnh TP. HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước.

Thủ tướng đề nghị Tây Ninh tập trung “1 trọng tâm – 2 tăng cường – 3 điểm mạnh”

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao công tác quy hoạch bởi tỉnh Tây Ninh đã có sự nghiên cứu kĩ càng, cơ bản, phối hợp với các chuyên gia cũng như các Bộ, ngành.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo.

Qua báo cáo về công tác quy hoạch, Thủ tướng chỉ rõ, để thực hiện quy hoạch cần bám sát 3 yếu tố bao gồm: chủ trương của Đảng, Nhà nước; tình hình thực tiến địa phương trên tinh thần xác định tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và bám sát vào nhu cầu, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp trong việc phát triển vùng.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra những điểm chưa được của tỉnh Tây Ninh như: quy mô nền kinh tế, dịch vụ có tăng trưởng nhưng đóng góp trong cơ cấu GRDP chưa cao, tiềm năng về đất đai chưa khác thác có hiệu quả, khai thác chưa cân xứng; Doanh nghệp của tỉnh còn nhỏ, siêu nhỏ, cần làm tốt hơn công tác giảm nghèo, huy động có hiệu quả hơn nguồn lực xây dựng nông thôn mới….

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng hoa chúc mừng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng hoa chúc mừng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh Tây Ninh tập trung vào “1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 điểm mạnh” cụ thể: 1 trọng tâm là huy động mọi nguồn lực hợp pháp; 2 tăng cường gồm: tăng cường yếu tố con người, đảm bảo an sinh xã hội và tăng cường kết nối vùng, khu vực, quốc tế; 3 điểm mạnh gồm: hệ thống hạ tầng chiến lược bao trùm (giao thông, y tế, giáo dục, xã hội và văn hóa), đẩy mạnh phát triển công nghiệp phục vụ chế biến chế tạo sản xuất ra chuỗi cung ứng thế giới, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, lập nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp tỉnh Tây Ninh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp tỉnh Tây Ninh.

Trong quá trình triển khai quy hoạch, Thủ tướng cũng lưu ý địa phương cần tuân thủ quy hoạch, đảm bảo tính đồng bộ, có trước có sau, đảm bảo tính liên kết quy hoạch, đảm bảo tính ổn định, kế thừa của quy hoạch và đảm bảo tính linh hoạt, sáng tạo, mở rộng quy hoạch. Thủ tướng cũng đề nghị các Bộ, Ngành cùng Tây Ninh hiện thực hóa quy hoạch, dựa trên chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn với tinh thần chủ động, tích cực. Về phía doanh nghiệp và các nhà đầu tư, Thủ tướng đề nghị phối hợp cùng địa phương trên tinh thần “3 cùng”: cùng lắng nghe, cùng chia sẻ tầm nhìn, hành động và cùng làm - cùng hưởng - cùng thắng - cùng phát triển.

Hướng đến là trung tâm công nghiệp vùng Đông Nam Bộ

Ông Nguyễn Thanh Ngọc – Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết Tây Ninh có tốc độ phát triển nhanh, ổn định, trong giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) đạt 7,4%/năm.

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc phát biểu khai mạc.

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc phát biểu khai mạc.

Công nghiệp là một cấu thành quan trọng của nền kinh tế Tây Ninh, cơ cấu kinh tế của Tây Ninh chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa khá rõ nét. Cụ thể năm 2020, tổng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp – xây dựng đạt 37,943 nghìn tỷ đồng, gấp 8,7 lần năm 2010, tốc độ tăng trưởng trung bình năm đạt 12,3% (giai đoạn 2011-2020). Các Khu công nghiệp phân bố chủ yếu trong vùng động lực kinh tế của tỉnh tại Thị xã Trảng Bàng, Gò Dầu, Khu kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài, có điều kiện về không gian, thuận lợi cho kết nối các hạ tầng, nhất là các hạ tầng thiết yếu như giao thông, điện, nước….

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh dự kiến đến năm 2030, Tây Ninh sẽ có tốc độ tăng trưởng GRDP 9,5%/năm, GRDP đầu người đạt 7700 USD, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu từ 10%/năm trở lên. đóng góp của ngành du lịch trong GRDP đạt trên 10%, 100% số xã đạt nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo dưới 0,5%.

“Với mục tiêu đến năm 2030, kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, đưa Tây Ninh trở thành một trong những trung tâm công nghiệp và dịch vụ du lịch của vùng Đông Nam bộ và cả nước, trở thành địa phương đáng đến và đáng sống” ông Nguyễn Thanh Ngọc phát biểu.

3 vùng phát triển, 4 trục động lực, 1 vành đai an sinh xã hội

Theo quy hoạch, tầm nhìn đến năm 2050, Tây Ninh sẽ có hệ thống quản trị công hiệu quả, môi trường kinh doanh thân thiện, môi trường sống hấp dẫn dựa trên một hệ sinh thái bền vững và đa dạng. Để thực hiện mục tiêu này, quy hoạch tỉnh đã xác định phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo “3 vùng phát triển, 4 trục động lực, 1 vành đai an sinh xã hội”.

Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao quyết định công bố quy hoạch.

Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao quyết định công bố quy hoạch.

Cụ thể, 3 vùng phát triển bao gồm: vùng 1 gồm Thị xã Trảng Bàng, huyện Gò Dầu và một phần phía nam huyện Dương Minh Châu là vùng phát triển công nghiệp, đô thị dịch vụ. Vùng 2 gồm TP Tây Ninh, thị xã Hòa Thành, vùng phía tây huyện Dương Minh Châu và một phần phía đông huyện Châu Thành là trung tâm hành chính, văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch với chủ đạo là dịch vụ, tiếp đến là công nghiệp hỗ trợ và chế biến, nông nghiệp công nghệ cao. Vùng 3 gồm huyện Tân Biên, Tân Châu, phía tây huyện Châu Thành và phía bắc huyện Bến Cầu được xác định là vùng phát triển nông nghiệp.

Bốn trục động lực được kể đến bao gồm: Trục số 1 gắn với cao tốc Gò Dầu – Xa Mát và Quốc lộ 22, 22B được xác định là hành lang phát triển Bắc Nam chính của tỉnh; Trục số 2 gắn với tuyến đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 22 là hành lang kết nối tỉnh Bình Dương và Campuchia theo hướng Đông – Tây cho vùng phía Nam, kết nối Quốc lộ 13, Quốc lộ 14 tới sân bay Long Thành; Trục số 3 gắn với tuyến đường Đất Sét – Bến Củi – Bến Cầu là vành đai trung chuyển hàng hóa giữa các khu công nghiệp đi Campuchia, kết nối với TPHCM thông qua cao tốc TPHCM – Mộc Bài, cao tốc Gò Dầu – Xa Mát và kết nối về phía đông đi Bình Dương, các tỉnh Tây Nguyên; Trục số 4 gắn với đường tỉnh 781 là hành lang kết nối liên vùng với tỉnh Bình Dương và vương quốc Campuchia theo hướng Đông Tây.

Về vành đai an sinh xã hội sẽ gắn với cao tốc dọc biên giới, kết nối liên vùng với Đồng bằng Sông Cửu Long thông qua Long An và Tây Nguyên qua Bình Phước, là hành lang hỗ trợ quốc phòng – an ninh và an sinh cho vùng phía bắc.

Để hoàn thành các mục tiêu, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết tỉnh đã đề ra 6 nhóm giải pháp trọng tâm gồm: huy động vốn đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, môi trường – khoa học – công nghệ, cơ chế chính sách liên kết phát tiển, quản lý, kiểm soát phát triển đô thị - nông thôn và tổ chức thực hiện giám sát, thực hiện quy hoạch.

Quy hoạch vùng ĐNB, sẽ coi TP. HCM là hạt nhân phát triển

Sáng 5/5, tại Tây Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) lần thứ 3 và Công bố Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) thời kỳ 2021-2039 tầm nhìn 2050.

Theo đó, phạm vi quy hoạch của Vùng này bao gồm TP. HCM và 5 tỉnh lân cận gồm Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Theo quy hoạch đến năm 2030, vùng ĐNB trở thành vùng văn minh, hiện đại với nền công nghiệp phát triển với mức thu nhập cao và đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng cao, cũng là vùng động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước, phát triển năng động, tốc độ tăng trưởng cao; trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực.

ĐNB là trung tâm của nền kinh tế số và xã hội số, đồng thời là trung tâm quan trọng về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ tại Việt Nam. Về mặt kinh tế, ĐNB đặt mục tiêu tăng trưởng nhanh chóng của GDP bình quân trong giai đoạn 2021-2030, ước đạt khoảng 8-9% mỗi năm. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành dự kiến dao động từ 380-420 triệu đồng, tương đương 14.500-16.000 USD. Ngoài ra tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm khoảng 41-42% trong tổng sản lượng kinh tế (GRDP), công nghiệp và xây dựng chiếm 45-46% (trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm khoảng 33%), nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2-3%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 10-11%.

Về phía cạnh xã hội, chỉ số phát triển con người (HDI) dự kiến đạt trên 0,8. Tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp hoặc chứng chỉ ước đạt từ 40-45%, và tỷ lệ thất nghiệp dự kiến duy trì ở mức dưới 3%...

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2031 -2050 đạt khoảng 7,5%/năm, GRDP/người đến năm 2050 đạt khoảng 54.000 USD.

Ngoài ra, về đô thị và hạ tầng của vùng cũng được đồng bộ, hiện đại, thông minh, tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, hạ tầng thủy lợi, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Giải quyết cơ bản tình trạng tắc nghẽn giao thông, ngập úng và ô nhiễm môi trường. Thúc đẩy phát triển đô thị gắn với định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng (TOD).

Thiên Phúc- Sa Huỳnh

Khánh Toàn - Tấn Quang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-du-le-cong-bo-quy-hoach-tinh-tay-ninh-post511564.html