Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Sóc Trăng
Tối 27/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Sóc Trăng (4/1992-4/2022), đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh và công bố thành phố Sóc Trăng là đô thị loại II trực thuộc tỉnh.
Tham dự buổi lễ còn có ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương và địa phương…
Năm 1992, tỉnh Sóc Trăng và Cần Thơ được chia tách từ tỉnh Hậu Giang. Lúc đó, Sóc Trăng được xem như là “vùng trũng” bởi có quá nhiều khó khăn về mọi mặt. Thế nhưng, bằng nội lực của mình và sự đầu tư của Nhà nước, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Sóc Trăng đã không ngừng nỗ lực vươn lên, tập trung khai thác các tiềm năng, phát huy lợi thế, tranh thủ các nguồn lực để xây dựng và phát triển, đạt được những thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội, khẳng định được vị thế của mình trong khu vực….
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Sau 30 năm tái lập, tỉnh Sóc Trăng có 11 đơn vị hành chính trực thuộc, trong đó có 1 thành phố, 2 thị xã, 8 huyện. Có 4 đơn vị hành chính được thành lập mới là: Cù Lao Dung, Ngã Năm, Châu Thành và Trần Đề. Toàn tỉnh hiện có 109 xã, phường, thị trấn, tăng 15 đơn vị so với năm 1992. Dân số tỉnh Sóc Trăng năm 2021 là 1.206.819 người.
Về quy mô kinh tế (GRDP) năm 2021 của tỉnh Sóc Trăng đạt 57.120 tỷ đồng, tăng 38 lần so với năm 1992; thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 2.031 USD; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2021 là 18.952 tỷ đồng, tăng 160,75 lần so với năm 1992, tốc độ tăng bình quân đầu người giai đoạn 1993 – 2021 là 19,14%. Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 58 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 72,5%).
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh Sóc Trăng xác định mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, đưa tỉnh Sóc Trăng phát triển nhanh, bền vững.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực của Đảng bộ, Nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã đạt được trong thời gian qua.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, bên cạnh những thành tích nổi bật, trong 3 thập kỷ qua, tốc độ phát triển kinh tế Sóc Trăng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của tỉnh, kết cấu hạ tầng kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là phát triển nhanh và bền vững; môi trường đầu tư kinh doanh năng lực còn hạn chế, các chỉ số về hiệu quả quản trị và hành chính công và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh vẫn ở mức thấp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn: Sóc Trăng cần phải xác định rõ tiềm năng khác biệt; cơ hội nổi trội lợi thế cạnh tranh để bứt phá, phát triển nhanh bền vững với tinh thần dựa vào nội lực là quyết định là chiến lược cơ bản lâu dài và nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá.
“Sóc Trăng có hệ thống đê sông, đê biển gần 500km, được ví như rồng biển Sóc Trăng, có 72 km bờ biển là một trong những địa phương có tiềm năng gió lý tưởng để phát triển điện gió. Bên cạnh đó, Sóc Trăng còn sở hữu ba vùng sinh thái, mặn ngọt và lợ là điều kiện thuận lợi để phát triển đa dạng cây trồng vật nuôi; lực lượng lao động dồi dào là điều kiện để doanh nghiệp đầu tư phát triển, phấn đấu đến 2030 thu nhập bình quân đầu người bằng bình quân khu vực ĐBSCL”, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý.
Dịp này, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Sóc Trăng vinh dự đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng; đón nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận TP. Sóc Trăng là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Sóc Trăng.
Trước đó, chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ đến khảo sát thực tế khu bến cảng Trần Đề; khảo sát Khu công nghiệp Trần Đề; kiểm tra công trường xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1, tại xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.