Thủ tướng Phạm Minh Chính: Hòa Bình cần khai thác tốt vai trò kết nối vùng giữa Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội

Trong chương trình công tác tại tỉnh Hòa Bình, chiều 13-4, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về tình hình phát triển kinh tế - xã hội; kết quả thực hiện các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao và giải đáp một số kiến nghị của tỉnh.

Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế.

Theo Tỉnh ủy Hòa Bình, thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, nhất là nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hòa Bình đã nỗ lực, đạt những kết quả quan trọng.

Đặc biệt, đối với 12 nội dung nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm 2023, đến nay có 6 nội dung Hòa Bình đã hoàn thành, đó là, bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất công nghiệp; hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng đường tránh dốc Cun - Quốc lộ 6; bổ sung quy hoạch 7 khu công nghiệp; hỗ trợ kinh phí để di dời và xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh tại vị trí mới; xây dựng Đề án phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng CT229 (vùng an toàn khu cách mạng); giao Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình là cơ quan có thẩm quyền đối với một số dự án trên địa bàn tỉnh. Còn lại 6 nội dung đang tiếp tục thực hiện.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Ảnh: TTXVN

Hòa Bình kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành xem xét, điều chỉnh một số dự án phát triển hạ tầng giao thông như các dự án đường liên kết vùng, liên vùng trên địa bàn tỉnh; sớm xem xét, phê duyệt Đề án phát triển các xã thuộc vùng CT229 của tỉnh.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những kết quả Hòa Bình đã đạt được trong thời gian qua, với 5 điểm hơn: Chuyển biến tích cực hơn về nhận thức về tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; thể hiện tinh thần tự lực, tự cường nhiều hơn; kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị cao hơn; đầu tư cho phát triển tập trung hơn; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, đảng viên, các cấp chính quyền tốt hơn.

Trên cơ sở phân tích tiềm năng, thế mạnh và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hòa Bình phải thực hiện hiệu quả Quy hoạch đã được phê duyệt, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; hiện thực hóa quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển; hình thành không gian phát triển mới, tạo giá trị mới.

Trong đó, phát triển Hòa Bình theo mô hình tập trung đa cực, 2 hành lang kinh tế Đông - Tây và phía Đông và 3 vùng công nghiệp là vùng công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao; vùng không gian tăng trưởng công nghiệp mới; vùng phát triển công nghiệp mang tính địa phương.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tỉnh Hòa Bình tập trung thực hiện "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh". Theo đó, “1 trọng tâm” là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống; đột phá vào các động lực tăng trưởng mới. “2 tăng cường” là tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người, xã hội và tăng cường kết nối vùng, trong nước và quốc tế. “3 đẩy mạnh” gồm: Đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ, bao trùm; đẩy mạnh phát triển công nghiệp phục vụ cho chế biến, chế tạo, chuỗi sản xuất - cung ứng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, tỉnh Hòa Bình phải luôn đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển, khai thác tối đa nguồn lực bên trong, đặc biệt là phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa; hình thành các vùng động lực làm đầu tàu phát triển; phát triển các ngành động lực để thúc đẩy tăng trưởng, tập trung vào công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ cao; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, văn hóa bản sắc…; nông nghiệp sạch, hữu cơ, chất lượng cao; tăng cường và nâng cao hiệu quả liên kết kinh tế, khai thác tốt vai trò kết nối vùng giữa Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội, vùng Đồng bằng sông Hồng.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất, chế tạo các loại bảng mạch in điện tử (PCB) tại Hòa Bình. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất, chế tạo các loại bảng mạch in điện tử (PCB) tại Hòa Bình. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Hòa Bình đẩy mạnh đầu tư hạ tầng chiến lược, đẩy mạnh hợp tác công - tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, khơi thông các nguồn lực; quản lý chặt chẽ và sử dụng vốn đầu tư hiệu quả, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, vừa hình thành các doanh nghiệp lớn, vừa nâng cao năng lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Chuẩn bị tốt các dự án, lĩnh vực mời gọi đầu tư để đón các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn, có tiềm năng; đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo, nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực cho các lĩnh vực tiềm năng của tỉnh.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh về nhiệm vụ phát triển hạ tầng kết nối và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển các sản phẩm OCOP.

Nhất trí giải quyết các kiến nghị của tỉnh Hòa Bình, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành phối hợp với tỉnh thực hiện hiệu quả 6 nhiệm vụ mà Thủ tướng đã giao đầu năm 2023 về lập hồ sơ 2 di chỉ là di tích quốc gia đặc biệt và lập hồ sơ công nhận nền Văn hóa Hòa Bình là di sản thế giới; hỗ trợ kinh phí xây dựng không gian Văn hóa Hòa Bình; thực hiện các dự án kè chống sạt lở cấp bách 2 bờ sông Đà và tăng cường khả năng thoát lũ, giảm ngập lụt cho lưu vực sông Lạng; các cơ chế, chính sách đối với Thủy điện Hòa Bình; thực hiện dự án tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; đầu tư nâng cấp quốc lộ 15 đoạn Km0 - Km20 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình...

Thủ tướng tin tưởng, với truyền thống cách mạng, với đà phát triển những năm qua, với sự ủng hộ, nỗ lực của các bộ, ngành Trung ương, nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân, tỉnh Hòa Bình sẽ phát triển mạnh mẽ; đóng góp ngày càng tích cực vào phát triển vùng và cả nước.

* Trước đó, vào chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Lễ khởi công Nhà máy sản xuất, chế tạo các bảng mạch in điện tử (PCB) tại Khu công nghiệp Bờ trái Sông Đà, thành phố Hòa Bình – Nhà máy thứ 5 của Công ty MEIKO, Nhật Bản tại Việt Nam.

MEIKO là công ty chuyên sản xuất, chế tạo các bảng mạch in điện tử của Nhật Bản. Sản phẩm của Công ty là bảng mạch để phát triển các thiết bị ngoại vi, máy vi tính, đồ điện tử gia dụng, thiết bị nghe nhìn, pin mặt trời, các loại chíp vi xử lý, các bộ điều khiển… MEIKO Hòa Bình giai đoạn 1 có mức đầu tư 200 triệu USD và nâng lên 500 triệu USD trong giai đoạn 2; tạo việc làm cho khoảng 2.000 lao động; chuyên sản xuất bảng mạch in điện tử phục vụ ngành công nghiệp sản xuất ô tô và điện thoại thông minh.

TTXVN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/thu-tuong-pham-minh-chinh-hoa-binh-can-khai-thac-tot-vai-tro-ket-noi-vung-giua-tay-bac-voi-thu-do-ha-noi-772648